Các nước BRICS chỉ trích thuế quan của ông Trump, lên án các cuộc tấn công vào Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

BRICS lên tiếng lo ngại về các biện pháp thuế đơn phương của Mỹ và chỉ trích các cuộc tấn công vào Iran do liên minh Mỹ-Israel thực hiện.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 6/7. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Rio de Janeiro, Brazil, vào ngày 6/7. Ảnh: Reuters.

Trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh hôm 6/7, các lãnh đạo BRICS bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng về sự gia tăng các biện pháp thuế đơn phương", cảnh báo rằng các chính sách này có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Tại hội nghị, BRICS – gồm 11 nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã chỉ trích các biện pháp thuế nhập khẩu “thiếu chọn lọc” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như các đợt không kích gần đây của liên minh Mỹ-Israel nhằm vào Iran.

Khối BRICS hiện chiếm khoảng một nửa dân số thế giới và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Dù có nhiều bất đồng nội bộ, các thành viên vẫn tìm được tiếng nói chung khi đối mặt với lập trường khó đoán của Tổng thống Mỹ và những cuộc chiến thuế không dứt của ông – dù tuyên bố không nhắc đích danh ông Trump.

BRICS cũng thể hiện sự ủng hộ mang tính biểu tượng với Iran – quốc gia mới gia nhập nhóm – khi lên án loạt cuộc tấn công quân sự nhằm vào các mục tiêu hạt nhân và cơ sở khác của Iran do Israel và Mỹ tiến hành.

Hồi tháng 4, ông Trump từng đe dọa cả đồng minh lẫn đối thủ bằng một loạt mức thuế trừng phạt, nhưng sau đó hoãn lại nhiều tháng vì phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính. Tuy nhiên, ông hiện lại tiếp tục cảnh báo sẽ áp đặt thuế đơn phương với các đối tác thương mại nếu không đạt được "thỏa thuận" trước ngày 1/8.

Dù vậy, tuyên bố của hội nghị lần này đã tránh chỉ trích trực tiếp Mỹ hoặc Tổng thống Trump – có thể được xem là sự nhượng bộ với các đồng minh thân Mỹ như Brazil, Ấn Độ và Arab Saudi.

Khởi đầu cách đây hai thập kỷ như một diễn đàn cho các nền kinh tế mới nổi, BRICS dần được xem là đối trọng do Trung Quốc dẫn dắt nhằm cân bằng lại ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, với việc mở rộng để bao gồm thêm Iran, Arab Saudi và các nước khác, nhóm gặp khó khăn trong việc đạt được đồng thuận đáng kể về các vấn đề lớn – từ chiến tranh ở Gaza đến việc thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Chẳng hạn, các quốc gia BRICS cùng kêu gọi giải pháp hai nhà nước hòa bình cho xung đột Israel-Palestine, dù Iran từ lâu đã giữ lập trường cứng rắn rằng Israel cần bị tiêu diệt. Một nguồn tin ngoại giao từ Iran cho biết Tehran đã bày tỏ "những dè dặt" với nước chủ nhà Brazil, nhưng không bác bỏ hoàn toàn tuyên bố chung.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự nhạy cảm về ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi đã không tham dự phiên thảo luận hôm Chủ nhật, theo một nguồn tin từ chính phủ Brazil. Arab Saudi là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ các hợp đồng mua vũ khí công nghệ cao của Mỹ, đồng thời là đối tác lâu năm của Washington.

Sức nặng chính trị của hội nghị thượng đỉnh năm nay cũng giảm sút khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt, lần đầu tiên trong 12 năm. Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không tham dự trực tiếp mà chỉ xuất hiện qua video.

Phát biểu tại hội nghị, ông Putin khẳng định BRICS đã trở thành một nhân tố then chốt trong quản trị toàn cầu.

Hội nghị cũng kêu gọi xây dựng quy định chung về trí tuệ nhân tạo (AI), nhấn mạnh rằng công nghệ này không thể chỉ nằm trong tay các quốc gia giàu có. Hiện nay, lĩnh vực AI thương mại đang do các tập đoàn công nghệ Mỹ thống lĩnh, dù Trung Quốc và một số nước khác đang nhanh chóng bắt kịp về năng lực.