Quốc gia EU kiện Belarus 200 triệu euro vì "vũ khí hóa" người di cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lithuania đang tìm cách đòi khoản tiền bồi thường cho cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới mà họ đổ lỗi cho phía Belarus.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lithuania (Litva) đang yêu cầu Belarus bồi thường thiệt hại hơn 200 triệu euro (227 triệu USD) vì cuộc khủng hoảng người di cư mà Vilnius cáo buộc là do Minsk cố ý gây ra – theo hãng tin địa phương BNS hôm 27/5.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2021, khi Belarus trở thành tuyến đường trung chuyển chính cho người di cư từ Trung Đông tìm cách vượt biên vào Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù Ba Lan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Latvia và Litva cũng bị tác động. Minsk phủ nhận có liên quan đến việc tổ chức vượt biên trái phép và ngược lại cáo buộc các quốc gia EU ngược đãi người xin tị nạn.

Theo BNS, trích dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Litva, yêu cầu bồi thường này bắt nguồn từ một đơn kiện chính thức gửi lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hồi tuần trước. Trong đơn, Litva cáo buộc Belarus vi phạm nghĩa vụ quốc tế khi không bảo đảm an ninh cho đường biên giới chung.

“Đơn kiện của Cộng hòa Litva nêu rõ rằng quốc gia này sẽ yêu cầu bồi thường, với thiệt hại ước tính sơ bộ vượt quá 200 triệu euro”, Bộ Tư pháp Litva nói với BNS, đồng thời lưu ý rằng con số này phản ánh chi phí do các cơ quan trong nước chi ra từ năm 2021 đến 2023 và có thể được điều chỉnh sau.

Các khoản chi được liệt kê trong đơn bao gồm: Xây dựng hàng rào vật lý dọc biên giới. Nâng cấp hệ thống giám sát an ninh. Triển khai số lượng nhân lực chưa từng có tiền lệ đến vùng biên giới.

Vào năm 2021, Litva, Latvia và Ba Lan đã đồng loạt ban bố tình trạng khẩn cấp và công bố kế hoạch xây dựng hàng rào biên giới. Theo BNS, hiện Ba Lan cũng đang xem xét tham gia vụ kiện cùng với Litva.

Cơ quan biên phòng Litva cho biết họ đã ngăn chặn 23.600 vụ vượt biên trái phép kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Tuy nhiên, một báo cáo năm 2022 của Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) lại cáo buộc Litva sử dụng các biện pháp mang tính phân biệt chủng tộc và trái pháp luật đối với người di cư đến từ châu Phi và Trung Đông – trong khi Brussels “làm ngơ” trước các vi phạm này.

Căng thẳng giữa Belarus và EU leo thang sau cuộc bầu cử Tổng thống Belarus năm 2020, tiếp theo là các cuộc biểu tình quy mô lớn do phe đối lập cho rằng có gian lận bầu cử trên diện rộng. Minsk bác bỏ cáo buộc, khẳng định các cuộc biểu tình được Mỹ và các “vệ tinh” châu Âu cùng với Ukraine kích động.

EU cáo buộc Belarus dàn dựng làn sóng người di cư bằng cách sắp xếp các chuyến bay từ Iraq, Syria và sau đó đưa người di cư đến sát biên giới EU để trả đũa các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Minsk phản bác rằng EU đang tiến hành một “cuộc chiến hỗn hợp” chống lại Belarus bằng cách hỗ trợ các nhân vật đối lập lưu vong và các cơ quan truyền thông bị cấm trong nước.