Mỹ tăng cường mặt trận phía bắc châu Âu, lo ngại nguy cơ xung đột với Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong nỗ lực nâng cao sức mạnh răn đe của NATO, Lầu Năm Góc đang tập trung đẩy mạnh hiện diện quân sự tại vùng cực Bắc và khu vực Baltic, nhằm đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng từ Nga.

Các cuộc tập trận quân sự diễn ra trên đảo Gotland, một trong những địa điểm chiến lược nhất ở Bắc Âu. Ảnh: WSJ.
Các cuộc tập trận quân sự diễn ra trên đảo Gotland, một trong những địa điểm chiến lược nhất ở Bắc Âu. Ảnh: WSJ.

Vào rạng sáng 26/5 vừa qua, một nhóm khoảng 12 lính Thủy quân lục chiến Mỹ đã triển khai đội hình trên một cánh đồng yên bình ở đảo Gotland, Thụy Điển, cách Kaliningrad (Nga) khoảng 320 km, khai hỏa hệ thống tên lửa cơ động. Dù chỉ là đạn giả, động thái này gửi đi thông điệp rõ ràng: bất chấp những nghi ngờ của Tổng thống Donald Trump về vai trò của NATO, quân đội Mỹ vẫn quyết tâm tăng cường sự hiện diện tại Bắc Âu.

Chính quyền Trump mong muốn biến NATO thành một liên minh quân sự mạnh mẽ hơn. Khu vực Bắc Âu, nơi NATO đối mặt với Nga từ hai phía, đang trở thành điểm then chốt trong chiến lược này.

Nhiều quan chức châu Âu từng bày tỏ lo ngại rằng cam kết của Mỹ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương đang có dấu hiệu suy yếu, đặc biệt khi ông Trump liên tục chỉ trích NATO và muốn giảm bớt sự can thiệp quân sự ở nước ngoài. Dù vậy, các chỉ huy quân sự Mỹ vẫn khẳng định lập trường kiên định và cam kết lâu dài.

"Từ góc nhìn của Lục quân Mỹ, lệnh hành động của tôi vẫn không thay đổi", Chuẩn tướng Andrew Saslav, Phó Tham mưu trưởng phụ trách hoạt động của Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, nhấn mạnh. Ông cho biết dù tương lai cam kết của Mỹ luôn là đề tài được bàn luận, ông không để những biến động chính trị làm lung lay nhiệm vụ của mình.

Vùng cực Bắc và khu vực Baltic không chỉ có vị trí địa lý quan trọng mà còn là điểm nóng trong chiến lược quân sự của Mỹ. Việc kiểm soát các tuyến đường biển, lãnh thổ và nguồn năng lượng trong khu vực này sẽ quyết định vị thế của phương Tây trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Nhiều quốc gia trong khu vực cũng có quan điểm cứng rắn hơn đối với Nga, đồng thời thúc đẩy việc tái vũ trang và tăng ngân sách quốc phòng. Họ cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài với Moscow.

Gần đây, lực lượng Mỹ và Anh đã phối hợp cùng quân đội các nước Bắc Âu và Baltic tiến hành cuộc tập trận kéo dài 3 tuần. Các hoạt động bao gồm bắn đạn thật, tiếp tế máu bằng máy bay không người lái và nhảy dù trên vùng Vòng Bắc Cực ở Na Uy.

Cuộc tập trận không chỉ nhằm mục đích răn đe phía Nga, mà còn thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực sự gắn kết giữa các đồng minh NATO trong khu vực, đặc biệt khi Phần Lan và Thụy Điển chính thức trở thành thành viên mới của liên minh.

"Với việc Phần Lan và Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, chúng ta đã có một chuỗi lãnh thổ liên tục trải dài từ Vòng Bắc Cực", Kristian Atland, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy, nhận định. Ông giải thích rằng sự mở rộng này giúp NATO dễ dàng triển khai lực lượng và chuyển tiếp viện đến các quốc gia Baltic trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột.

Mỹ tăng cường mặt trận phía bắc châu Âu, lo ngại nguy cơ xung đột với Nga 2.png
Lực lượng Mỹ và Anh tập trận phóng tên lửa trên đảo Gotland. Ảnh: WSJ.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các quốc gia Bắc Âu đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng. Phần Lan, với đường biên giới dài 1.300 km giáp Nga; Na Uy, tiếp giáp bán đảo Kola – nơi đặt Hạm đội phương Bắc của Nga; cùng ba nước Baltic là Estonia, Latvia và Litva, đều rất cảnh giác trước Moscow. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin tình báo quan trọng cho liên minh NATO.

Tuy nhiên, các quan chức trong khu vực khẳng định việc củng cố quan hệ chặt chẽ hơn với Washington không nhằm tạo ra một hội “riêng biệt” bên trong NATO, mà là để tăng cường sức mạnh và sự đoàn kết của toàn liên minh.

“Chúng ta không phải đang tạo ra một câu lạc bộ nhỏ bên trong câu lạc bộ lớn, mà là làm cho NATO trở nên mạnh mẽ hơn”, Tham mưu trưởng quốc phòng Thụy Điển Carl-Johan Edström chia sẻ. “Song song với đó, các hoạt động hợp tác đa phương hay song phương đều góp phần tăng cường khả năng phòng thủ tập thể”.

Đảo Gotland nằm ở vị trí chiến lược hàng đầu của Bắc Âu, nơi việc triển khai các cảm biến và hệ thống vũ khí tầm xa có thể kiểm soát các hoạt động trên không và trên biển trong khu vực Baltic. Năm ngoái, cựu Tổng tư lệnh quốc phòng Thụy Điển Micael Bydén từng cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “để mắt” đặc biệt tới hòn đảo này.

"Do có vị trí chiến lược yếu tại biển Baltic, nên nếu xảy ra xung đột, Nga sẽ ngay lập tức tìm cách chiếm các cảng quan trọng tại các nước Baltic, Phần Lan và Ba Lan", ông Stefan Lundqvist, Chủ tịch chi nhánh Thụy Điển của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Bắc Cực Ted Stevens, cảnh báo. “Một vị trí chiến lược quân sự then chốt như Gotland nhiều khả năng sẽ trở thành điểm nóng xảy ra các hành động thù địch ngay trong giai đoạn đầu của xung đột”, ông nói.

Sau nhiều năm phi quân sự hóa, Gotland giờ đây đang trở thành tâm điểm của quá trình tái vũ trang Thụy Điển. Trong tình huống chiến tranh, hòn đảo sẽ đóng vai trò trung tâm hậu cần cho NATO, kiểm soát các tuyến liên lạc biển, và hỗ trợ các hoạt động tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương.

Theo Wall Street Journal