Hội nghị Thượng đỉnh G7 bế mạc với tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, Bắc Kinh tức giận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc vào ngày 13/6 và ra tuyên bố chung với lập trường rất cứng rắn đối với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 bế mạc với tuyên bố chung có lời lẽ cứng rắn chưa từng thấy với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 bế mạc với tuyên bố chung có lời lẽ cứng rắn chưa từng thấy với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) nhận xét: Trong thông cáo của hội nghị, các nhà lãnh đạo đã tốn không ít giấy mực của cuộc họp để kêu gọi Trung Quốc, yêu cầu họ bảo vệ nhân quyền ở Tân Cương, tự do của Hồng Kông, sự ổn định của Biển Đông và Biển Hoa Đông và kêu gọi làm dịu tình hình ở eo biển Đài Loan, cho phép tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19.

Làm thế nào để hình thành một lập trường thống nhất về Trung Quốc là một trong những chương trình nghị sự chính của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. Mặc dù giữa Mỹ và các nước châu Âu có những bất đồng nhất định, nhưng trong tuyên bố chung khi kết thúc, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã chọn cách dùng ngôn từ mạnh mẽ để đánh vào một số vấn đề nhạy cảm trong mắt người Trung Quốc.

Tuyên bố chung nhấn mạnh G7 sẽ tiếp tục phát huy các giá trị của mình và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là ở Tân Cương và Hồng Kông. Thông cáo của cuộc họp cũng đề nghị Trung Quốc cho phép Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện giai đoạn hai của "cuộc điều tra minh bạch, do chuyên gia lãnh đạo và dựa trên cơ sở khoa học" về nguồn gốc của coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) trong lãnh thổ của họ càng sớm càng tốt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Pháp Macron vui vẻ trao đổi trong thời gian diễn ra hội nghị (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Pháp Macron vui vẻ trao đổi trong thời gian diễn ra hội nghị (Ảnh: Reuters).

Lãnh đạo 7 nước và Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Đồng thời, Nhóm G7 cũng "lo ngại nghiêm trọng" về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông và phản đối bất kỳ "hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng".

Ngoài ra, thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh G7 cũng chỉ trích vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương tuy không nêu rõ tên. "Tất cả chúng tôi đều rất lo ngại về các hình thức lao động cưỡng bức khác nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này bao gồm lao động cưỡng bức do nhà nước hỗ trợ đối với các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trong các lĩnh vực nông nghiệp, tấm pin năng lượng mặt trời, quần áo".

Thông cáo cuộc họp cũng đề cập đến kế hoạch của Nhóm G7 dành hàng chục tỷ USD để cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển và các nước mới phát triển. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng kế hoạch này sẽ công bằng hơn sáng kiến ​​"Vành đai và con đường" của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh "có trách nhiệm lớn hơn trong các lĩnh vực như minh bạch, nhân quyền và thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế" khi phát triển viện trợ nước ngoài.

Ông Biden họp báo, bày tỏ rất hài lòng về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G7 (Ảnh: Reuters).

Ông Biden họp báo, bày tỏ rất hài lòng về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G7 (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Italy Draghi nói rằng Nhóm G7 cần phải thành thực nhìn nhận sự bất đồng giữa phương Tây và Trung Quốc. "Bắc Kinh là một chế độ chuyên chế, không tuân thủ các quy tắc đa phương và có các quan niệm giá trị khác với các nền dân chủ. Chúng ta cần phải hợp tác, nhưng cũng cần thành thật về sự khác biệt giữa chúng ta và những điều chúng ta không đồng ý. Giống như Tổng thống Biden đã nói, im lặng chính là đồng phạm".

Tổng thống Pháp Macron nói với giới truyền thông sau khi bế mạc hội nghị rằng mặc dù Nhóm G7 và Trung Quốc có những khác biệt trong các lĩnh vực như nhân quyền, nhưng G7 không muốn trở thành kẻ thù của Trung Quốc. "Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh kinh tế, chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hoàn toàn tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế".

Trang tin Hồng Kông Đông Phương nhận xét, Tuyên bố chung đã lần đầu tiên đề cập đến tình hình eo biển Đài Loan, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và mức độ tự trị cao ở Hồng Kông; kêu gọi đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về các vấn đề Trung Quốc sau cánh cửa đóng kín vào hôm 12/6, trong thời gian đó họ cắt Internet và Wi-Fi trong phòng họp để ngăn chặn Trung Quốc nghe trộm nội dung nhạy cảm.

Thủ tướng Anh Boris Johson họp báo, đánh giá Hội nghị thượng đỉnh G7 rất thành công (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Anh Boris Johson họp báo, đánh giá Hội nghị thượng đỉnh G7 rất thành công (Ảnh: Reuters).

Tuyên bố chung nêu rõ các nhà lãnh đạo Nhóm G7 nhắc lại việc duy trì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cởi mở, tự do và bao dung, đồng thời hiểu rõ tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển. Các nước G7 lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, phản đối mạnh mẽ mọi ý đồ thay đổi đơn phương đối với hiện trạng, làm trầm trọng thêm căng thẳng. Các nước sẽ thúc đẩy các quan niệm giá trị của riêng mình, bao gồm kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là Tân Cương, và các quyền, tự do và mức độ tự trị cao mà Hồng Kông được hưởng căn cứ theo Tuyên bố chung Trung-Anh. Các nhà lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí bảo vệ nhân quyền và các tiêu chuẩn lao động quốc tế, đồng thời cam kết bảo vệ các cá nhân khỏi lao động cưỡng bức.

Đối với thương mại với Trung Quốc, các nước sẽ tiếp tục thông qua tham vấn tập thể để đối phó với các chính sách và thực tiễn kinh tế phi thị trường của Trung Quốc phá hoại tính công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới triệu tập các chuyên gia để tiến hành cuộc điều tra giai đoạn hai kịp thời và minh bạch về nguồn gốc của dịch bệnh, đồng thời tiến hành các cuộc điều tra bên trong Trung Quốc dựa trên các khuyến nghị của chuyên gia. G7 cũng đồng ý tài trợ 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 và phấn đấu cung cấp ít nhất một nửa số lượng đó vào cuối năm tới, chủ yếu thông qua cơ chế phân phối vắc xin của WHO (Covax) để cung cấp cho những người cần nhất.

Bức tranh châm biếm về Hội nghị thượng đỉnh G7 lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Bức tranh châm biếm về Hội nghị thượng đỉnh G7 lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Theo Đông Phương, hai nguồn tin tiết lộ rằng các nhà ngoại giao các nước đã làm việc đến đêm khuya ngày thứ Bảy (12/6) và đạt được sự đồng thuận về hầu hết các nội dung. Một nguồn tin chỉ ra rằng các nước G7 không có nhiều bất đồng về tuyên bố chung, nhưng Nhật Bản hy vọng sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Một trong những cuộc họp kín kéo dài 90 phút của G7 vào ngày thứ Bảy chỉ để thảo luận về vấn đề Trung Quốc. Một số quan chức Mỹ chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo tại cuộc họp đã nhất trí giải quyết vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và mô tả tuyên bố chung năm nay “tiến xa hơn hơn nhiều ba năm trước”.

Cũng theo Đông Phương, về tin nói phần liên quan đến Trung Quốc trong tuyên bố chung không được cứng rắn như Mỹ mong muốn, Tổng thống Joe Biden nói: “Tôi rất hài lòng”. Có truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin cho biết một số nước G7 lúc đầu đã dè dặt bảo lưu trong việc đối kháng Trung Quốc. Tổng thống Pháp Macron cảnh báo việc trở thành kẻ thù của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và làm suy yếu các nỗ lực tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, thương mại và tài chính. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lo ngại rằng nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, ứng phó với khủng hoảng khí hậu sẽ không có kết quả.

Hình tượng lãnh đạo Nhật, Italy , Mỹ (từ trái qua phải) trong tranh (Ảnh: Đa Chiều).

Hình tượng lãnh đạo Nhật, Italy , Mỹ (từ trái qua phải) trong tranh (Ảnh: Đa Chiều).

Trước khi thông cáo bế mạc Hội nghị Nhóm G7 được ban hành, Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã đưa ra một tuyên bố trên trang web của mình, nhấn mạnh thời đại mà một số ít nước phương Tây thao túng các quy tắc quốc tế đã vĩnh viễn qua rồi: "Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng. Các công việc của thế giới nên do các quốc gia thương lượng, không nên để một vài quốc gia thao túng. Thời đại đó đã biến mất vĩnh viễn"; “Trên thế giới chỉ có một hệ thống và một trật tự. Đó là hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc làm nòng cốt và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, chứ không phải cái gọi là hệ thống và trật tự do một vài quốc gia chủ trương; chỉ có một bộ quy tắc, đó là chuẩn tắc cơ bản về quan hệ quốc tế lấy tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc chứ không phải là những quy tắc được xây dựng bởi một vài quốc gia".

Tuyên bố này rõ ràng nhắm vào tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong thời gian hội nghị thượng đỉnh. Ông Biden nói rằng cần xây dựng một liên minh dân chủ gồm các nước công nghiệp phát triển để cùng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhóm Bảy quốc gia phương Tây cần phải đoàn kết nhất trí tỏ rõ lập trường với Bắc Kinh: Các quy tắc thương mại toàn cầu vẫn nên do các nước phương Tây xây dựng, và sẽ không đầu hàng Trung Quốc.

Theo trang tin Đông Phương chiều 14/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố trong một cuộc họp báo cá nhân sau khi bế mạc hội nghị: Mỹ đã quay trở lại ngoại giao quốc tế và mô tả hội nghị thượng đỉnh G7 là “rất đoàn kết và hiệu quả”. Ông chỉ ra rằng các quốc gia phương Tây đang cạnh tranh với Trung Quốc và G7 cần phải đưa ra các kế hoạch thay thế khả thi.

Về quan hệ với các đồng minh, tại cuộc họp báo, ông Biden cho biết Mỹ đã quay trở lại bàn đàm phán và hoàn toàn tập trung vào, đồng thời tin rằng đã đạt được tiến bộ trong việc xây dựng lại uy tín của Mỹ với những người bạn thân thiết nhất.

Cũng theo Đông Phương, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh hôm thứ Hai (14/6) cho rằng Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G7 “đã đưa ra những nhận xét xuyên tạc, bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen về Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan và các vấn đề khác, cố ý vu khống và tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, càng làm lộ rõ thêm ​​dụng ý độc ác của một số nước như Mỹ. Trung Quốc rất bất bình và kiên quyết phản đối”.

Trong tranh, Trung Quốc trở thành chiếc bánh ga-tô để các nhà lãnh đạo G7 ăn nhậu (Ảnh: Đa Chiều).

Trong tranh, Trung Quốc trở thành chiếc bánh ga-tô để các nhà lãnh đạo G7 ăn nhậu (Ảnh: Đa Chiều).

Người phát ngôn mô tả hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 đã khiến thế giới thấy là sự tham gia của "các vòng tròn nhỏ" và nhóm chính trị, cường quyền chính trị, do con người tạo ra đối lập và chia rẽ, đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc không cho phép các thế lực bên ngoài thọc tay can thiệp vào các vấn đề Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan”.

Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc với tuyên bố chung có ngôn từ mạnh mẽ và lập trường cứng rắn chưa từng thấy với Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đăng một bài bình luận, mô tả tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 lần này là “sự chỉ trích có hệ thống nhất của các cường quốc phương Tây đối với Trung Quốc và sự can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc”. Bài báo cho rằng “Trung Quốc không được ảo tưởng về Mỹ nữa, nhưng nhất định cần phân biệt đối xử với Mỹ khác các nước còn lại”.

Một bức tranh châm biếm khác lan truyền về hội nghị (Ảnh: Đa Chiều).

Một bức tranh châm biếm khác lan truyền về hội nghị (Ảnh: Đa Chiều).

Trong khi đó trên các trang mạng Trung Quốc đang lan truyền rộng rãi các bức tranh châm biếm về hội nghị, mô tả các nhà lãnh đạo như những con thú đang cùng nhau thưởng thức chiếc bánh ga-tô Trung Quốc, thu hút số lượng lớn độc giả với những lời bình mang đậm sắc thái chủ nghĩa dân tộc.