Theo BBC, hạ cánh máy bay chiến đấu di chuyển cực nhanh đòi hỏi phi công phải đầy kỹ năng. Chẳng hạn như máy bay F-10 đáp xuống với vận tốc khoảng 300 km/h (186mph) - là tốc độ khiến phi công chỉ có rất ít thời gian đối phó nếu như có chuyện xảy ra.
Mà tất nhiên là mọi chuyện đều có thể xảy ra.
Đầu tiên, chiếc Su-35 thực hiện một kỹ thuật khó, lắc lái về bên phải rất gần với đầu đường băng trước khi tiếp đất.
Tuy nhiên, lực khi tiếp đất làm máy bay nảy bật lên khiến nó đột ngột bị giảm tốc.
Cánh trái bị tròng trành và trong một khoảnh khắc đáng sợ, đầu cánh quét xuống đất ngay trước khi viên phi công – hoặc hệ thống máy tính điều khiển trên máy bay kịp thời can thiệp - cứu chiếc máy bay khỏi một thảm hoạ kinh hoàng.
Su-35 là một trong những loại máy bay tân tiến nhất của Không quân Nga. Đó là chiến đấu cơ siêu âm hạng nặng, dài tới hơn 21 m (70ft) và nặng tới hơn 35 tấn khi bay.
Với hai động cơ phản lực Saturn có lực đẩy tới 31.000 cân Anh mỗi chiếc, đây là loại máy bay lớn nhưng rất linh hoạt.
Su-35 rất được hâm mộ tại các triển lãm hàng không, do động cơ của nó có khả năng điều hướng lực đẩy theo các góc khác nhau (thuật ngữ hàng không gọi là thrust-vectoring), khiến chiếc phi cơ có thể bay ở những góc độ gần như không tưởng.
Tuy nhiên, khi hạ cánh thì những giới hạn khí động học lại đóng vai trò lớn hơn nhiều.
Phi công khi hạ cánh ở vận tốc gần 300km/h vẫn phải có phản xạ chớp nhoáng để ngăn chặn thảm họa - có thể là bằng cách chỉnh lái khi thấy tình huống nguy hiểm, hoặc nếu quá muộn, phải nhấn nút để thoát khỏi chiếc máy bay sắp tới giờ tận số.
BBC Future đã nói chuyện với một cựu phi công phản lực của Không lực Hoàng gia Anh Quốc, và là người hướng dẫn bay, Graham Flack. Ông cũng đã xem đoạn video.
"Tôi không nghĩ rằng viên phi công đã có bất kỳ phản ứng nhanh nào trong tình huống này - người đó đã rất may mắn khi chiếc chiến đấu cơ bật nảy lại như vậy. Có lẽ hệ thống máy tính trên máy bay đã can thiệp kịp thời,” ông nói. “Không ổn chút nào khi lắc lái một chiếc phản lực đang hạ cánh!”
Ông cho rằng vấn đề xảy ra là do chiếc máy bay đã qua mất điểm chỉnh lái để tiếp đất lý tưởng khi nó bắt đầu vào góc hạ cánh.
"Tốt nhất là chiếc phi cơ phải được căn thẳng hàng với đường băng khi còn cách đất khoảng 90m (300 ft). Trong tình huống này, viên phi công đã xuống thấp hơn nhiều so với độ cao lý tưởng nêu trên."
"Cú tròng trành sau chót (khi máy bay liên tục mất tốc độ ngay trên đường băng) khiến phi công hầu như không có thời gian để nhận thấy rằng tốc độ hạ độ cao là quá lớn."
Khi tiếp đất, việc giảm tốc quá đột ngột khiến chiếc phi cơ không đủ tốc độ và độ nâng cần thiết để giữ cánh trái không bị tròng trành – và một khi chuyện đó xảy ra thì sự can thiệp của phi công hoặc máy tính sẽ hầu như không có tác dụng.”
Một yếu tố có lẽ đã giúp ngăn chặn thảm họa chính là khung giá ở đầu cánh máy bay, nơi chịu tác động của sự cố này. Đây là nơi mang tên lửa hoặc các bộ cảm ứng, và rất chắc khoẻ.
“Độ chắc chắn của bộ phận này giúp bảo vệ cánh khỏi những hư hại thật sự, do vậy có thể tránh được một vụ tai nạn. Thực sự là trong sự cố trên, rất may mắn là nó đã giúp chiếc phi cơ bật nảy trở lại vào vị trí thích hợp để hoàn tất việc tiếp đất.”
Theo những gì ghi lại trong một đoạn video khác về cùng sự cố, chiếc Sukhoi đó cuối cùng đã hoàn tất việc hạ cánh mà không gặp phải trục trặc gì. Chúng tôi chỉ có thể đoán được là sau đó, viên phi công kém may mắn hẳn đã phải hứng chịu trận lôi đình từ cấp trên của mình.
Clip cú tiếp đất nguy hiểm của chiếc Su-35