Ông Norbert Ruttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Liên bang Đức phát biểu cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc đã đặt ra thách thức lớn nhất đối với trật tự quốc tế kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai.
Theo trang Deutsche Welle ngày 8/1/2021, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức hôm thứ Năm 7/1 đã đăng bài cho rằng các nước phương Tây đang cảnh giác với các chính sách ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Khoảng 70 nghị sĩ quốc hội của Nhóm các nước thành viên G7 đã thống nhất ký tên vào một bức thư chung kêu gọi các nhà lãnh đạo và chính phủ các nước cùng hành động chống lại Trung Quốc. Bức thư chỉ ra rằng các hành động của Bắc Kinh cả trong đối nội và đối ngoại đều đã làm tổn hại đến các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, gây ra mối đe dọa cho các chính sách quốc tế và "xã hội của chúng ta".
Bài báo chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên các nghị sĩ quốc hội của Nhóm G7 cùng gửi thư kêu gọi tới các chính phủ các nước. Bức thư liệt kê 5 lĩnh vực chính mà các nước G7 nên chủ động tấn công Trung Quốc. Đó là: cải cách các tổ chức quốc tế, tiêu chuẩn công nghệ, nhân quyền, tình hình căng thẳng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và hợp tác trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Các đại diện của Đức tham gia ký tên vào kiến nghị bao gồm các nghị sĩ của Liên minh CDU/CSU, Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Xanh trong Hạ viện Đức và Nghị viện châu Âu.
Frankfurter Allgemeine Zeitung đưa tin, ông Norbert Ruttgen, người khởi xướng chính của sáng kiến này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Đức, hôm thứ Tư 6/1 đã tuyên bố rằng việc Trung Quốc sử dụng có chọn lọc luật pháp quốc tế và hành vi mang tính xâm lược của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tạo nên thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ông Ruttgen nhấn mạnh: “Chúng ta không muốn có sự thù địch, mà là chủ trương áp dụng một thái độ thực tế đối với Trung Quốc”.
Ông Norbet Rutgen, ứng cử viên Thủ tướng Đức khóa tới, người khởi xướng bức thư (Ảnh: Deutsche Welle) |
Ông Norbet Rutgen là một trong những ứng cử viên cho chức chủ tịch tiếp theo của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và là một ứng cử viên tiềm năng cho chức thủ tướng tiếp theo của Đức. Vào năm ngoái ông nhiều lần nhấn mạnh rằng châu Âu phải giữ vững lập trường đối với Trung Quốc. Hồi tháng 3 năm 2020, ông viết trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung: “Trung Quốc không chỉ là một đối tác, mà trước hết là một đối thủ cạnh tranh và một đối thủ về thể chế. Với sức mạnh kinh tế, tham vọng công nghệ và tham vọng địa chính trị ngày càng tăng, Trung Quốc đang buộc châu Âu phải chuyển sang thế phòng ngự. Để bảo vệ chủ quyền và khả năng cạnh tranh quốc tế, châu Âu phải tìm ra câu trả lời. Liên minh châu Âu lẽ ra phải sớm có chiến lược với Trung Quốc từ lâu, nhưng đến nay vẫn thường thất bại vì không muốn đặt lợi ích chung lên hàng đầu”.
Tháng 5/2020, ông Rutgen khi phát biểu về tình hình Hồng Kông tại Bundestag (nghị viện liên bang), đã nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ là thách thức ngoại giao lớn nhất đối với Đức, châu Âu và thế giới trong vài năm tới”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hợp tác, nhưng không được khuất phục. Chúng ta cần phải đứng lên vì quyền lợi của mình. Không được đối đầu, nhưng cũng không được cúi đầu!".
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Anthony Gonzalez cho rằng: mối đe dọa của Trung Quốc là thách thức ngoại giao lớn nhất thời đại (Ảnh: AP) |
Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung trích bức thư của 70 nghị sĩ các nước thành viên G7 gửi các chính phủ viết: “Chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc trên cơ sở cùng có lợi, minh bạch và có trách nhiệm”.
Hạ nghị sĩ Anthony Gonzalez của Đảng Cộng hòa Mỹ, người tham gia ký tên vào thư ngỏ, tuyên bố rằng “mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra là thách thức ngoại giao lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Các mối đe dọa bao gồm đối với Mỹ và các đồng minh dân chủ của Mỹ trên khắp thế giới”. Gonzalez đã lấy ví dụ về cách làm của Trung Quốc vào giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, tình hình vi phạm nhân quyền, lạm dụng các tổ chức quốc tế và "hành vi mang nặng tính thù địch” ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương làm bằng chứng, kêu gọi tất cả các quốc gia dân chủ G7 đoàn kết và hợp tác chống lại Trung Quốc.
Tập đoàn G7 hay còn gọi là Tập đoàn 7 nước công nghiệp phát triển là một tổ chức quốc tế bao gồm 7 nền kinh tế phát triển lớn trên thế giới; các quốc gia thành viên của nó là Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ.