Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa công bố một kế hoạch hành động toàn diện nhằm thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ. Bản kế hoạch dài 23 trang, mang tên “Kế hoạch Hành động AI”, không chỉ vạch ra lộ trình phát triển AI trong nước mà còn thể hiện tham vọng của Mỹ trong việc thiết lập vị thế công nghệ toàn cầu — đặc biệt trước sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc.
Theo Tổng thống Donald Trump, việc đạt được và duy trì vị thế thống trị công nghệ toàn cầu là một “mệnh lệnh an ninh quốc gia”. Phát biểu trong báo cáo, ông nhấn mạnh: “Để đảm bảo tương lai, chúng ta phải khai thác toàn bộ sức mạnh đổi mới của Mỹ”.

Ngay sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Trump đã chỉ đạo cho đội ngũ cố vấn xây dựng kế hoạch này trong vòng sáu tháng. Dưới sự dẫn dắt của David Sacks — nhà đầu tư mạo hiểm và chuyên gia công nghệ đang giữ vai trò cố vấn AI cấp cao tại Nhà Trắng — cùng các cộng sự, bản kế hoạch phản ánh cách tiếp cận ưu tiên đổi mới, bãi bỏ rào cản pháp lý và tập trung vào lợi ích quốc gia.
Nới lỏng quy định, gỡ bỏ rào cản
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong bản kế hoạch là việc chính quyền sẽ rà soát và gỡ bỏ các quy định bị cho là cản trở sự phát triển AI. Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng sẽ phối hợp với các cơ quan liên bang để đánh giá hiệu quả của các khoản tài trợ liên quan đến AI, từ đó có thể hạn chế tài trợ đối với các bang có chính sách quản lý AI bị cho là quá chặt chẽ.
Chính phủ Mỹ cũng sẽ ưu tiên ký kết các hợp đồng liên bang với các công ty phát triển AI có mô hình “trung lập, không định kiến”, loại bỏ các tiêu chí bị cho là mang tính chính trị như “đa dạng, công bằng và hòa nhập” khỏi quy trình đánh giá rủi ro. Thay vào đó, họ hướng tới mô hình “AI phục vụ năng suất, đổi mới và quốc phòng”.
Bản kế hoạch cũng bác bỏ một số yêu cầu kiểm tra an toàn khắt khe từng được đưa ra trong sắc lệnh năm 2023 của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Chính quyền ông Donald Trump khẳng định các quy định đó đã làm chậm tiến độ phát triển và làm suy yếu năng lực cạnh tranh của Mỹ.
Một trong những vấn đề lớn hiện nay là nhu cầu năng lượng khổng lồ để vận hành các trung tâm dữ liệu AI. Chính quyền ông Donald Trump xác định đây là mối quan tâm sống còn và đưa ra loạt biện pháp để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định, hiệu quả và an toàn.
Cụ thể, kế hoạch đề xuất hiện đại hóa lưới điện quốc gia, triển khai các công nghệ truyền tải tiên tiến và kết nối các nguồn điện “có thể tháo rời”, như năng lượng hạt nhân và địa nhiệt tiên tiến. Việc bảo đảm nguồn điện không gián đoạn sẽ đóng vai trò thiết yếu giúp Mỹ vượt qua các đối thủ trong cuộc đua AI toàn cầu.
Ưu tiên đào tạo kỹ năng, bảo vệ người lao động Mỹ
Chính quyền ông Donald Trump cũng bày tỏ lo ngại rằng AI có thể làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Để giảm thiểu tác động tiêu cực, kế hoạch yêu cầu Bộ Giáo dục và Bộ Lao động tập trung vào việc phát triển kỹ năng mới cho lực lượng lao động Mỹ, đặc biệt là trong các ngành có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.
Ngoài ra, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết, mô hình tính toán và thử nghiệm AI — bất chấp việc đã cắt giảm một phần tài trợ cho các trường đại học nghiên cứu.
Đưa công nghệ Mỹ ra toàn cầu
Để khẳng định vị thế công nghệ của Mỹ trên trường quốc tế, ông Trump dự kiến sẽ ký một loạt sắc lệnh hành pháp trong tuần này. Các chỉ đạo bao gồm việc sử dụng Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ và Ngân hàng Xuất nhập khẩu để hỗ trợ triển khai các sản phẩm AI Mỹ tại các thị trường nước ngoài.
Một sắc lệnh khác sẽ yêu cầu các mô hình ngôn ngữ lớn được chính phủ sử dụng phải tuân thủ nguyên tắc khách quan và trung lập, đặc biệt trong các ứng dụng như dịch vụ công, giáo dục và y tế.
Ngoại trưởng Marco Rubio hoan nghênh kế hoạch, nhấn mạnh Mỹ cần thiết lập “tiêu chuẩn vàng” cho công nghệ AI trên toàn thế giới, từ đó định hình lại trật tự công nghệ toàn cầu theo các giá trị và lợi ích của Mỹ.
Kiềm chế Trung Quốc, duy trì thế thượng phong
Trung Quốc được xem là đối thủ đáng gờm trong cuộc đua AI toàn cầu. Vì vậy, một phần quan trọng của kế hoạch là ngăn chặn công nghệ Mỹ rơi vào tay các đối thủ. Bộ Thương mại Mỹ sẽ hợp tác với cộng đồng tình báo để theo dõi sự phát triển AI ở Trung Quốc và thực thi kiểm soát xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao.
Chính phủ Mỹ cũng đang nghiên cứu các gói xuất khẩu toàn diện, trong đó cho phép các quốc gia đồng minh mua trọn gói phần cứng, phần mềm và ứng dụng AI của Mỹ — nhằm tạo nên hệ sinh thái công nghệ xoay quanh Hoa Kỳ.
Đặc biệt, bản kế hoạch được công bố chỉ một tuần sau khi chính quyền ông Trump nới lỏng một số hạn chế với Nvidia và AMD, cho phép các công ty này nối lại việc xuất khẩu chip AI cho Trung Quốc — như một phần trong thỏa thuận thương mại, đổi lại việc Bắc Kinh tiếp tục xuất khẩu đất hiếm cho thị trường Mỹ.
Tham vọng AI và chiến lược địa chính trị
Sự kết hợp giữa phát triển công nghệ, giảm rào cản pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng và chiến lược đối ngoại cho thấy chính quyền Trump đang xây dựng một lộ trình phát triển AI toàn diện — không chỉ trong nước mà còn trên quy mô toàn cầu. Đây không chỉ là một kế hoạch công nghệ, mà còn là chiến lược địa chính trị nhằm giữ vững vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong kỷ nguyên AI.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp ký ban hành các sắc lệnh và tổ chức sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo công nghệ cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của ông trong việc đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn đầu, sau một giai đoạn mà theo ông, “đã bị cản trở bởi những quy định và tư tưởng sai lầm”.
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự thay đổi sâu sắc do công nghệ gây ra, Mỹ đang đặt cược lớn vào AI như một trụ cột của quyền lực quốc gia trong thế kỷ 21.
Theo Bloomberg

Máy bay không đuôi bí ẩn Trung Quốc xuất hiện trong đội hình bay thử nghiệm: Đột phá tác chiến AI?

Cuộc chiến khốc liệt giành nhân tài AI: Những lời đề nghị hấp dẫn, thỏa thuận bí mật và nước mắt

Các mô hình AI của Google và OpenAI tranh đấu tại cuộc thi toán học toàn cầu
