Tổng thống Putin ca ngợi mối quan hệ Nga-Mỹ "rất thân thiện" mang tính lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Ông Putin khẳng định Nga từng hỗ trợ Mỹ giành độc lập và ủng hộ phe miền Bắc trong nội chiến, nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử thân thiện giữa hai quốc gia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga từng có những giai đoạn quan hệ thân thiện và đặc biệt với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow đã hỗ trợ Mỹ tại những thời điểm quan trọng trong lịch sử nước này.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin (đoạn trích được công bố hôm 6/7), Tổng thống Putin đưa ra cái nhìn tích cực về quan hệ truyền thống lâu đời giữa Nga và Mỹ, bất chấp căng thẳng hiện nay do xung đột Ukraine.

“Nói về người Mỹ, chúng tôi từng có…trong một khoảng thời gian rất dài, mối quan hệ rất thân thiện và đặc biệt với Mỹ”,ông Putin nói.

Ông dẫn chứng việc Nga hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến giành độc lập khỏi Anh từ năm 1775 đến 1783: “Chúng tôi thực sự đã cung cấp cho họ – thậm chí cả vũ khí, hỗ trợ tài chính và nhiều thứ khác”.

Ông Putin cũng nhắc đến việc Nga ủng hộ phe Liên bang (miền Bắc) trong cuộc nội chiến Mỹ từ năm 1861 đến 1865: “Sau đó, chúng tôi ủng hộ miền Bắc trong cuộc chiến giữa Bắc và Nam. Và theo nghĩa này, chúng tôi tìm thấy những điểm chung kết nối hai bên”.

Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine. Moscow và Washington cũng đang tìm cách hàn gắn quan hệ vốn đã xuống mức thấp kỷ lục dưới chính quyền Mỹ trước đó.

Bất chấp những giai đoạn đối đầu, lịch sử quan hệ Nga-Mỹ vẫn ghi nhận nhiều khoảnh khắc hợp tác đáng chú ý.

Ngoài các ví dụ được ông Putin đề cập, hai quốc gia còn có giai đoạn hợp tác kinh tế sôi động vào những năm 1930, khi Mỹ giúp Liên Xô công nghiệp hóa còn các doanh nghiệp Mỹ tìm cách phục hồi sau Đại suy thoái.

Trong Thế chiến II, Liên Xô và Mỹ trở thành đồng minh, cùng chiến đấu chống lại Đức Quốc xã và phối hợp thông qua chương trình Lend-Lease (Cho thuê-cho mượn), trong đó Washington viện trợ vũ khí và nhu yếu phẩm cho Moscow.

Dù Chiến tranh Lạnh kéo dài hàng thập kỷ với nhiều đối đầu gay gắt – đỉnh điểm là khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 – hai bên vẫn đạt được nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng, góp phần hạn chế nguy cơ chiến tranh hủy diệt.