Kế hoạch hành động AI của Mỹ có ý nghĩa gì đối với châu Á?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Ông Donald Trump cho biết Mỹ phải có khả năng chơi theo "cùng một bộ quy tắc" như Trung Quốc.

Kế hoạch quản trị AI mới của chính quyền Trump nhằm đảm bảo Mỹ duy trì lợi thế về công nghệ và kinh tế trên toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia.
Kế hoạch quản trị AI mới của chính quyền Trump nhằm đảm bảo Mỹ duy trì lợi thế về công nghệ và kinh tế trên toàn cầu. Ảnh: Nikkei Asia.

Chiến lược “không can thiệp nhiều”

Mới đây, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố “Kế hoạch hành động AI của Mỹ”, một bản kế hoạch dài 28 trang thể hiện rõ định hướng của chính quyền Mỹ trong việc thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bằng cách nới lỏng các quy định, mở rộng hạ tầng công nghệ và khẳng định vị thế toàn cầu của nước này trong lĩnh vực AI.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về AI ở Washington D.C., ông Trump nhấn mạnh: “Mỹ là quốc gia khởi đầu cuộc đua AI và hôm nay tôi có mặt ở đây để tuyên bố rằng Mỹ sẽ giành chiến thắng”. Theo ông, việc gỡ bỏ các rào cản pháp lý và thủ tục hành chính không cần thiết là yếu tố then chốt để đảm bảo Mỹ duy trì lợi thế vượt trội.

Kế hoạch hành động AI của chính quyền ông Trump đã thay thế hoàn toàn hướng dẫn về AI dưới thời Tổng thống Joe Biden – vốn thiên về kiểm soát rủi ro và yêu cầu tính minh bạch trong phát triển AI. Thay vào đó, ông Trump theo đuổi một chiến lược “không can thiệp nhiều”, tập trung vào việc khuyến khích đổi mới từ khu vực tư nhân.

Các điểm chính trong kế hoạch bao gồm: ngăn chặn các quy định mang tính ràng buộc từ cấp tiểu bang, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho các trung tâm dữ liệu AI, tăng cường nguồn cung năng lượng cho các cơ sở công nghệ cao và mở rộng ảnh hưởng công nghệ Mỹ trên toàn cầu thông qua các sáng kiến xuất khẩu công nghệ.

Hướng ra thế giới và cuộc đua với Trung Quốc

Một phần trọng tâm trong kế hoạch là thúc đẩy xuất khẩu công nghệ AI của Mỹ để các quốc gia khác chọn nền tảng công nghệ từ Washington thay vì Bắc Kinh. Ông Donald Trump và các quan chức trong chính quyền coi đây là yếu tố sống còn để giữ vững vị thế chiến lược.

Trung Quốc thời gian qua đã đạt nhiều tiến bộ với các công nghệ như DeepSeek và chip do Huawei sản xuất. Điều này khiến Mỹ lo ngại rằng họ có thể bị vượt mặt trong cuộc đua AI toàn cầu. Giới lãnh đạo ngành công nghệ Mỹ, như Giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang, đã nhiều lần kêu gọi chính phủ nới lỏng quy định xuất khẩu chip để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Scott Singer – chuyên gia tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace – thế giới đang theo sát các bước đi của Mỹ.

“Hầu hết các quốc gia đều đang chờ đợi Washington hành động để từ đó đưa ra quyết định của riêng mình. Mỹ hiện sở hữu các nhà phát triển AI hàng đầu và là nơi cung cấp công nghệ chính cho cả chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Scott Singer nói.

Các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc – những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng AI toàn cầu – cũng được cho là sẽ theo sát động thái từ Mỹ.

Một lãnh đạo cấp cao tại một công ty bán dẫn Hàn Quốc nhận định kế hoạch hành động này sẽ tạo lợi thế không chỉ cho các tập đoàn Mỹ mà còn cho toàn bộ hệ sinh thái công nghệ toàn cầu.

Dù kế hoạch hành động AI của chính quyền Trump được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi về trách nhiệm và tính an toàn trong phát triển công nghệ.

Xiaomeng Lu, Giám đốc công nghệ địa chính trị tại Eurasia Group, cảnh báo rằng cách tiếp cận quá nhẹ về kiểm soát có thể biến Mỹ thành một “bài học cảnh tỉnh” thay vì tấm gương cho thế giới học hỏi. “Nếu có sự cố nghiêm trọng xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm? Và cơ chế chịu trách nhiệm sẽ ra sao?”, bà đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Singer cũng lưu ý rằng không quốc gia nào có thể thắng nếu một thảm họa AI xảy ra. “Nếu một mô hình AI gây ra hậu quả ở Mỹ hay Trung Quốc, hậu quả sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đây không phải là cuộc đua mà một bên có thể thắng trong khi bên kia thua”, ông chia sẻ

Trong kế hoạch mới, chính quyền Trump nhấn mạnh rằng các mô hình AI cần phản ánh “giá trị của Mỹ”, đồng thời cảnh báo chống lại cái gọi là “AI thức tỉnh” – chỉ những mô hình theo đuổi các tư tưởng về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI). Một trong ba sắc lệnh hành pháp mà ông Trump ký ngày 23/7 yêu cầu chính phủ liên bang không được sử dụng AI có các yếu tố này.

Ông cũng kêu gọi giới công nghệ Mỹ phải trung thành tuyệt đối với đất nước. “Chúng tôi cần các công ty công nghệ Mỹ hết mình vì nước Mỹ. Hãy đặt nước Mỹ lên trên hết – đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu”, ông Trump phát biểu.

So với Trung Quốc, ông Trump nhận định Mỹ cần áp dụng cách tiếp cận tương tự nếu muốn giành chiến thắng. Ông chỉ ra rằng Trung Quốc không đặt ra quy định ngăn mô hình AI sử dụng nội dung có bản quyền, vì vậy Mỹ cũng không nên làm điều đó. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc có “quy định yêu nước” tương tự trong Thung lũng Silicon.

Đầu tư cho hạ tầng năng lượng và công nghệ lõi

Một trong những ưu tiên lớn khác của kế hoạch là đảm bảo nguồn cung năng lượng đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các trung tâm dữ liệu. Việc đầu tư vào hạ tầng điện – bao gồm điện hạt nhân và địa nhiệt – được xem là điều kiện tiên quyết để giữ vị thế dẫn đầu.

Ngoài ra, kế hoạch khuyến nghị đẩy mạnh nghiên cứu lý thuyết, tính toán và thử nghiệm thực tế, đồng thời kêu gọi xây dựng “liên minh AI toàn cầu” để ngăn chặn các đối thủ – cụ thể là Trung Quốc – tận dụng đổi mới và đầu tư công nghệ của Mỹ.

Một bước ngoặt chính sách công nghệ

Với việc công bố kế hoạch hành động AI cùng ba sắc lệnh hành pháp đi kèm, chính quyền Trump đã định hình lại hoàn toàn chính sách AI của nước Mỹ theo hướng thân thiện với doanh nghiệp và xuất khẩu ảnh hưởng công nghệ. Dù còn nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận rằng bước đi này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Mỹ trong việc xác lập vị trí hàng đầu trên bản đồ công nghệ thế giới.

Tuy nhiên, trong cuộc đua AI toàn cầu – nơi công nghệ thay đổi từng ngày – liệu cách tiếp cận “nới lỏng và dẫn đầu” của Mỹ có thực sự bền vững, hay sẽ để lại những khoảng trống cần điều chỉnh? Câu trả lời sẽ chỉ rõ hơn theo thời gian. Nhưng đến hiện tại, chính quyền ông Donald Trump đã đặt cược lớn vào sự đổi mới và tương lai của AI toàn cầu có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ quyết định này.

Theo Nikkei Asia