Ông Trump áp thuế 50% với đồng và hàng hóa Brazil, nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 50% với đồng nhập khẩu và hàng hóa từ Brazil từ ngày 1/8, đẩy cao căng thẳng thương mại toàn cầu. EU, Brazil, và các đối tác châu Á đang gấp rút đàm phán để tránh leo thang.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% đối với đồng, giá kim loại này tiếp tục tăng. Ảnh: AFP.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 50% đối với đồng, giá kim loại này tiếp tục tăng. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 đã đẩy mạnh chiến dịch áp thuế toàn cầu, tuyên bố mức thuế 50% với đồng nhập khẩu và 50% lên hàng hóa từ Brazil, đều bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8.

“Tôi tuyên bố mức thuế 50% lên mặt hàng đồng, có hiệu lực từ 1/8/2025, sau khi nhận được Đánh giá An ninh Quốc gia toàn diện”, ông Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình, đề cập đến cuộc điều tra thương mại “Mục 232” liên quan đến kim loại đỏ đang được tiến hành.

Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Trump thông báo Brazil rằng mức thuế “có qua có lại” dành cho nước này sẽ tăng từ 10% lên 50%, một mức sốc đối với quốc gia có cán cân thương mại khá cân bằng với Mỹ.

Ông Trump lần đầu đề cập đến việc đánh thuế đồng trong cuộc họp nội các hôm thứ Ba, khiến các doanh nghiệp Mỹ vội vàng nhập đồng từ Chile và các nhà cung cấp khác trước khi thuế có hiệu lực.

Tổng thống Trump cáo buộc các chính quyền trước đây đã để ngành công nghiệp đồng Mỹ suy tàn, và cho rằng kim loại này đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất chất bán dẫn, máy bay, pin xe điện và thiết bị quân sự.

“Nước Mỹ sẽ một lần nữa xây dựng ngành công nghiệp đồng hùng mạnh”, ông tuyên bố.

Căng thẳng leo thang với Brazil

Lệnh áp thuế lên Brazil được gửi trực tiếp tới Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, trong đó ông Trump phẫn nộ trước phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Jair Bolsonaro – đồng minh thân thiết của ông Trump. Bức thư cũng đề cập đến những hành động của Brazil mà ông Trump cho là tấn công bầu cử tự do, tự do ngôn luận và ban hành “các lệnh kiểm duyệt bí mật và phi pháp” đối với mạng xã hội Mỹ.

Ông Trump ra lệnh cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khởi động cuộc điều tra thương mại theo Mục 301 về các hành vi thương mại không công bằng, có thể dẫn đến việc áp thêm thuế mới, với lý do Brazil “tiếp tục tấn công hoạt động thương mại số của doanh nghiệp Mỹ”.

Trong khi đó, Tổng thống Lula đưa ra phản ứng mạnh mẽ. “Bất kỳ biện pháp đơn phương nào nhằm nâng thuế sẽ được đáp trả theo Luật Đối ứng Kinh tế của Brazil”, văn phòng Tổng thống Brazil tuyên bố.

Ông Brad Setser, cựu quan chức thương mại Mỹ, cảnh báo đây có thể là khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại nguy hiểm giữa hai nền dân chủ lớn.

Brazil là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Mỹ, với kim ngạch hai chiều đạt 92 tỷ USD trong năm 2024, Mỹ xuất siêu 7,4 tỷ USD, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Brazil gồm: máy bay thương mại, sản phẩm dầu mỏ, than đá và chất bán dẫn; trong khi Brazil xuất khẩu dầu thô, cà phê, thép bán thành phẩm và gang sang Mỹ.

Brazil chưa áp dụng thuế dịch vụ số, nhưng đang thúc đẩy luật kiểm soát cạnh tranh mạnh hơn đối với các nền tảng kỹ thuật số.

Trên nền tảng Truth Social, ông Trump liên tiếp công bố các thư áp thuế gửi tới 7 đối tác thương mại nhỏ (tổng kim ngạch 15 tỷ USD): 20% với Philippines, 30% với Sri Lanka, Algeria, Iraq và Libya, 25% với Brunei và Moldova.

Những bức thư mới này nâng tổng số quốc gia nhận thư áp thuế lên 21 nước, trong đó có cả Nhật Bản, Hàn Quốc – những đối tác chủ chốt cũng bị Trump tuyên bố áp thuế 25% từ 1/8 nếu không đạt được thỏa thuận trước thời điểm này.

Ông Trump từng cam kết sẽ có “90 thỏa thuận trong 90 ngày” kể từ đợt áp thuế đầu tiên vào tháng 4. Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có hai thỏa thuận đạt được, với Anh và Việt Nam. Ông Trump nói thỏa thuận với Ấn Độ đang đến rất gần.

Đàm phán Mỹ-EU: Cuộc đua đến hạn chót

Trong bối cảnh chiến dịch thuế leo thang, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần đến một thỏa thuận khung nhằm làm dịu căng thẳng.

Ông Trump cho biết ông sẽ “có thể thông báo mức thuế áp với EU trong hai ngày tới”, và nói rằng khối này đã hợp tác hơn rất nhiều.

Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic tuyên bố đã đạt “tiến triển tích cực” và thỏa thuận có thể được ký kết trong vài ngày tới, sau khi Mỹ gia hạn hạn chót đến 1/8.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Italy cảnh báo các cuộc đàm phán rất phức tạp và có thể kéo dài đến sát giờ G.

Nguồn tin từ giới ngoại giao và ngành công nghiệp xe hơi EU cho biết các biện pháp bảo vệ ngành ô tô châu Âu đang được bàn bạc, bao gồm giảm thuế, hạn ngạch nhập khẩu hoặc hình thức tín dụng xuất khẩu.

Bất chấp loạt đòn thuế mới, thị trường chứng khoán Mỹ hầu như không bị ảnh hưởng trong ngày 9/7, trong khi đồng yên tiếp tục suy yếu sau quyết định áp thuế lên hàng Nhật.

Theo nhóm nghiên cứu Yale Budget Lab, sau các biện pháp mới, mức thuế hiệu quả trung bình mà người tiêu dùng Mỹ phải chịu đã tăng lên 17,6% – mức cao nhất kể từ năm 1934.

Chính quyền Trump cho rằng thuế quan sẽ trở thành nguồn thu lớn cho ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tiết lộ Washington đã thu về khoảng 100 tỷ USD từ thuế trong năm nay, và có thể đạt 300 tỷ USD vào cuối 2025.