
Có nguồn gốc từ “Quái vật biển Caspi” của Liên Xô
“Quái vật biển Caspi” (Caspian Sea Monster), tên mã “KM”, là một loại phương tiện hiệu ứng mặt đất (Ground Effect Vehicle – GEV) do Cục Thiết kế Alekseyev của Liên Xô phát triển. Đây là phương tiện vận hành ở độ cao rất thấp, tận dụng hiệu ứng "wing-in-ground effect" - hiện tượng giúp phương tiện bay nâng cao hiệu suất khi bay sát mặt đất hoặc mặt nước, được ứng dụng trong thiết kế tàu bay tốc độ cao và ảnh hưởng lớn đến kỹ thuật hạ cánh của máy bay.
“Quái vật biển Caspi” có chiều dài tới 106,1 mét, sải cánh 40 mét, trọng lượng cất cánh 540 tấn, tải trọng trên 200 tấn, có thể chở tới 850 binh sĩ, cho thấy năng lực vận chuyển cực kỳ lớn.
Về động cơ, nó được trang bị 10 động cơ phản lực VD-7: 8 động cơ bố trí ở phần đầu mũi, tạo lực phản áp giúp nâng thân máy bay, 2 động cơ gắn trên đuôi, cung cấp lực đẩy hành trình và tăng tốc. Tốc độ bay đạt 430 – 500 km/h, tầm hoạt động tới 7.500 km, đủ sức vượt qua cả Thái Bình Dương.

Về hỏa lực, trên lưng “Quái vật Biển Caspi” có 3 bệ phóng kép tên lửa chống hạm siêu thanh SS-N-22 “Sunburn”, giúp nó sở hữu năng lực tấn công cực mạnh.
Tuy nhiên, loại GEV này cũng bộc lộ nhiều hạn chế: Phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, khả năng chịu sóng gió kém; độ cao hoạt động tối ưu chỉ bằng 1/10 sải cánh, hạn chế phạm vi sử dụng và tính linh hoạt.
Năm 1980, một “Quái vật biển Caspi” gặp tai nạn do lỗi vận hành và rơi xuống biển. Sau sự tan rã của Liên Xô, dự án này cũng chìm vào quên lãng.

Quái vật biển Bột Hải – Máy bay lai của Trung Quốc
Một hình ảnh vừa được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy chiếc máy bay sơn màu xám độc đáo ở phía sau. Chỉ cần nhìn thấy nó là đủ để các trang tin quân sự phương Tây như Naval News hay The Warzone tin rằng đây là loại máy bay mới và chưa từng xuất hiện. Tên, ký hiệu và nhà sản xuất của nó vẫn chưa được tiết lộ, nhưng thiết kế này của Trung Quốc được cho là tham vọng nhất về một dòng máy bay được theo đuổi phát triển trong nhiều thập kỷ.
Đây là một chiếc GEV được thiết kế để bay ngay phía trên bề mặt nước, cho phép chúng bay bên dưới tầm radar, trong khi vẫn nhanh hơn nhiều so với tàu mặt nước.
Chiếc GEV này do Trung Quốc phát triển, có tên là “Quái vật Bột Hải” (Bohai Monster). Thiết kế độc đáo của nó nhanh chóng thu hút sự chú ý rộng rãi.

Theo đánh giá của Naval News, “Quái vật Bột Hải” là một GEV cỡ lớn sử dụng động cơ phản lực, tuy nhiên kích thước của nó nhỏ hơn “Quái vật Caspi”, ước tính chỉ dài khoảng 20–30 mét. Máy bay sử dụng 4 động cơ tuốc bin phản lực cỡ nhỏ . Với tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng là 0,25, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 10 tấn, tải trọng 3 tấn.
Sau khi Liên Xô tan rã và dự án này chấm dứt, công nghệ này vẫn truyền cảm hứng cho các nước khác, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc thực sự bắt đầu nghiên cứu GEV từ những năm 1990, nhưng đã nhanh chóng định hướng ứng dụng quân sự rõ ràng. Hải quân Trung Quốc từng đề xuất phát triển một mẫu GEV cỡ lớn (khoảng 200 tấn), chia thành hai biến thể: loại dùng để tấn công tên lửa và loại vận tải đổ bộ.
Phiên bản tấn công được đặt ra yêu cầu có thể mang ít nhất 8 quả tên lửa chống hạm YJ-82 (Yingji-82), để tấn công xuyên phá hạm đội và bờ biển đối phương.

Phiên bản vận tải thì cần chở được ít nhất 2 đại đội lính trang bị đầy đủ, nhằm tăng tốc độ chiếm đảo chiến lược, trong đó có tính đến kịch bản đổ bộ Đài Loan.
Ban đầu, nhóm thiết kế Trung Quốc lấy “Quái vật biển Caspi” làm nguyên mẫu để phục chế và đặt tên là “Type DFX200”, nhưng khi thử nghiệm với kích thước thực tế này đã phát hiện hiệu quả rất kém trong điều kiện sóng to gió lớn: Biển động cấp 3 đã không thể bay bình thường, khi sóng biển cao quá 0,5 mét là máy bay mất ổn định và có nguy cơ lật, khiến giá trị chiến đấu thực tế gần như bằng không (0). Phía Mỹ cũng gặp phải vấn đề tương tự không khắc phục được nên cũng tuyên bố đình chỉ. Hai nước đều ngừng nghiên cứu dòng máy bay GEV cỡ lớn, chuyển sang nghiên cứu làm loại nhỏ cỡ nhỏ dùng cho mục đích dân sự hoặc tuần tra ven biển.
Trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều mẫu GEV nhỏ dân sự dưới 20 chỗ ngồi được phát triển (một số kiểu có thể lưỡng dụng cho cả quân sự-dân sự, chủ yếu cho mục đích tuần tra biên giới ven biển), nhưng thông tin về dòng GEV cỡ lớn hầu như không xuất hiện.
Trong bối cảnh công nghệ không người lái phát triển nhanh chóng, một số mẫu như "Caihong-T1" – một dạng UAV cảm tử cỡ lớn, có thể bay trong vùng radar mù trên biển – đã phần nào lấp đầy khoảng trống chiến thuật…

Tuy nhiên, theo bức ảnh được truyền thông nước ngoài công bố gần đây, mẫu “Quái vật Bột Hải” dường như cho thấy quân đội Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ công nghệ mới trong lĩnh vực này. Rất có thể họ đang tích lũy lại kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi giấc mơ chế tạo GEV cỡ lớn. Xét cho cùng, công nghệ GEV đã có lịch sử gần 100 năm, nếu ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tìm ra sự đột phá mới về công nghệ để phục hồi hướng đi này, thì cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Căn cứ bức ảnh, chiếc máy bay có thân với thiết kế đuôi chữ T đặc biệt cùng hai bộ ổn định thẳng đứng. Cấu hình này không có trên các máy bay thông thường nhưng đã được sử dụng trên một số GEV ở Trung Quốc. Có vẻ như nó có sải cánh tương đối ngắn và đuôi lớn, đặc trưng của loại máy bay này.
Bốn động cơ phản lực được lắp phía trên cánh. Chúng có các vòi phun hơi dẹt cho thấy lực đẩy hướng xuống. Các động cơ có thể có một ống hút thứ hai phía trên ống hút chính, nhưng góc chụp của ảnh không thể hiện đầy đủ điều này.
Lớp sơn xám nhạt dễ thấy của nó cho thấy có vai trò quân sự. GEV đặc biệt phù hợp để vận chuyển, bao gồm cả trong bối cảnh các hoạt động đổ bộ. Đây là vai trò thường gắn liền với tàu đệm khí trong Hải quân Trung Quốc (PLAN). Do đó, loại mới có thể là tàu vận tải tấn công.
Trung Quốc hiện có một số lượng lớn các dự án máy bay đầy tham vọng như thủy phi cơ AG600 khổng lồ. Thiết kế đó dành cho các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn (SAR) và chữa cháy. Thiết kế “Quái vật Bột Hải” có thể bổ sung cho điều đó.

Tại sao Trung Quốc lại phát triển loại máy bay này?
Chính là vì những lợi thế chiến thuật độc đáo: Độ cao bay cực thấp, khiến đối phương rất khó phát hiện bằng radar, khả năng tàng hình cao. Thứ hai, tốc độ lớn, cho phép vượt eo biển Đài Loan chỉ trong 30–60 phút, phù hợp để triển khai nhanh các đội đặc nhiệm cùng trang bị và vật tư.
Ngoài ra, theo truyền thông Trung Quốc, máy bay này còn có tác dụng chiến lược – vũ khí “bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông. Ở hướng Biển Đông, GEV này có thể giúp cơ động nhanh quân giữa các đảo, triển khai nhanh lực lượng hải cảnh để kiểm soát tình hình, đối phó với các tình huống khẩn cấp, bảo vệ lợi ích chủ quyền.
Dù hiện chưa rõ thông tin chi tiết, nhưng trong tương lai “Quái vật Bột Hải” có thể được tích hợp các hệ thống vũ khí, như: Tên lửa chống hạm, có thể đe dọa các chiến hạm đối phương, đặc biệt là biên đội tàu sân bay; các thiết bị trinh sát phục vụ cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn hoặc do thám.

Trang tin Sohu cho rằng, “Quái vật Bột Hải” là vũ khí đặc biệt cho thế kỷ 21, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi: Tuyên bố chủ quyền, tuần tra, kiểm soát ở vùng Biển Đông, Hoa Đông; tăng cường khả năng đổ bộ tấn công nhanh, vượt qua hệ thống phòng thủ ven biển đối phương.
Sự xuất hiện của “Quái vật Bột Hải” cho thấy sự đổi mới và tham vọng của Trung Quốc trong công nghệ quân sự, mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực vũ khí lai giữa hàng hải và hàng không.