|
Khoáng sản chiến lược đất hiếm - con bài của Trung Quốc trong đàm phán thương mại, thuế quan với Mỹ - có nguy cơ mất giá trị do Mỹ đi đường vòng mua được qua nước thứ ba. Ảnh: QQnews. |
Trong vài tháng gần đây, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực khoáng sản chiến lược đất hiếm một lần nữa trở thành tâm điểm của quốc tế. Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với các loại khoáng sản quan trọng như Antimon, Gali, Gecmani…những nguyên liệu then chốt cho sản xuất chip, công nghệ quân sự và năng lượng sạch.
Tuy nhiên, số liệu mới nhất Trung Quốc có được cho thấy Mỹ đã “đi đường vòng” thông qua các nước thứ ba để mua được số lượng lớn các khoáng sản này, do đó tránh được các hạn chế mà Trung Quốc áp đặt. Truyền thông Trung Quốc cho rằng: “Diễn biến này không chỉ làm suy yếu hiệu lực của lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc, mà còn làm gia tăng sự phức tạp trong cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc”.
Mỹ tăng nhập khẩu đất hiếm Trung Quốc qua bên thứ ba
Theo hãng tin Reuters, kể từ khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm, lượng Diantimon trioxide (Sb2O3) mà Mỹ nhập khẩu từ Thái Lan và Mexico đã tăng vọt. Đây là hợp chất thương mại quan trọng nhất của nguyên tố antimon. Hợp chất này thường được tìm thấy trong tự nhiên dưới dạng khoáng chất Valentine và Senarmontit, nhu cầu mỗi năm của Mỹ về Diantimon trioxide lên tới 10.000 tấn.
Cụ thể, chỉ từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 4 năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 3.834 tấn Diantimon trioxide từ hai quốc gia này, con số này vượt quá tổng lượng nhập khẩu của Mỹ trong 3 năm trước cộng lại.
Trong khi đó, dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy Thái Lan và Mexico đã vươn lên trở thành hai trong ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đối với khoáng sản loại này, dù trước khi lệnh cấm được ban hành, hai nước này thậm chí còn không nằm trong top 10. Điều này cho thấy Mỹ đang áp dụng mô hình “trung chuyển” để lách lệnh cấm của Trung Quốc.
Mô hình “trung chuyển” làm suy yếu lệnh cấm
Theo mô hình này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã xuất khẩu khoáng sản chiến lược này sang nước thứ ba như Thái Lan hoặc Mexico, sau đó từ các nước này, khoáng sản lại tiếp tục được tái xuất sang Mỹ. Mặc dù giá thành tăng lên qua các bước trung gian, Mỹ vẫn chấp nhận chi trả để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị gián đoạn.
Cách làm này đã làm giảm hiệu lực thực tế của lệnh cấm xuất khẩu và gây khó khăn cho Trung Quốc trong đàm phán thương mại và thuế quan với Mỹ trong tương lai.
Mục tiêu của Trung Quốc khi ban hành lệnh cấm là dùng “đòn bẩy khoáng sản chiến lược” để buộc Mỹ và các nước phương Tây nhượng bộ trong các vấn đề công nghệ và địa chính trị.
Tuy nhiên, khi Mỹ dễ dàng vượt qua lệnh cấm nhờ nước thứ ba, đòn bẩy này mất đi hiệu quả thực tế, khiến các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc bị xem là thiếu tính răn đe.
Hành động lách luật của Mỹ cho thấy rằng các lệnh hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc dễ bị vô hiệu hóa, làm giảm uy tín trong chiến lược "vũ khí hóa chuỗi cung ứng".
Với Trung Quốc, việc bị “vượt rào”, “qua mặt” như vậy đặt ra nhu cầu cấp thiết phải bịt kín các lỗ hổng hiện có. Tuy nhiên, Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị cô lập nếu tăng cường siết chặt với các nước trung gian, như Thái Lan và Mexico, vốn là đối tác thương mại quan trọng trong các khu vực.
Cuộc cạnh tranh chuỗi cung ứng sẽ còn kéo dài
Về lâu dài, hiện tượng này cho thấy tính phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ cạnh tranh chiến lược sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Là nước cung cấp chủ chốt các khoáng sản chiến lược toàn cầu, Trung Quốc vẫn giữ vị trí then chốt trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc Mỹ thành công né lệnh cấm thông qua nước thứ ba đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, cần phản ứng linh hoạt và toàn diện hơn, vừa để bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa để duy trì hiệu lực của chính sách xuất khẩu và đảm bảo vị thế chiến lược trong cuộc chơi toàn cầu.
Sau khi các thông tin này lan truyền và được xác nhận, trên các diễn đàn mạng Trung Quốc đã xuất hiện các ý kiến kêu gọi trừng phạt Thái Lan, Mexico và các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc “đã vì lợi ích riêng mà làm ảnh hưởng đến đại cục đất nước”.
Trung Quốc ứng phó ra sao?
Để đối phó với thách thức này, Trung Quốc có thể triển khai chuỗi nhiều biện pháp: Thứ nhất, tăng cường cơ chế cấp phép xuất khẩu, siết chặt kiểm soát dòng chảy của khoáng sản chiến lược. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác song phương với các nước trung chuyển như Thái Lan và Mexico, thông qua các hiệp định kiểm soát thương mại hoặc áp thuế cao hơn nhằm giảm thiểu hành vi tái xuất gián tiếp. Thứ ba, học hỏi cách Mỹ giám sát dòng chảy hàng hóa qua Đông Nam Á, để xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại hiệu quả hơn ở tầm quốc tế. Thứ tư, tăng cường giám sát các doanh nghiệp trong nước, quy định rõ trách nhiệm pháp lý, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp “lách luật” hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm lệnh cấm.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thương mại Trung Quốc chiều 10/7, khi trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Trung Quốc có áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi trung chuyển và buôn lậu khoáng sản chiến lược đất hiếm hay không? Người phát ngôn Bộ Thương mại – ông Hà Vịnh Tiền (He Yoqingqian) nói: “Các loại khoáng sản chiến lược như Antimon và Gallium có tính chất kép rõ rệt: vừa phục vụ dân sự vừa phục vụ quân sự – nên việc áp dụng kiểm soát xuất khẩu là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Để kiên quyết ngăn chặn tình trạng rò rỉ bất hợp pháp ra nước ngoài, vào tháng 5 năm nay, Văn phòng Cơ chế Điều phối công tác kiểm soát xuất khẩu quốc gia Trung Quốc đã triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm trấn áp hành vi buôn lậu xuất khẩu khoáng sản chiến lược. Thông tin liên quan có thể được tra cứu trên trang web chính thức của Bộ Thương mại.
Đồng thời, với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, Trung Quốc cũng cân nhắc các nhu cầu dân dụng hợp lý từ phía các nước đối với những khoáng sản chiến lược này, và sẽ xem xét, phê duyệt các hồ sơ xin xuất khẩu theo đúng pháp luật và quy định hiện hành”.