
Vào khoảng hơn 8 giờ tối ngày 8/5, những vệt pháo sáng đỏ rực xé toạc bầu trời đêm trên thành phố Jammu, miền Bắc Ấn Độ, khi hệ thống phòng không nước này khai hỏa nhằm vào các máy bay không người lái từ nước láng giềng Pakistan.
Suốt nhiều thập kỷ xung đột, quân đội Ấn Độ và Pakistan đã từng triển khai chiến đấu cơ tối tân, tên lửa truyền thống và pháo binh, nhưng cuộc giao tranh kéo dài 4 ngày trong tháng 5 vừa qua đánh dấu lần đầu tiên 2 nước sử dụng máy bay không người lái (UAV) trên quy mô lớn để đối đầu lẫn nhau.
Cuộc giao tranh chấm dứt sau khi Mỹ thông báo đã làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn, nhưng theo phỏng vấn của Reuters với 15 nhân vật gồm quan chức an ninh, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia phân tích tại 2 nước, 2 cường quốc Nam Á – từng chi hơn 96 tỷ USD cho quốc phòng vào năm ngoái – nay đang bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ khí không người lái.
2 trong số các nguồn tin cho biết họ dự đoán 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này sẽ tăng cường sử dụng UAV, vì những đòn tấn công quy mô nhỏ bằng drone có thể nhắm trúng mục tiêu mà không gây nguy hiểm đến nhân sự hoặc dẫn đến leo thang không kiểm soát.
Ông Smit Shah, thuộc Liên đoàn Drone Ấn Độ – tổ chức đại diện cho hơn 550 công ty và thường xuyên làm việc với chính phủ – cho biết Ấn Độ dự kiến đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp trong nước và có thể chi đến 470 triệu USD phát triển UAV trong vòng 12 đến 24 tháng tới, gấp khoảng 3 lần so với mức trước xung đột.
Dự báo chưa từng được công bố này xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ vừa phê duyệt khoản chi 4,6 tỷ USD cho mua sắm quốc phòng khẩn cấp. Hai lãnh đạo doanh nghiệp khác đã xác nhận con số này. Theo hai quan chức Ấn Độ, quân đội nước này dự định sử dụng một phần khoản kinh phí bổ sung để mua sắm UAV phục vụ tác chiến và giám sát.

Trong cuộc xung đột vừa qua, cả Pakistan và Ấn Độ đều triển khai các tiêm kích thế hệ 4.5 tiên tiến, song Islamabad – đang gặp khó khăn tài chính – chỉ có khoảng 20 chiếc J-10 do Trung Quốc sản xuất, trong khi New Delhi sở hữu tới 30 chiếc Rafale của Pháp.
Bà Oishee Majumdar, thuộc công ty tình báo quốc phòng Janes, nhận định Pakistan có khả năng sẽ đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển khả năng nghiên cứu và sản xuất UAV trong nước.
Nguồn tin Pakistan cho biết Islamabad đang dựa vào sự hợp tác giữa Công viên Khoa học và Công nghệ Hàng không Quốc gia Pakistan với công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar để lắp ráp mẫu UAV YIHA-III ở trong nước – mỗi chiếc chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày để hoàn thành.
Ông Walter Ladwig III, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học King’s College London, cho biết: “Ấn Độ và Pakistan dường như xem các cuộc tấn công bằng drone là cách để gây sức ép quân sự mà không lập tức dẫn đến leo thang toàn diện”.
Tuy nhiên, ông Ladwig cảnh báo những cuộc chạm trán như vậy không hoàn toàn an toàn, vì UAV cũng có thể được sử dụng để tấn công vào các khu vực tranh chấp hoặc đông dân cư – nơi mà trước đây người ta ngần ngại đưa máy bay có người lái vào.

Đội hình UAV và vũ khí từ thời Chiến tranh Lạnh
Cuộc giao tranh vào tháng 5 vừa qua – được đánh giá là dữ dội nhất giữa hai nước kể từ đầu thế kỷ – bùng nổ sau vụ tấn công hôm 22/4 của nhóm phiến quân tại khu vực Kashmir tranh chấp, khiến 26 người thiệt mạng, phần lớn là khách du lịch Ấn Độ.
New Delhi cáo buộc các “phần tử khủng bố” được Islamabad hậu thuẫn đứng sau vụ tấn công, điều mà Pakistan phủ nhận. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ trả đũa và ngày 7/5, Ấn Độ tiến hành không kích nhằm vào cái mà nước này gọi là “hạ tầng khủng bố” tại Pakistan.
Đêm hôm sau, Pakistan đã phóng hàng loạt UAV dọc theo đường biên giới dài 1.700 km với Ấn Độ – khoảng 300 đến 400 chiếc bay vào từ 36 điểm khác nhau để thăm dò hệ thống phòng không của Ấn Độ, theo các quan chức nước này.
Pakistan sử dụng UAV YIHA-III có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, Songar của hãng Asisguard và Shahpar-II do tập đoàn nhà nước Global Industrial & Defence Solutions sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, phần lớn số UAV này đã bị bắn hạ bởi các khẩu pháo phòng không từ thời Chiến tranh Lạnh của Ấn Độ, vốn đã được kết nối với radar và hệ thống liên lạc hiện đại do công ty quốc doanh Bharat Electronics phát triển, hai quan chức Ấn Độ cho biết.
Một nguồn tin từ Pakistan phủ nhận việc nhiều UAV của họ bị bắn rơi hôm 8/5, nhưng phía Ấn Độ cũng không chịu thiệt hại đáng kể từ đợt tấn công bằng UAV này.
Thiếu tướng Anshuman Narang, một chuyên gia UAV tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Hợp nhất tại Delhi, nhận xét việc sử dụng pháo phòng không cũ của Ấn Độ “hiệu quả hơn gấp 10 lần so với kỳ vọng”.
Ấn Độ cũng triển khai UAV HAROP của Israel, WARMATE của Ba Lan và UAV sản xuất trong nước vào không phận Pakistan. Một số UAV này còn được dùng để tấn công chính xác vào các cơ sở mà 2 quan chức Ấn Độ mô tả là hạ tầng quân sự và của các phần tử vũ trang.
Ấn Độ đã sử dụng số lượng lớn HAROP – loại UAV do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel sản xuất, còn được gọi là “máy bay cảm tử” vì có khả năng bay lượn trên mục tiêu rồi lao xuống và phát nổ.
Một nguồn tin thứ ba từ Pakistan cho biết nước này đã triển khai radar giả tại một số khu vực để thu hút HAROP, hoặc chờ đến khi UAV này gần hết thời gian hoạt động và hạ thấp độ cao xuống dưới 3.000 feet (914 m) để bắn hạ.
Ông Ladwig nhận định: “Ấn Độ đã tấn công được các cơ sở trong lãnh thổ Pakistan mà không gây rủi ro cho nhân sự hay khí tài lớn”. Trong khi đó, Pakistan cho rằng việc sử dụng UAV để tấn công các cơ sở quốc phòng Ấn Độ là cách để thể hiện hành động mà không bị quốc tế chú ý quá mức như các phương thức chiến tranh truyền thống.

Giá rẻ nhưng tồn tại điểm yếu
Dù mất nhiều UAV, cả hai bên đều đang đẩy mạnh đầu tư.
Chuyên gia Michael Kugelman tại Washington nhận xét: “Chúng ta đang nói về công nghệ tương đối rẻ tiền. Và dù UAV không có hiệu ứng mạnh mẽ như tên lửa hay tiêm kích, chúng vẫn có thể thể hiện sức mạnh và mục tiêu rõ ràng cho bên tấn công”.
Một nguồn an ninh Ấn Độ và ông Sameer Joshi thuộc công ty UAV NewSpace cho biết các nhà hoạch định quốc phòng nước này đang mở rộng phát triển UAV cảm tử sản xuất nội địa.
Ông Joshi nói: “Khả năng lượn lâu trên mục tiêu, tránh bị phát hiện và tấn công chính xác đã tạo ra xu hướng chiến tranh giá rẻ nhưng hiệu quả, với UAV sản xuất hàng loạt”. Công ty ông đang cung cấp cho quân đội Ấn Độ.
Các công ty như ideaForge – đã cung cấp hơn 2.000 UAV cho lực lượng an ninh Ấn Độ – cũng đang đầu tư nâng cao khả năng chống chiến tranh điện tử cho drone của họ, theo ông Saxena.
Tuy nhiên, một điểm yếu khó khắc phục là chương trình drone của Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào các linh kiện khó thay thế từ Trung Quốc – quốc gia vốn là đối tác quân sự của Pakistan – theo 4 nhà sản xuất UAV và quan chức Ấn Độ.
Ông Shah từ Liên đoàn Drone Ấn Độ cho biết: “Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào nam châm và pin lithium do Trung Quốc sản xuất”.
Ông Saxena của ideaForge cảnh báo: “Việc vũ khí hóa chuỗi cung ứng cũng là một vấn đề – Bắc Kinh có thể siết chặt nguồn cung linh kiện trong một số tình huống”.
Ông Shah nhận định: “Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một bài toán trung và dài hạn – không thể giải quyết trong ngắn hạn”.

Không quân Pakistan tuyên bố nhận chiến đấu cơ J-35A đầu tiên của Trung Quốc

Xem dàn vũ khí "Made in China" giúp Pakistan đáp trả mạnh mẽ Ấn Độ ở Kashmir
