
Chính quyền Trump cho rằng lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan là minh chứng cho quyền lực thương mại của Tổng thống Mỹ, đồng thời cảnh báo việc hạn chế quyền áp thuế sẽ đe dọa an ninh quốc gia và làm sụp đổ đàm phán với Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc giục Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ giữ nguyên quyền áp thuế rộng rãi của Tổng thống, cho rằng việc hạn chế quyền lực này có thể phá vỡ thỏa thuận thương mại “bất đối xứng” với Trung Quốc, khiến Mỹ bẽ mặt trên trường quốc tế và thổi bùng lại căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định Tổng thống Trump đã sử dụng quyền áp thuế để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa New Delhi và Islamabad hồi đầu tháng 5, giúp hai quốc gia hạt nhân đạt được một nền hòa bình mong manh. Ông cảnh báo nhiều cuộc đàm phán thương mại với hàng chục quốc gia hiện ở trong trạng thái “nhạy cảm”, khi thời hạn chót ngày 7/7 đang đến gần.
Trong tài liệu gửi tòa án ở New York hôm thứ Sáu tuần trước, ông Lutnick cùng Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Đại diện Thương mại Jamieson Greer và Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Quốc gia Marco Rubio đều bảo vệ chính sách thuế quan của ông Trump, vốn đang bị một liên minh doanh nghiệp nhỏ kiện ra tòa.
Tòa án đang xem xét liệu việc Tổng thống viện dẫn “tình trạng khẩn cấp quốc gia” có đủ cơ sở pháp lý để áp thuế hay không. Nếu quyền này bị hạn chế, ông Lutnick cảnh báo các đối tác nước ngoài sẽ mất động lực đàm phán và điều đó sẽ “phá hủy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc – vốn có lợi thế nghiêng về phía Mỹ – nhằm giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài”.
Ông Lutnick nhấn mạnh các mức thuế cao là công cụ gây áp lực nhằm “đưa Trung Quốc – quốc gia đóng vai trò lớn nhất trong cuộc khủng hoảng và là đối thủ chiến lược rõ ràng – trở lại bàn đàm phán”. Ông cho biết nhờ đạo luật IEEPA (Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977) mà Trung Quốc đã giảm thuế với hàng hóa Mỹ, trong khi Mỹ giữ thuế ở mức cao để buộc Bắc Kinh nhượng bộ.
Theo ông Lutnick, theo thỏa thuận bất đối xứng đạt được nhờ áp lực thuế quan, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ xuống 10%, trong khi Mỹ vẫn giữ mức 30%.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuế quan như một công cụ chính sách đã vấp phải chỉ trích từ nhiều đối thủ chính trị của ông Trump, những người cho rằng mục tiêu không rõ ràng và thông điệp thiếu nhất quán.
Trong những tuần đầu nhiệm kỳ hai, Trump khơi mào lại cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa ngay lập tức, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và dấy lên lo ngại về lạm phát cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tháng 2, ông Trump áp thuế 20% với hàng nhập từ Trung Quốc, Mexico và Canada với lý do ngăn chặn sản xuất và buôn bán fentanyl. Đến tháng 4, ông tăng thêm 34%, đẩy tổng thuế nhập khẩu với Trung Quốc lên 145%, trong khi Bắc Kinh cũng nâng thuế hàng Mỹ lên 125%.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày tại Geneva đầu tháng 5, hai bên đạt thỏa thuận tạm dừng leo thang trong 90 ngày. Mỹ giảm thuế về mức 30%, còn Trung Quốc duy trì mức 10% nhưng vẫn hạn chế xuất khẩu khoáng sản chiến lược.
Ông Lutnick cảnh báo nếu tòa án ra phán quyết chặn các mức thuế, điều này sẽ “khiến các cuộc đàm phán hiện tại sụp đổ, mở đường cho Trung Quốc gia tăng hành động trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược, để người dân Mỹ rơi vào thế bị động trước các hành vi kinh tế hung hăng và đe dọa an ninh quốc gia”.
Đáng chú ý, ông Lutnick cho biết Tổng thống Trump cũng đã tận dụng quyền áp thuế để giúp làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan hồi đầu tháng này.
“Cả đồng minh lẫn đối thủ đều theo dõi sát tòa án Mỹ để xem liệu quyền lực của Tổng thống có bị hạn chế hay không”, ông Lutnick nói, nhấn mạnh việc can thiệp của ông Trump đã góp phần kết thúc ba ngày xung đột vũ trang giữa hai quốc gia Nam Á vào ngày 10/5.

Theo ông Lutnick, ông Trump đã đề xuất mở rộng tiếp cận thị trường Mỹ cho cả Ấn Độ và Pakistan để đổi lấy việc chấm dứt giao tranh – điều ông mô tả là “một lệnh ngừng bắn mong manh”.
“Nếu có phán quyết bất lợi làm suy yếu quyền lực của Tổng thống, điều đó có thể khiến Ấn Độ và Pakistan nghi ngờ tính hợp lệ trong đề nghị của ông Trump, đe dọa an ninh của cả khu vực và mạng sống của hàng triệu người”, ông cảnh báo.
Bộ trưởng Tài chính Bessent, người dẫn đầu đàm phán thương mại với Trung Quốc gần đây, không đề cập đến vai trò thuế quan trong hòa bình Nam Á, nhưng cho biết hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng với nhiều quốc gia.
Sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế trên diện rộng vào ngày 2/4, ông đã tạm hoãn biện pháp này trong 90 ngày để có thêm thời gian đàm phán.
“Các cuộc đàm phán hiện vẫn đang diễn ra, rất nhạy cảm và chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng”, ông Bessent nói với tòa.
Tính đến hiện tại, chỉ có thỏa thuận với Anh được công bố, dù chi tiết chưa rõ ràng. Đàm phán với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc được cho là ở giai đoạn cuối, trong khi tiến trình với Trung Quốc, Canada và Mexico còn khá sớm.
Ông Bessent nhấn mạnh, nếu tòa án bác bỏ các mức thuế của Trump, nhiều quốc gia “có thể trở nên táo bạo hơn và tận dụng lỗ hổng mới để trả đũa Mỹ”.
Đại diện Thương mại Greer thì lập luận rằng nếu Trump bị ngăn áp thuế, các đối tác sẽ cho rằng ông “không đủ quyền lực để phản ứng kịp thời trước các khủng hoảng trong tương lai”, từ đó gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ.
Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh Marco Rubio, một chính trị gia Cộng hòa nổi tiếng cứng rắn với Trung Quốc, tuyên bố tòa án không phải là nơi thích hợp để can thiệp vào chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.
Ông cảnh báo một phán quyết đi ngược lại chính quyền có thể “làm nước Mỹ mất mặt trên trường quốc tế”, khiến cả đồng minh lẫn đối thủ “được đà lấn tới” và “kéo dài sự suy yếu của ngành công nghiệp Mỹ cùng thâm hụt thương mại không bền vững”.
Tuy vậy, theo giáo sư luật Ilya Somin (ĐH George Mason), người đang là luật sư trong một vụ kiện tương tự, chính sách thuế của ông Trump là không có cơ sở pháp lý.
Tại một sự kiện do Viện Cato tổ chức hôm 27/5, ông Somin cho rằng không có tiền lệ nào trong cả thế kỷ qua cho việc dùng tình trạng khẩn cấp để trao cho Tổng thống quyền lực lớn như vậy.
“Chính quyền Trump không thể viện dẫn một mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng như yêu cầu trong luật IEEPA. Các mức thuế chỉ là cái cớ cho những gì Tổng thống muốn làm vì lý do khác”, ông nói.

Ông Trump cảnh báo ông Putin đang "đùa với lửa" giữa lúc đàm phán hòa bình đình trệ

Đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bế tắc, ông Trump tính bỏ cuộc và trừng phạt Moscow
