Ngày 9/11/2015, Trung Quốc thông báo về việc mua 24 tiêm kích Su-35 của Nga trị giá 2 tỷ USD, nghĩa là đơn giá ở mức 83 triệu USD.
Thoạt nhìn, đây có vẻ là thương vụ khá lạ lùng. Su-35 là tiêm kích thế hệ 4++. Còn Trung Quốc thì đã có các tiêm kích như thế (FC-1, JH-7, J-10, J-11) và đang phát triển 2 mẫu tiêm kích thế hệ 5 J-20 và J-31.
Xuất hiện một câu hỏi là Trung Quốc cần tiêm kích Nga để làm gì nếu như bản thân họ có thể chế tạo các loại hiện đại hơn. Câu trả lời vô cùng đơn giản: các tiêm kích Trung Quốc có quá nhiều vấn đề.
Trung Quốc từ lâu đã khao khát Su-35. Nga bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về việc bán Su-35 vào năm 2011. Sau đó, đàm phán bị đình hoãn vì Trung Quốc đòi hỏi phải được lắp ráp các tiêm kích này tại các nhà máy của họ. Năm 2013, Trung Quốc lại tỏ ý quan tâm đến Su-35. Toàn bộ tình huống này rất giống với câu chuyện với việc phát triển tiêm kích J-10 của Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu phát triển J-10 trong thập kỷ 1980, xuất xưởng mẫu chế thử trong thập kỷ 1990, còn sau đó, vào năm 1992 thì yêu cầu Nga bán cho họ 50 chiếc Su-27. Việc mua tiêm kích Nga là tín hiệu cho thấy, dự án J-10 đã thất bại.
Nga là nhà cung cấp tiêm kích và máy bay ném bom chủ yếu cho Trung Quốc. Nhiều máy bay do Trung Quốc phát triển cần phụ tùng của Nga. Phải đến năm 2006, Trung Quốc mới hoàn tất phát triển J-10, nhưng cũng vẫn phải sử dụng linh kiện và động cơ từ Nga.
Động cơ tiêm kích là gót chân Asin của ngành chế tạo máy bay Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc tiết lộ đã chế tạo được động cơ nội địa WS-10A, vốn là bản sao chép động cơ Nga. Nhưng một năm sau, Trung Quốc lại mua động cơ Nga. Từ góc độ đó, việc mua sắm Su-35 có thể cho thấy, Trung Quốc không tin tưởng vào các dự án phát triển tiêm kích của mình, kể cả J-20.
Ngoài ra, còn có hàng loạt vấn đề trong các công ty chế tạo máy bay Trung Quốc.
Một nhà quản lý giấu tên ở Tổng công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương trả lời phỏng vấn tờ Đại kỷ nguyên năm ngoái đã nói đến nạn tham nhũng và các khó khăn về sản xuất ở công ty này. Theo nguồn tin này, 4 nhà lãnh đạo công ty mỗi năm tham ô gần 100 triệu tệ (16 triệu USD). Các linh kiện dành cho tiêm kích đánh chặn J-8 được công nhân mùa vụ chưa qua đào tạo và không có các chứng chỉ sản xuất ở 8 nhà máy. Các tiêm kích Trung Quốc hay hỏng hóc đến nỗi Tổng công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương phải duy trì một đội sửa chữa đặc biệt chuyên trực trong các cuộc tập trận của không quân Trung Quốc.
Mới đây kênh truyền hình nhà nước CCTV đã phát một tin nói rằng, các linh kiện của tiêm kích J-15 được đánh bóng bằng tay. Dân mạng Trung Quốc cười cợt khi các phóng viên đưa tin rằng, các chi tiết của J-15 được các kỹ thuật viên chế tạo với độ chính xác 3 micron (1/25 độ dày sợi tóc người). “Ở thời đại chúng ta, với sự trợ giúp của thiết bị máy tính hóa, có thể đạt độ chính xác 2 micron. Kỹ thuật viên xuất hiện trong tin có lẽ là siêu nhân khi có khả năng đạt độ chính xác 3 micron”, một người dùng Internet viết.
Một số báo chí đồ rằng, Trung Quốc mua Su-35 để thách thức các tiêm kích Mỹ và thay đổi cán cân sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương.
Xét về tính năng kỹ thuật, Su-35 giống với F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ. Mỹ cũng còn các tiêm kích thế hệ 4 khác như F-14 Tomcat, F-16 Fighting Falcon và F-15 Eagle.
Việc mua Su-35 sẽ không mang lại cho Trung Quốc ưu thế trước Không quân Mỹ và thậm chí trước các nước láng giềng. Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có các tiêm kích thế hệ 4 của mình như Tejas, FA-50, F-2. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã bán cho Philippines 12 máy bay FA-50.
Trên thực tế, một khó khăn khác đối với Trung Quốc là ở chỗ các công trình sư Trung Quốc sẽ phải khẩn trương. Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia và Nhật Bản đều đang phát triển tiêm kích thế hệ 5. Ấn Độ đang phát triển các tiêm kích thế hệ 5 AMCA và FGFA (với sự tham gia của Nga). Nhật Bản đang nghiên cứu chế tạo ATD-X, Indonesia và Hàn Quốc thì đang hợp tác tiến hành dự án KF-X/IF-X.
Theo kế hoạch, tất cả các dự án này đều sẽ hoàn thành vào đầu hoặc giữa thập niên 2020. Nếu như Trung Quốc kịp thực hiện đúng tiến độ thì tiêm kích thế hệ 5 J-20 sẽ sẵn sàng vào năm 2018, còn J-31 vào năm 2020.
Theo VND