Ông Trump bước vào “tuần lễ định đoạt” với loạt thỏa thuận thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bước vào tuần lễ quyết định, gửi tối hậu thư thương mại đến nhiều đối tác trên toàn thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm biểu đồ liệt kê các mức thuế đối ứng trong một sự kiện tại Vườn Hồng hôm 2/4. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm biểu đồ liệt kê các mức thuế đối ứng trong một sự kiện tại Vườn Hồng hôm 2/4. Ảnh: AFP.

Tổng thống Donald Trump đang bước vào tuần lễ quan trọng khi chính sách thuế quan mới của Mỹ dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/7, áp dụng cho hàng loạt đối tác thương mại. Trước thời hạn này, Nhà Trắng đang gấp rút thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại vốn bế tắc suốt nhiều tháng qua.

Những tuần gần đây chứng kiến hàng loạt thành công của ông Trump trên nhiều mặt trận. Bên cạnh việc ký thông qua đạo luật cải cách thuế và chính sách nội địa, nhà lãnh đạo Mỹ còn ghi điểm khi đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran. Trong khi đó, báo cáo việc làm tháng 6 vượt xa kỳ vọng đã củng cố niềm tin vào sức mạnh nền kinh tế Mỹ.

Tận dụng đà này, ông Trump đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng trong các hiệp định thương mại trước thời hạn cận kề. Điểm nghẽn chính nằm ở việc Tổng thống Mỹ kiên quyết bảo lưu các mức thuế theo ngành hàng, đặc biệt là với dòng ô tô nhập khẩu, bất chấp sự phản đối từ nhiều đối tác.

Phát biểu hôm thứ Năm tuần trước, ông Trump cho biết ông muốn bắt đầu gửi thư thông báo tới các quốc gia về mức thuế suất mới áp lên hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, sau nhiều tháng đàm phán phức tạp chưa đi đến kết quả. “Làm vậy đơn giản hơn nhiều. Chúng ta có tới hơn 170 quốc gia – không thể nào đàm phán với từng nước một. Dù có thể đạt được những thỏa thuận tốt, nhưng chúng luôn rối rắm hơn nhiều”, ông Trump nói.

Theo ông, các mức thuế mới có thể dao động từ 10% đến 70%, và các bức thư sẽ được gửi đi vào ngày 7/7.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu trên chương trình State of the Union của đài CNN hôm Chủ nhật vừa qua rằng những bức thư này không hẳn sẽ đồng nghĩa với việc lập tức áp thuế. Thay vào đó, ông cho biết thư sẽ đặt ra một thời hạn mới, buộc các đối tác thương mại phải đạt được thỏa thuận với Mỹ nếu muốn tránh bị áp các mức thuế “có đi có lại” từng được công bố hồi tháng 4.

“Ông Trump sẽ gửi thư đến một số đối tác, cảnh báo rằng: nếu các bạn không thúc đẩy đàm phán, thì đến ngày 1/8, các mức thuế cũ – công bố từ ngày 2/4 – sẽ được khôi phục”, ông Bessent nói.

Người phát ngôn Nhà Trắng, Kush Desai, cho biết mọi quyết định cuối cùng về thương mại sẽ do chính Tổng thống đưa ra, trong khi chính quyền vẫn đang đẩy nhanh tiến trình hoàn tất các thỏa thuận còn lại.

Ông Trump bước vào tuần lễ định đoạt với loạt thỏa thuận thương mại toàn cầu 2.jpg
Khu vực cảng tại Los Angeles. Ảnh: WSJ.

Trước đó, ông Trump từng tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với các mức thuế đối ứng được áp dụng từ tháng 4 – và thời hạn đó sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett cho biết trên chương trình Face the Nation của đài CBS rằng chính quyền dự kiến sẽ hoàn tất một loạt thỏa thuận trước thời hạn chót vào thứ Tư tuần này.

Việc ông Trump và các cố vấn chuyển hướng sang gửi thư thay vì nỗ lực đạt thỏa thuận trước thời hạn cho thấy một sự thay đổi đáng chú ý trong chiến lược. Hồi tháng 4, cố vấn thương mại Peter Navarro từng dự đoán chính quyền có thể đạt tới “90 thỏa thuận trong 90 ngày”, sau khi Tổng thống tạm ngừng chính sách thuế đối ứng và cho thêm 3 tháng để đàm phán.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, Mỹ mới chỉ đạt được 3 thỏa thuận – và một số trong đó vẫn còn thiếu nhiều chi tiết then chốt.

Tình hình liên quan đến Trung Quốc hiện không rõ ràng. Hồi tháng 6, nhóm cố vấn của ông Trump cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng chiến lược như nam châm đất hiếm – qua đó tránh được việc tăng thuế. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn từ chối công bố nội dung cụ thể của thỏa thuận này, gọi đây là một thỏa thuận "riêng tư và mang tính bảo mật".

Hiện tại, một số quan chức kinh tế Mỹ đang lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể không thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết trong thỏa thuận kín đó.

“Khi nói đến các loại nam châm, chúng ta đã thấy một số tiến triển. Tuy nhiên, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh việc mở rộng quyền tiếp cận với các nguồn cung đất hiếm và sản phẩm nam châm, như những gì hai bên đã thống nhất trong đàm phán”, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Michael Faulkender phát biểu hôm thứ Tư tuần trước trên kênh CNBC.

Ông Faulkender cũng cho biết hai bên vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thỏa thuận, với mục tiêu “làm rõ thêm các chi tiết trong khuôn khổ”, sau một loạt cuộc gặp tại London và Geneva.

Ấn Độ có thể sẽ là điểm đến tiếp theo trong chiến lược thương mại của ông Trump. Trong những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ bày tỏ lạc quan rằng hai bên đã tiến rất gần đến một thỏa thuận, và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar vừa có chuyến thăm chính thức tới Washington vào tuần trước.

Tuy nhiên, nếu đàm phán không đạt kết quả, Ấn Độ cũng đã chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả. Tuần trước, chính phủ Ấn Độ thông báo với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng họ đã hoàn tất kế hoạch áp thuế đối ứng với hàng hóa Mỹ, nhằm phản ứng trước các mức thuế mà Washington đang áp dụng với mặt hàng ô tô của nước này.

Theo tài liệu được WTO lưu hành theo đề nghị của Ấn Độ, các biện pháp đáp trả sẽ bao gồm việc “tăng thuế với một số mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ”.