
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết Berlin sẵn sàng mua các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất để chuyển giao cho Ukraine, đồng thời kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng châu Âu tăng cường viện trợ vũ khí cho Kiev, đặc biệt là tên lửa phòng thủ.
Phát biểu tại một hội nghị ở Rome, ông Merz nhấn mạnh: “Tôi đang duy trì liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ và với Tổng thống Trump về vấn đề này”. Ông cho biết chính phủ Đức sẵn sàng mua các hệ thống Patriot từ Mỹ để chuyển giao cho Ukraine, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẩn thiết kêu gọi.
Ông Merz lưu ý rằng dù Mỹ cũng đang cần một số hệ thống Patriot cho chính mình, “vẫn còn nhiều hệ thống có thể được phân bổ”. Hiện các Bộ trưởng Quốc phòng hai bên đang đàm phán về khả năng chuyển giao, dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Tuyên bố trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump vẫn duy trì lập trường thận trọng về viện trợ quốc tế không kèm lợi ích tương xứng. Kể từ khi tái đắc cử, ông Trump chưa phê duyệt gói viện trợ nào mới cho Ukraine. Đầu tháng này, Lầu Năm Góc đã tạm dừng việc chuyển giao một số loại tên lửa phòng không và đạn dược chính xác, dù hoạt động giao hàng được nối lại vào đầu tuần này.
Trong các tuyên bố trước đó, Tổng thống Trump tỏ ý không mặn mà với việc tiếp tục viện trợ các hệ thống phòng không trị giá hàng tỷ USD. “Thật đáng tiếc khi chúng ta phải chi quá nhiều tiền như vậy”, ông phát biểu, đề cập tới mỗi hệ thống Patriot có giá lên tới 1 tỷ USD. Ông Trump gọi hệ thống này là “rất hiếm và rất đắt đỏ”, và nhấn mạnh rằng nước Mỹ “đơn giản là không thể sản xuất đủ số lượng cần thiết”.
Tổng thống Ukraine Zelensky trong thời gian qua liên tục nhấn mạnh rằng việc nhận thêm các hệ thống phòng không Patriot từ phương Tây là yếu tố sống còn giúp Kiev bảo vệ hạ tầng và dân thường trước các cuộc không kích bằng UAV và tên lửa từ Nga.
Nga, trong khi đó, vẫn giữ lập trường rằng việc phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ làm gia tăng bạo lực mà không thay đổi được kết cục xung đột. Moscow xem việc này là hành động leo thang và bác bỏ khả năng hòa giải trên cơ sở quân sự.
Đáp lại phát biểu của ông Merz, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 11/7 cho rằng Thủ tướng Đức đã đưa ra lựa chọn rõ ràng theo hướng quân sự hóa.
“Nếu ông Merz tin rằng các lựa chọn cho hòa bình đã cạn kiệt, thì có lẽ ông ấy đã chọn cam kết hoàn toàn với việc quân sự hóa nước Đức, kể cả khi phải hy sinh lợi ích của chính người dân mình”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga cũng cáo buộc ông Merz đã nhiều lần thể hiện rõ tham vọng biến Đức thành cường quốc quân sự số một của châu Âu, điều mà Moskva cho là sẽ khiến căng thẳng leo thang hơn nữa.

Các nhà máy sản xuất UAV tiếp sức cho đòn tấn công chưa từng có của Nga vào Ukraine

Đức trở thành quốc gia "ngưỡng hạt nhân", có thể phát triển bom trong vài tháng
