Máy bay không đuôi bí ẩn Trung Quốc xuất hiện trong đội hình bay thử nghiệm: Đột phá tác chiến AI?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc hé lộ UAV không đuôi thế hệ mới bay đội hình cùng máy bay vận tải, thể hiện bước tiến lớn trong chiến tranh không người lái và trí tuệ nhân tạo quân sự.

Một video mới lan truyền trên mạng cho thấy một máy bay không người lái không đuôi của Trung Quốc đang bay theo đội hình. Ảnh: Handout.
Một video mới lan truyền trên mạng cho thấy một máy bay không người lái không đuôi của Trung Quốc đang bay theo đội hình. Ảnh: Handout.

Một video mới lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một máy bay không người lái (UAV) không đuôi của Trung Quốc bay đội hình cùng một máy bay vận tải động cơ cánh quạt, hé lộ góc nhìn hiếm hoi về bước tiến của nước này trong việc phát triển các loại máy bay chiến đấu hợp tác người–máy.

Đoạn video, xuất hiện vào cuối tuần trước trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, cho thấy một UAV không đuôi có thiết kế đặc biệt với cánh delta hình kim cương. Bay cùng chiếc UAV là một máy bay vận tải Y-8 hoặc Y-9 sử dụng động cơ cánh quạt, phía sau còn có thêm một chiếc máy bay tương tự.

Một bức ảnh tĩnh khác – dường như là ảnh cắt từ một video khác nhưng cũng là chiếc UAV nọ – xuất hiện đồng thời trên nền tảng X (trước đây là Twitter).

Dù có hình dáng không đuôi tương tự với các mẫu chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo của Trung Quốc – cụ thể là Chengdu J-36 hoặc Shenyang J-50 – nhưng thiết kế của chiếc UAV trong video có sự khác biệt và có vẻ nhỏ hơn các máy bay chiến đấu kể trên.

Dựa trên tỷ lệ kích thước so với chiếc vận tải cơ đi cùng, UAV này dài khoảng 15 mét – lớn hơn các dòng “trợ thủ trung thành” (loyal wingman drone) hiện nay, vốn có chiều dài dao động từ 9 đến 12 mét.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tích cực phát triển nhiều mẫu UAV “trợ thủ trung thành” và khả năng phối hợp giữa máy bay có người lái và không người lái.

Dù mẫu UAV tàng hình GJ-11 vẫn là trọng tâm, Trung Quốc đã công bố một loạt thiết kế không người lái cấp thấp hơn, có khả năng phối hợp trực tiếp với máy bay chiến đấu có người lái.

Đáng chú ý, mẫu FH-97A do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) giới thiệu tại triển lãm hàng không Chu Hải năm ngoái đã được quảng bá là một UAV đồng hành có khả năng “dẫn đầu các đội hình UAV nhỏ hơn”.

Chiếc UAV này được mô tả là có khả năng tác chiến mạng lưới cao, với vai trò tự hành, tấn công chính xác, vượt ra ngoài chức năng hỗ trợ đơn thuần như các nền tảng J-20.

Một người dùng mạng X nhận định việc lựa chọn máy bay Y-8/Y-9 đi cùng UAV không đuôi là do khả năng bay ở tốc độ chậm, phù hợp với việc quan sát và theo dõi. Đồng thời, khoang rộng bên trong cho phép chứa kỹ sư, thiết bị giám sát và các hệ thống điều khiển radio từ xa. Một số phiên bản của Y-8/Y-9 còn có khả năng thả mục tiêu giả để thử nghiệm hệ thống vũ khí.

Năm 2022, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV từng giới thiệu một khái niệm tương tự, trong đó máy bay ném bom H-6 được sử dụng như bệ phóng trên không cho các UAV chiến thuật.

Xu hướng phát triển hàng không tự động tiên tiến của Trung Quốc đang tăng tốc nhờ những bước tiến lớn trong trí tuệ nhân tạo và học máy.

Hồi đầu tháng 6, tờ PLA Daily đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “triển khai UAV hàng loạt” trong lộ trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Bài viết kêu gọi các tư lệnh quân đội “cách tân” phương pháp sử dụng khí tài không người lái, xem đây là yếu tố “quyết định và chi phối” trong các cuộc xung đột tương lai.

Tờ báo này cũng kêu gọi xây dựng học thuyết tác chiến mới lấy UAV làm trung tâm, thay vì chỉ xem chúng là lực lượng hỗ trợ, và cho rằng “giai đoạn tiếp theo của cạnh tranh quân sự toàn cầu sẽ xoay quanh việc nhanh chóng tập trung hệ thống và nhân lực thiết yếu”.

Dù thời gian và địa điểm quay video UAV chưa rõ, thiết kế của chiếc UAV trong video trùng khớp với những hình ảnh vệ tinh chụp ngày 11/6, ghi lại khoảng 500 phương tiện quân sự – bao gồm pháo tự hành và bệ phóng tên lửa đạn đạo – xếp hàng tại một cơ sở của PLA ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh.

Điểm đáng chú ý trong ảnh vệ tinh là sự hiện diện của các UAV và tàu mặt nước không người lái được che phủ trên các rơ-moóc. Các cuộc duyệt binh trước đây từng tiết lộ các mẫu UAV mới bằng cách trưng bày như vậy.

Khu vực này có bố trí một trục đường mô phỏng theo đại lộ Trường An ở Bắc Kinh, cho thấy có thể đang diễn ra các buổi diễn tập quân sự quy mô lớn nhằm chuẩn bị cho lễ duyệt binh kỷ niệm kết thúc Thế chiến II vào tháng 9 tới.