
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long trao đổi tại tọa đàm Chuyển đổi số - Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương, diễn ra sáng 24/7.
3 kinh nghiệm sống còn từ thực tiễn về chuyển đổi số
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhắc tới Nghị quyết 57 và khẳng định quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tạo động lực cho sự phát triển.
"Chuyển đổi số thì phải chuyển đổi là chính. Có nghĩa là chúng ta phải thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi mô hình quản trị. Điều này đòi hỏi thể chế phải đi trước", Thứ trưởng nêu một trong số những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 57.
Thứ trưởng chia sẻ 3 kinh nghiệm quan trọng để thực sự đạt được thành công trong chuyển đổi số. Đây là những kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tế triển khai tại các địa phương, bộ ngành.
Thứ nhất, vai trò của người đứng đầu. Đây là yếu tố then chốt, đã được Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh và hiện nay Hà Nội đang thực thi rất quyết liệt, cụ thể hóa rõ ràng.
"Chuyển đổi này phải bắt nguồn từ người đứng đầu. Người đứng đầu không muốn chuyển đổi, không trực tiếp chỉ đạo chuyển đổi, và người đứng đầu không sử dụng kết quả chuyển đổi thì chuyển đổi số chỉ nằm ở khẩu hiệu chứ không đi vào thực tế", Thứ trưởng Long nói.
Theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách và chỉ đạo chuyển đổi số và kết quả chuyển số đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Thứ hai, dữ liệu. Dữ liệu là nền tảng. Chúng ta đã và đang xây dựng các cơ sở dữ liệu. Các bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống", và đặc biệt là "có thể chia sẻ được".
Thứ trưởng Long nhấn mạnh nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ nên cung cấp dữ liệu một lần, sau đó hệ thống phải có khả năng tái sử dụng, tránh tình trạng cập nhật đi cập nhật lại nhiều lần.
"Dữ liệu phải đạt 100%. Nếu chỉ đạt 95% thì khi vận hành vẫn không thể triển khai được quy trình trực tuyến toàn trình, vì thiếu dữ liệu sẽ làm gián đoạn. Đủ ở đây là 100%, sạch là không sai sót, sống là luôn cập nhật và hữu ích, và đặc biệt là phải chia sẻ được giữa các hệ thống, các đơn vị", Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Thứ ba, chuyển đổi số là quá trình liên tục, không phải là một dự án có điểm bắt đầu và kết thúc. Nếu chúng ta coi đó là một dự án đầu tư, làm xong rồi để đó, thì 5 năm hay 10 năm sau vẫn đứng yên. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi liên tục, liên tục cập nhật và phát triển.
Do đó, ông Long cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ trong triển khai mà cả trong vận hành và cải tiến. Chúng ta đã có cơ chế PPP, đã có các hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp hãy tận dụng các cơ chế này hiệu quả. Nhà nước sẽ là bên nghĩ ra bài toán, cải tiến quy trình, đặt hàng, còn doanh nghiệp là bên thực hiện, vận hành và đảm bảo chất lượng.
Chỉ khi nhận thức đúng như vậy, chuyển đổi số mới thực sự đi vào thực tiễn, phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Vận hành 1.139 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ là dữ liệu
Đề cập chi tiết về vấn đề hạ tầng, đặc biệt hạ tầng về dữ liệu, Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu, không có dữ liệu không nói chuyển đổi số, mà chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin.
Nếu không có dữ liệu và dữ liệu đó không được chia sẻ xuống cho các địa phương, cho các xã thì không thể giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình cho người dân được, không có dữ liệu không vận hành các hệ thống được.
Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây phải triển khai, đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu này, với mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ vận hành 1.139 thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ thay thế bằng dữ liệu, cắt giảm giấy tờ và cắt giảm chi phí.
"Đây là mục tiêu tôi nghĩ rằng là điều tiên quyết phải làm từ nay đến cuối năm", Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
12.000 cán bộ công nghệ số đồng hành với 3.219 tổ chức chính quyền cấp xã triển khai hệ thống thông tin chính quyền 2 cấp
Về việc các doanh nghiệp công nghệ số phối hợp trong giai đoạn đầu triển khai chính quyền 2 cấp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số, những doanh nghiệp triển khai hệ thống thông tin phải bố trí ít nhất 2 người tại tuyến xã để tập huấn cho cán bộ công chức.
Việc tập huấn chủ yếu nhằm hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và hỗ trợ cho cán bộ công chức để thực triển khai các hệ thống, vận hành hệ thống. Mục tiêu là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không được đình trệ và đảm bảo liên thông, thông suốt; hệ thống điều hành của chính quyền cũng vậy.
Ngoài ra, Bộ KHCN cũng yêu cầu 2 doanh nghiệp bưu chính là VNPost và Viettel Post, mỗi đơn vị cử một người túc trực tại các xã để hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ khi người dân đến làm hồ sơ trực tuyến tại các xã mới này.
Hiện nay, có hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số tham gia đồng hành với 3.219 xã để triển khai chuyển đổi trong quá trình sáp nhập. Bên cạnh đó, còn có lực lượng công an, quân đội và sinh viên tình nguyện cũng đã vào cuộc.

Đà Nẵng sẽ thay thế, xử lý cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm khi vận hành chính quyền 2 cấp

Chính quyền 2 cấp vận hành thông suốt, gần 60% thủ tục được xử lý trực tuyến sau 3 ngày triển khai
