
Các nhà đầu tư được cho là đã mất hứng thú với khoản quỹ khổng lồ từng đặt mục tiêu huy động 15 tỷ USD vào năm ngoái.
Tập đoàn đầu tư tài chính Mỹ BlackRock đã dừng chiến dịch tìm kiếm nhà đầu tư cho một quỹ trị giá hàng tỷ USD nhằm tái thiết Ukraine từ đầu năm nay, theo Bloomberg. Nguyên nhân được cho là sự quan tâm sụt giảm sau khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Dự kiến, quỹ này sẽ được công bố tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở Rome vào tuần tới. Bloomberg dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết quỹ gần như đã nhận được cam kết từ các công ty được chính phủ Đức, Italy và Ba Lan hậu thuẫn.
Tuy nhiên, BlackRock được cho là đã ngừng các cuộc đàm phán từ đầu năm 2025, “do thiếu sự quan tâm giữa bối cảnh ngày càng bất định về tương lai của Ukraine”, sau khi chính sách của Mỹ với Kiev thay đổi dưới thời chính quyền mới.
Ông Trump từ lâu đã cam kết chấm dứt xung đột Nga–Ukraine và đã tìm kiếm các kênh đàm phán hòa bình. Ông cũng liên tục gây áp lực buộc các đồng minh NATO ở châu Âu gánh vác chi phí hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tuần này, Washington đã đóng băng việc chuyển giao một số vũ khí quan trọng cho Kiev để ưu tiên bổ sung kho vũ khí trong nước, mặc dù ông Trump vẫn khẳng định một số hoạt động hỗ trợ quân sự vẫn tiếp tục.
Bloomberg cũng lưu ý rằng chính quyền Trump “đã vắng mặt đáng kể” trong danh sách các bên hậu thuẫn cho quỹ kể từ tháng 12 năm ngoái.
Tháng 3 năm ngoái, Phó Chủ tịch BlackRock, ông Philipp Hildebrand, từng cho biết Quỹ Phát triển Ukraine (Ukraine Development Fund) đang trên đà huy động ít nhất 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, chính phủ và tổ chức tài trợ. Một liên minh các nhà đầu tư như vậy có thể huy động tới 15 tỷ USD cho công cuộc tái thiết Ukraine, ông nói.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của BlackRock mới đây xác nhận với Bloomberg rằng công ty này không còn thực hiện bất kỳ sứ mệnh nào với Kiev, sau khi đã hoàn tất vai trò tư vấn phi lợi nhuận với Quỹ Phát triển Ukraine vào năm ngoái.
BlackRock hiện đang quản lý khoảng 11.600 tỷ USD tài sản và nắm giữ lượng cổ phần lớn trong các tập đoàn công nghiệp quốc phòng như Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman. Vũ khí do các công ty này sản xuất – vốn được các nước phương Tây viện trợ cho Kiev – đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Moscow nhiều lần lên án việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine, cho rằng các quốc gia ủng hộ Kiev đã trở thành bên tham chiến trực tiếp, biến đây thành một cuộc chiến ủy nhiệm do NATO đứng sau. Điện Kremlin tuyên bố việc Mỹ ngừng viện trợ quân sự gần đây sẽ đẩy nhanh tiến trình giải quyết xung đột.

"Mưa UAV" rơi xuống Nga trong đêm: Hơn 100 chiếc bị tiêu diệt

F-35 "đắp chiếu" 20 ngày ở Ấn Độ: Cơ hội mới cho chiến đấu cơ tàng hình Su-57 của Nga
