
Ngày 4/7/2025 đánh dấu tròn 8 năm kể từ khi Triều Tiên lần đầu tiên phô diễn năng lực tấn công hạt nhân vào lục địa Mỹ bằng vụ thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo mới Hwasong-14. Đây là thời khắc mang tính bước ngoặt trong cuộc đối đầu kéo dài 7 thập kỷ giữa quốc gia Đông Á này và Mỹ.
Vụ thử là lần đầu trong ba cuộc thử nghiệm năm đó cho thấy Bình Nhưỡng sở hữu khả năng tấn công xuyên lục địa, điều mà các chuyên gia cho rằng đã buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán vào năm 2018 và điều chỉnh đáng kể các mục tiêu của họ trong vấn đề Triều Tiên.
Bình luận về tầm quan trọng của loạt vụ thử tên lửa xuyên lục địa năm đó, chuyên gia hàng đầu về xung đột Mỹ–Triều A. B. Abrams gần đây nhận định rằng các vụ thử này đã “thay đổi toàn bộ cấu trúc thế giới”. Đây cũng là nhận xét từng được Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ kiêm cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ, tướng John Hyten, đưa ra trong một đánh giá hồi đầu năm 2020.

Ông Abrams là một trong nhiều chuyên gia cho rằng khả năng phóng vũ khí hạt nhân tầm xa của Triều Tiên là yếu tố thay đổi cuộc chơi, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Mỹ từng nhiều lần ám chỉ rằng khơi mào một cuộc chiến khu vực nhằm xóa sổ chương trình hạt nhân–tên lửa của Bình Nhưỡng, hoặc thậm chí triệt tiêu toàn bộ quốc gia này, là cái giá chấp nhận được để ngăn nước này đạt tới năng lực răn đe như hiện nay.
Tuy nhiên, việc đặt các thành phố Mỹ vào tầm ngắm đã khiến khả năng tấn công Triều Tiên trở nên kém khả thi hơn rất nhiều. Ông Abrams viết trong cuốn sách mới "Vượt qua kỷ nguyên đơn cực: 35 năm Triều Tiên đối đầu với Mỹ":
“Nếu từ năm 1950 Mỹ từng có khả năng ném bom các thành phố Triều Tiên bằng máy bay ném bom chiến lược mang đầu đạn hạt nhân, thì nay khi hai bên đều có khả năng tấn công lẫn nhau vào trung tâm dân cư, việc Mỹ cân nhắc tái diễn một chiến dịch tiêu diệt quy mô lớn sẽ đồng nghĩa với việc các thành phố của chính họ cũng đối mặt với nguy cơ hủy diệt hạt nhân”.
Ông Abrams chỉ ra rằng dù Liên Xô (năm 1949 bằng máy bay ném bom và năm 1959 với ICBM R-7) và Trung Quốc (năm 1981 với ICBM DF-5) từng đạt khả năng răn đe tầm xa, thì năm 2017 đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia vừa hoặc nhỏ có thể răn đe một siêu cường mà không cần sự bảo trợ từ bất kỳ cường quốc hạt nhân nào. Đây là cột mốc chưa từng có trong lịch sử và đã được tướng John Hyten nhấn mạnh là “thay đổi cấu trúc toàn cầu”.

Vụ thử thành công thứ hai của Hwasong-14 diễn ra vào ngày 28/7, và chỉ 11 ngày sau, tờ Washington Post dẫn báo cáo rò rỉ từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) xác nhận rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu năng lực phóng vũ khí hạt nhân tới các thành phố Mỹ với đầu đạn đã được thu nhỏ.
Ông Abrams nhấn mạnh: “Tình báo Mỹ khi đó xác nhận Triều Tiên đã phát triển thành công phương tiện tái nhập khí quyển – một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất đối với ICBM vì phải chịu nhiệt độ cực cao khi quay trở lại bầu khí quyển ở tốc độ siêu thanh”. Ông cho biết thêm, niềm tin vào năng lực này của Triều Tiên tăng lên sau khi Bình Nhưỡng công bố ảnh chụp thử nghiệm tĩnh của một đầu đạn với chóp mũi làm bằng vật liệu composite carbon chịu nhiệt mô phỏng môi trường quay trở lại khí quyển. Cơ sở vật liệu hóa học tại Hamhung – nơi sản xuất vật liệu composite carbon – được cho là phụ trách phần này.

Nhờ những tiến bộ trong khoa học vật liệu hiện đại, việc phát triển phương tiện tái nhập khí quyển dễ dàng hơn so với thời Chiến tranh Lạnh. Những hy vọng của phương Tây rằng Triều Tiên dễ dàng bị khuất phục đã bị giáng đòn mạnh sau năm 2017. Giới chức Mỹ gần như loại bỏ lựa chọn quân sự trong các chiến lược chính sách, nhường chỗ cho các cuộc đàm phán và giảm nhẹ áp lực cấm vận.
Sau 2017, Triều Tiên tiếp tục nâng cấp kho vũ khí răn đe, với các vụ thử tên lửa Hwasong-17 từ tháng 3/2022, Hwasong-18 sử dụng nhiên liệu rắn từ tháng 4/2023, và Hwasong-19 – phiên bản lớn hơn – từ tháng 10/2024. Từ tháng 9/2021, nước này bắt đầu thử nghiệm phương tiện lượn siêu vượt âm (hypersonic glide vehicles) – loại vũ khí được cho là gần như không thể đánh chặn.
Sức mạnh được phô diễn năm 2017 không chỉ giúp Bình Nhưỡng thương lượng giảm nhẹ áp lực cấm vận, mà còn tạo đòn bẩy cho họ mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Gần đây nhất, Triều Tiên đã triển khai binh sĩ và xuất khẩu lượng lớn vũ khí hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine – điều chưa từng có tiền lệ với một quốc gia từng bị cô lập sâu sắc.

Ukraine nói Triều Tiên sắp điều thêm 30.000 binh sĩ tới hỗ trợ Nga

Nga điều 4 đơn vị tấn công tinh nhuệ nhất tới Sumy, quân tiếp viện của Triều Tiên đang đến
