Hình AI giả tràn lan sau thảm kịch lật tàu ở Hạ Long: Khi cảm xúc cộng đồng thành "mồi câu view"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sau vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long ngày 19/7, mạng xã hội chứng kiến hàng loạt tin giả, đăng tải hình ảnh, video do AI tạo ra để thu hút lượt xem.

Lợi dụng thảm kịch để câu view

Trong khi lực lượng chức năng dốc toàn lực cứu nạn và gia đình các nạn nhân vật lộn với mất mát, rất nhiều fanpage, tài khoản ẩn danh đã tận dụng “sức nóng” vụ lật tàu để “chế tác” ảnh minh họa giả mạo bằng AI: mô tả cảnh người rơi xuống biển, gương mặt thất thần của các nạn nhân, hình ảnh khoảnh khắc sinh tử… Tất cả không có thật, được dàn dựng, dễ gây nhầm lẫn với sự việc thực tế.

Những hình ảnh, video này thường gắn với lời kể “sướt mướt”, mập mờ thật, giả, dẫn dụ người đọc để lại bình luận tiếc thương và chia sẻ rộng rãi như với các nạn nhân thật. Không hiếm bài đăng chen lẫn dòng chú thích nhỏ “ảnh minh họa” hoặc “nội dung hư cấu” nhưng trình bày đủ tinh vi để đánh lừa số đông.

Nhiều bài dùng chuyện kể gián đoạn, gây tò mò, kèm các link “đọc tiếp” trong bình luận. Người dùng lạc vào trang chứa đầy quảng cáo, thông tin trôi nổi và có nguy cơ lừa đảo, trong khi tin giả lan truyền mạnh chưa từng có.

Nghiêm trọng hơn, một số trang tin giả còn tái sử dụng các video cũ từ những vụ tai nạn khác, thay đổi tiêu đề, chỉnh sửa nội dung để đánh lừa độc giả, tạo nên làn sóng tin tức sai lệch lan truyền trên diện rộng. Thậm chí, có các video hoạt họa do AI sản xuất mô phỏng “hiện trường vụ lật tàu” với lời dẫn rùng rợn khiến nhiều người lầm tưởng là clip quay lại bởi lực lượng cứu hộ. Những hành vi này không chỉ lợi dụng nỗi đau của hàng chục gia đình mà còn gây nhiễu loạn dư luận, làm khó khăn cho công tác điều tra và cứu nạn.

Làm gì để phân biệt thật, giả?

Theo chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng, thời đại AI mang đến nhiều tiện ích nhưng cũng đồng thời tạo ra một đại dịch tin giả chưa từng có. Việc tạo ra hình ảnh, video giả mạo trở nên dễ dàng, tinh vi và khó phát hiện hơn bao giờ hết.

anh AI gia mao 2.jpg

Trước thực trạng đáng lo ngại này, người dùng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, không vội vàng chia sẻ các bài viết chứa hình ảnh, video mang tính kích động cảm xúc, chưa được kiểm chứng từ nguồn tin chính thức. Cần kiểm tra, đối chiếu thông tin với các cơ quan báo chí uy tín trước khi tin tưởng và lan truyền. Việc này không chỉ giúp bảo vệ chính bản thân mà còn góp phần giữ gìn môi trường mạng lành mạnh, ngăn chặn làn sóng tin giả độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.

Đã có trường hợp lan truyền thông tin giả về vụ lật tàu ở Hạ Long bị nhà chức trách xử phạt.

Ngày 20/7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã phối hợp với Công an phường Hồng Gai tiến hành xác minh, làm việc với công dân N.H.A.T. (SN 1982, trú tại tổ 9, khu 3, phường Hồng Gai) về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến vụ việc lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP), cơ quan chức năng đã hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với công dân N.H.A.T theo quy định.

Vụ việc lật tàu tại Hạ Long và làn sóng ảnh AI giả tràn lan sau đó là hồi chuông cảnh báo đỏ về hiểm họa tin giả thời đại số. Mỗi người đều có trách nhiệm làm “người gác cổng” thông tin, tỉnh táo trước mọi tin tức, tránh để bản thân và cộng đồng trở thành nạn nhân tiếp theo của những trò lừa dối tinh vi trên mạng.