LTS: Ngày 6/7/2025, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo "nóng" của Tổng Bí thư Tô Lâm: giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ "vượt khung" để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu "xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt" cho đội ngũ "tổng công trình sư", "kiến trúc sư trưởng", những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn, vật liệu mới.
Làm thế nào để các chỉ đạo của Tổng Bí thư thành hiện thực, nhằm phát triển đất nước? Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI để tiếp nhận ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước.
Năm 1986, Việt Nam thực hiện chính sách Đổi mới, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp; năm 1987, Việt Nam ban hành Luật đầu tư nước ngoài, cùng đó là bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (1991), Mỹ (1995). Những yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho vốn FDI đổ vào trong nước.
Từ năm 1993, với Luật Đất đai đúng nghĩa được thông qua, thị trường bất động sản được khai sinh, kéo theo sự phát triển của ngành xây dựng. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời, mở ra làn sóng khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân Phạm Nhật Vượng (ngoài cùng bên trái), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (áo dài) tại sự kiện Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhân tài đất Việt bên trời Âu
Đã có một thời, những học sinh xuất sắc của Việt Nam sẽ được tuyển chọn, đưa đi đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu để sau này phục vụ trong các đơn vị nhà nước. Rất nhiều lãnh đạo tại các ban, bộ, chính quyền địa phương, đoàn thể hiện nay có xuất thân du học như vậy.
Song, đến thế hệ du học sinh cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90 thì một sự thay đổi quan trọng đã diễn ra. Thay vì tiếp tục theo định hướng truyền thống, những du học sinh này bắt đầu "tập kinh doanh" và sau khi ra trường đã ở lại Liên Xô, các nước Đông Âu để theo đuổi thương trường.
Trên thực tế, sự thay đổi này đến từ việc cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90, ở Liên Xô và Đông Âu diễn ra nhiều biến động lớn về chính trị - xã hội. Những du học sinh Việt Nam, phần vì hoàn cảnh tự lực mưu sinh ở đất khách quê người, phần vì mong mỏi hỗ trợ được gia đình trong nước, đã lao vào kinh doanh.
Họ buôn mọi thứ có thể, từ quần bò (quần jean), áo gió, đồng hồ, thuốc lá, đồ điện tử cho đến hoạt động đổi ngoại tệ (từ Rúp sang USD)… Việc kinh doanh ban đầu chỉ bó hẹp trong ký túc xá, chợ của người Việt, sau mở rộng hơn là xuyên biên giới các nước trong khối xã hội chủ nghĩa.
Đã có khá nhiều người thành công, kiếm được hàng trăm nghìn USD, thậm chí hàng triệu USD, được xưng tụng là "soái", nhưng cũng có không ít người mất sạch, vì bị lừa đảo, cướp giật, thậm chí mất cả mạng sống.
Cho tới giữa những năm 90, hầu hết lứa du học sinh Việt Nam đều đã tốt nghiệp. Lúc này, Liên Xô đã tan rã, các nước Đông Âu cũng không còn duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự thay đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội này tạo ra khung cảnh hỗn loạn, song cũng làm nảy nở những cơ hội đầu tư, kinh doanh. Và đó là khi những người Việt Nam vươn lên làm chủ.
Bắt đầu từ mì ăn liền – sản phẩm không được đánh giá cao ở thời điểm bấy giờ, những người Việt Nam tại Nga và Đông Âu đã dựng nên cả một cơ nghiệp hoành tráng. Tiêu biểu trong số này là các ông Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trịnh Thanh Huy, Đặng Khắc Vỹ, Ngô Chí Dũng.

Chủ tịch tập đoàn Vingroup được Forbes (Mỹ) công nhận tỷ phú từ năm 2013. Trong 10 năm qua, ông Vượng liên tục giữ vị trí người giàu nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng tỷ phú thế giới
Với ông Phạm Nhật Vượng, câu chuyện bắt đầu vào mùa thu năm 1993, khi ông cùng người em trai Phạm Nhật Vũ, người bạn học Lê Viết Lam đi về Kharkov thuộc Ukraine để mở một nhà hàng trên đường Aminevskoe và sau đó là sản xuất mì ăn liền mang thương hiệu Mivina. Nhờ những bước đi sáng tạo, chắc chắn, Mivina nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine, vào thời điểm đỉnh cao, thị phần lên tới 90%.
Ở Nga, năm 1996, bộ ba Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Trịnh Thanh Huy cũng lập xưởng sản xuất mì ăn liền tại thành phố Ryazan, cách thủ đô Moscow của Liên bang Nga hơn 200km. Ban đầu, bộ ba này chỉ hướng tới việc cung ứng sản phẩm cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng mở rộng ra toàn thị trường Nga với hơn 140 triệu dân.
Cũng tại Nga, vào năm 1998, Đặng Khắc Vỹ và Nguyễn Chí Dũng lập ra thương hiệu mì ăn liền Rollton, cùng chia sẻ thị phần với nhóm trên.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh mì ăn liền của các doanh nhân Việt Nam trên đất Nga và Đông Âu đã gặt được thành công vang dội, biến họ thành những triệu phú USD đồng thời mở ra những chân trời mà họ chưa từng nghĩ tới.
Đầu tư về quê - nấc thang lên tầm tỷ phú USD
Nhờ những chính sách đổi mới, mà khởi đầu là ĐH lần thứ VI của Đảng năm 1986, với việc bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Tiếp theo đó là hàng loạt chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các thị trường bất động sản, xây dựng, tiền tệ…
Đầu những năm 2000, các doanh nhân Việt Nam tại Nga và Đông Âu bắt đầu cuộc hành trình đầu tư về Việt Nam, sau khi đã tích lũy được nguồn vốn lớn.
Người có bước đi sớm nhất và thành công nhất là ông Phạm Nhật Vượng với dấu mốc thành lập Công ty Hòn Tre năm 2001 (về sau được đổi tên thành Vinpearl) để đầu tư dự án Vinpearl Hòn Tre. Nối tiếp đó là việc thành lập Công ty Tổng hợp Việt Nam năm 2003 (về sau đổi tên thành Vincom) để đầu tư dự án Vincom Bà Triệu.
Hai dự án này đã đưa tên tuổi ông Phạm Nhật Vượng "nổi như cồn". Tới năm 2007-2008, hai công ty trên lần lượt niêm yết, đưa ông Vượng lọt vào top những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Từ năm 2010 trở đi, ông Vượng mở rộng danh mục đầu tư bất động sản trên quy mô lớn khi liên tiếp khởi công các dự án: Royal City, Times City, Vinhomes Riverside (Hà Nội), Vinpearl Luxury Đà Nẵng (Đà Nẵng), Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinpearl Golf Club Nha Trang (Khánh Hòa), Vincom Center (TP. HCM)… Những dự án này ra đời ngay trong giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản Việt Nam (2011-2013) nhưng lại đạt được thành công ngoài mong đợi, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Năm 2013, bằng việc hợp nhất Vinpearl và Vincom thành Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng đã vươn lên thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam với khối tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, xếp thứ 974 thế giới.
Thừa thắng xông lên, Vingroup đẩy mạnh việc đầu tư bất động sản với tốc độ ngày càng nhanh hơn, quy mô ngày càng lớn hơn. Danh mục dự án của tập đoàn này kéo dài từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền ra hải đảo, dự án sau lớn hơn dự án trước.
Ngoài bất động sản, từ năm 2013, Vingroup còn đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực khác như: y tế (Vinmec), giáo dục (Vinschool), nông nghiệp (VinEco), bán lẻ (VinCommerce), siêu thị điện máy (VinPro), công nghệ (VinAI, VinBigData), điện thoại thông minh (VinSmart), hàng không (Vinpearl Air)… và nổi bật nhất là ô tô (VinFast) từ năm 2017.
Tất nhiên, nhiều lĩnh vực trong số đó đã được Vingroup giản lược bằng những cách khác nhau, song quy mô của tập đoàn này vẫn là số 1 trong khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với 112 công ty con.
Tính đến hết năm 2024, tổng tài sản hợp nhất của Vingroup đạt 836.604 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 153.834 tỷ đồng. Bản thân ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản trị giá 12,3 tỷ USD, đứng thứ 214 thế giới, theo thống kê của Forbes tại thời điểm tháng 7/2025.
Với ông Lê Viết Lam, vị doanh nhân này trở về Việt Nam năm 2007 và cũng đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản. Song, thay vì tập trung vào bất động sản đô thị - dân cư như ông Phạm Nhật Vượng, ông Lê Viết Lam lựa chọn phân khúc nghỉ dưỡng, vui chơi – giải trí làm điểm đột phá.
Bằng việc thành lập Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), ông Lê Viết Lam đã ghi dấu với hàng loạt công trình nghỉ dưỡng, công viên chủ đề và hệ thống cáp treo đẳng cấp trải dài trên cả nước, nổi bật ở Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Kiên Giang…
Bên cạnh bất động sản, Sun Group cũng là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tiên xây dựng và vận hành sân bay (Vân Đồn) cũng như mở rộng đầu tư cảng tàu khách quốc tế và cao tốc đường bộ.
Cho tới thời điểm hiện tại, Sun Group có 5 mảng hoạt động chính gồm: SunWorld (vui chơi giải trí), Sun Property (bất động sản), Sun Hospitality (du lịch nghỉ dưỡng cao cấp), Sun PMC (tư vấn, quản lý dự án) và Sunair (hàng không chung, phân khúc hạng sang).
Với quy mô khổng lồ, hoạt động sôi nổi, Sun Group thực sự là một tập đoàn hàng đầu và giới quan sát đánh giá ông Lê Viết Lam đã đạt tới tầm tỷ phú USD của Việt Nam, bất chấp ông chưa bao giờ công khai tài sản của mình.
So với ông Lê Viết Lam và ông Phạm Nhật Vượng, con đường hồi hương khởi nghiệp của ông Nguyễn Đăng Quang có phần độc đáo hơn khi ông lựa chọn lĩnh vực sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng.
Năm 2004, Công ty Masan được thành lập, nhưng từ 2 năm trước đó, sản phẩm đầu tiên trên thị trường quốc nội là nước tương Chinsu đã được tung ra. Tiếp nối thành công của sản phẩm này, Masan liên tiếp cho ra mắt: nước mắm Chinsu, tương ớt Chinsu, nước tương Tam Thái Tử, nước mắm Nam Ngư, mì ăn liền Omachi, thịt mát MEATDeli…

Nhờ chiến thuật marketing đỉnh cao, các sản phẩm của ông Nguyễn Đăng Quang chỉ mất vài năm để giành được thị phần lớn, đánh bật các thương hiệu ngoại để hiện diện trong gian bếp của hàng triệu gia đình Việt Nam.
Năm 2019, Masan gây chấn động khi mua lại chuỗi siêu thị Vimart từ Vingroup, sau đó đổi tên thành Winmart. Dưới bàn tay của ông Nguyễn Đăng Quang, Winmart hoạt động hiệu quả, trở thành một trong những chuỗi bán lẻ tốt nhất Việt Nam, cạnh tranh ngang ngửa với những chuỗi của khối ngoại như: BigC, Metro Cash & Carry, Lotte Mall, AEON Mall…
Ngoài ra, không thể không kể đến việc Masan đã đầu tư lớn vào công nghiệp công nghệ cao bằng việc mua lại mỏ Núi Pháo – một trong những mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, từ tay Dragon Capital.
Những thành công của Masan trên nhiều lĩnh vực đã đưa ông Nguyễn Đăng Quang lên vị thế của một tỷ phú USD. Theo Forbes, tại thời điểm tháng 7/2025, tài sản của ông đạt 1,2 tỷ USD, xếp thứ 2.834 thế giới.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes từ năm 2019 và liên tục có mặt từ đó tới nay.
Cùng chung "chiến tuyến" với ông Nguyễn Đăng Quang là ông Hồ Hùng Anh. Vị doanh nhân này gây chú ý lớn vào năm 2005 khi tham gia vào Hội đồng quản trị (HĐQT) của Techcombank. Song, trên thực tế, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang đã cùng đầu tư vào nhà băng này từ trước đó 10 năm.
Sau 3 năm trong HĐQT, năm 2008, ông Hồ Hùng Anh chính thức lên làm chủ tịch, đánh dấu sự bắt đầu cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của Techcombank. Trong nhiều năm, ngân hàng này trở thành một cỗ máy hiệu quả với chi phí thấp, biên lợi nhuận cao, tài chính lành mạnh và luôn dẫn đầu về công nghệ, trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Năm 2018, Techcombank tiến hành vụ IPO kỷ lục, nâng tổng giá trị thị trường của ngân hàng lên tới 6,5 tỷ USD. Đây là yếu tố căn bản để năm 2019, ông Hồ Hùng Anh chính thức được công nhận là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam. Cập nhật tới tháng 7/2025 của Forbes, tài sản của ông trị giá 2,4 tỷ USD, xếp thứ 1.563 thế giới.
Cùng tham gia vào mảng ngân hàng tại Việt Nam còn có ông Đặng Khắc Vỹ. Vị doanh nhân này đã tham gia sáng lập VIB từ năm 1996 cùng với những tên tuổi: Trịnh Văn Tuấn, Ngô Chí Dũng, Hà Văn Hải, nhưng mãi tới năm 2010, ông mới trực tiếp "làm chủ" ngân hàng này và chính thức lên làm chủ tịch từ năm 2013.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông Đặng Khắc Vỹ "chần chừ" với ghế chủ tịch ngân hàng là do ông sở hữu doanh nghiệp kinh doanh mì ăn liền tại châu Âu mang tên Mareven. Cái duyên với ngành mì còn theo ông Vỹ về Việt Nam khi tập đoàn Uniben vẫn đang "làm mưa làm gió" trên thị trường với nhiều sản phẩm mì ăn liền nổi tiếng.
Dù không đạt tới tầm vóc của một tỷ phú USD, nhưng ông Đặng Khắc Vỹ cũng sở hữu khối tài sản trị giá hàng trăm triệu USD và hoàn toàn có cơ hội nâng cao hơn nữa trong tương lai.
"Chung mâm" với ông Đặng Khắc Vỹ là ông Ngô Chí Dũng. Ông Dũng gây chú ý khi tham gia sáng lập VIB và có giai đoạn 5 năm làm phó chủ tịch HĐQT Techcombank (2006-2010). Nhưng ông chỉ thực sự trở nên nổi bật khi lên làm chủ tịch VPBank vào năm 2010.
Từ một ngân hàng bình thường, VPBank dưới thời ông Ngô Chí Dũng đã phát triển như vũ bão nhờ quyết định cực kỳ táo bạo là thành lập bộ phận Tín dụng tiêu dùng (tiền thân của FE Credit).
Với sự giúp sức đắc lực của ông Nguyễn Đức Vinh, vốn đã vang danh trên cương vị CEO Techcombank, từ năm 2012, ông Ngô Chí Dũng đã đưa VPBank và FE Credit đạt đến những cột mốc không ai lường trước.
Năm 2021, FE Credit được định giá tới 2,8 tỷ USD. Và VPBank đã gây rúng động giới tài chính - ngân hàng khi hoàn tất việc bán 49% cổ phần công ty này, trị giá 1,4 tỷ USD, cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC - một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Cho đến thời điểm hiện tại, FE Credit vẫn là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường về cho vay tín chấp tiêu dùng, còn VPBank đã trở thành một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam với lợi nhuận vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng từ năm 2020. Bản thân ông Ngô Chí Dũng cũng sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm triệu USD, được kính nể như là một trong những "ông trùm" tài chính đương đại của Việt Nam.
Ngoài những nam doanh nhân tiêu biểu nêu trên, không thể không nhắc tới một nữ doanh nhân kiệt xuất cũng về từ Đông Âu – bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo nổi danh rất sớm khi lao vào kinh doanh khi là sinh viên năm 2 và kiếm được 1 triệu USD khi chỉ mới 22 tuổi.
Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn vào Techcombank rồi VIB song nổi danh hơn cả là việc mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005. Sau thương vụ này, bà Thảo tiếp tục gây chấn động khi thành lập Vietjet Air – hãng hàng không tư nhân đầu tiên, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam vào năm 2007 và có chuyến bay đầu tiên năm 2011. Từ đó đến nay, Vietjet Air phát triển mạnh mẽ, ghi nhận lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm (trừ giai đoạn dịch bệnh) và đạt tổng tài sản tới 99.315 tỷ đồng vào năm 2024.
Bà Thảo cũng đầu tư mạnh mẽ vào ngân hàng, trực tiếp là HD Bank, thông qua Sovico Group – tập đoàn do vợ chồng bà sở hữu, đầu tư đa ngành, trong đó nổi bật là bất động sản với công ty thành viên Phú Long.
Nhờ những thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực bất động sản, hàng không, tài chính, ngân hàng, năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã được công nhận là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Theo thống kê của Forbes, tính đến tháng 7/2025, bà Thảo sở hữu khối tài sản trị giá 2,7 tỷ USD, xếp thứ 1.447 thế giới.
Thể chế mở đường hút doanh nhân Việt kiều Đông Âu về nước xây dựng "đế chế"
Có thể nói, việc các doanh nhân Đông Âu hồi hương khởi nghiệp và thành công rực rỡ là một minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn, tiềm năng không giới hạn và sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam, quốc gia từ lâu đã được mệnh danh là "con hổ kinh tế châu Á". Đằng sau câu chuyện của các doanh nhân này cũng ẩn chứa thông điệp sâu sắc về thu hút nhân tài để đưa đất nước phát triển lên những đỉnh cao mới.
Trên thực tế, các doanh nhân Đông Âu không được kêu gọi để đầu tư về nước. Họ đã tự động chuyển dòng vốn về Việt Nam khi nhận ra những cơ hội lớn đang được khai mở nhờ những chuyển biến quan trọng về kinh tế - xã hội cuối thập niên 90 – đầu thập niên 2000.

TS Lê Xuân Nghĩa
Trao đổi với VietTimes, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, đánh giá lứa doanh nhân trở về từ Đông Âu là "làn sóng thứ nhất đổi mới tư duy về kinh tế tư nhân".
"Thời điểm đó, họ có niềm tin kinh doanh ở Việt Nam", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Thực vậy, kể từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu Đổi mới, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, "mở tung" sức dân, tạo nên làn sóng đầu tư, kinh doanh sôi nổi trên toàn quốc. Từ năm 1987, Việt Nam đã có Luật đầu tư nước ngoài, điều này kết hợp với việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (1991), Mỹ (1995) tạo điều kiện thuận lợi cho vốn FDI đổ vào trong nước, mang đến sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Từ năm 1993, với Luật Đất đai đúng nghĩa được thông qua, thị trường bất động sản được khai sinh, kéo theo sự phát triển của ngành xây dựng. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời, mở ra làn sóng khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Đó cũng là năm Việt Nam đã vượt qua ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (bắt đầu từ năm 1997), tiến vào kỷ nguyên tăng trưởng tốc độ cao.
Bối cảnh thuận lợi như trên đã tạo ra vô số cơ hội. Và các doanh nhân Đông Âu, bằng con mắt tinh tường và trải nghiệm sâu sắc ở xã hội hậu kỳ Xô viết, đã nhanh nhạy nắm bắt lấy. Đó chính là lý do họ rầm rộ kéo về nước trong những năm này để kiến lập "đế chế".
Như vậy, có thể thấy từ cuộc trở về của các doanh nhân Đông Âu, yếu tố quan trọng bậc nhất trong thu hút nhân tài chính là cải cách thể chế, tạo lập môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi. Nhà nước không cần khuyến khích bằng lời nói hay tạo ra những biệt đãi cho cá nhân, mà chỉ cần tạo ra sân chơi rộng mở, công bằng thì nhân tài tự khắc đổ về như thác lũ.
Liên hệ với giai đoạn hiện nay, khi việc thu hút nhân tài đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc cải cách thể chế sâu rộng để nền kinh tế thị trường hơn nữa, năng động hơn nữa, tiệm cận những chuẩn mực quốc tế, tạo nên môi trường kinh doanh thông thoáng, khai mở những cơ hội còn để ngỏ là một trong những điều quan trọng nhất.
Lời mời góp ý với Diễn đàn “CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI”
Tạp chí điện tử VietTimes trân trọng mời quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước gửi ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
📩 Vui lòng gửi bài viết và ý kiến về diễn đàn “MỜI GỌI VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI” theo địa chỉ: toasoan@viettimes.vn

Những rào cản cần tháo gỡ để các nhân tài “dám trở về”

“Bộ tứ nghị quyết” và hàng loạt chính sách mới đã “mở toang cửa” thu hút nhân tài
