Quốc gia EU đình chỉ tiếp nhận đơn tị nạn từ Bắc Phi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc

Những người nhập cảnh trái phép sẽ bị bắt giữ, Thủ tướng Hy Lạp hôm 10/7 cảnh báo.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Ảnh: Getty.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis. Ảnh: Getty.

Hy Lạp vừa tuyên bố đình chỉ tiếp nhận đơn xin tị nạn trong vòng 3 tháng đối với những người đến từ Bắc Phi, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết, đồng thời cảnh báo rằng những ai đến trái phép bằng đường biển sẽ bị bắt và giam giữ.

Trong một bài đăng trên nền tảng X, ông Mitsotakis nói rằng biện pháp tạm thời này sẽ giúp chính phủ đối phó hiệu quả với làn sóng người nhập cư gia tăng, đồng thời gửi thông điệp cứng rắn.

“Chính phủ Hy Lạp gửi đi thông điệp rõ ràng rằng con đường từ Bắc Phi đến Hy Lạp đang đóng lại…và gửi đến các đối tượng buôn người và khách hàng tiềm năng của họ rằng số tiền họ bỏ ra có thể sẽ vô ích, vì **việc đến Hy Lạp qua đường biển sẽ trở nên rất khó khăn”, ông tuyên bố.

Động thái này được đưa ra chỉ một ngày sau khi chính quyền miền Đông Libya tại Benghazi từ chối cho phái đoàn EU nhập cảnh, trong đó có Bộ trưởng Di cư và Tị nạn Hy Lạp Thanos Plevris. Phái đoàn đến Libya để đàm phán về việc kiểm soát di cư bất hợp pháp.

Libya từ lâu đã trở thành điểm trung chuyển quan trọng của dòng người di cư đến châu Âu qua Địa Trung Hải, đặc biệt sau cuộc nổi dậy do NATO hậu thuẫn năm 2011 lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Giới chức Hy Lạp ghi nhận làn sóng nhập cư tăng mạnh tại các hòn đảo phía nam như Crete và Gavdos trong những tháng gần đây, với hơn 9.000 người đổ bộ kể từ đầu năm 2025.

Theo Greek City Times, ông Vasilis Katsikandarakis – Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát biển Tây Crete – cho biết riêng Chủ nhật vừa rồi đã có 963 người đến, tăng 380% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Vấn đề nhập cư đang khiến chúng tôi ngạt thở”, ông nói, đồng thời cảnh báo rằng “vẫn còn hàng ngàn người đang chờ ở Bắc Phi”.

Hôm thứ Ba, Ủy viên EU phụ trách Nội vụ và Di cư Magnus Brunner, cùng các bộ trưởng từ Hy Lạp, Italy và Malta đã gặp chính quyền Tripoli được Liên Hợp Quốc công nhận để bàn về các biện pháp kiểm soát dòng người di cư qua tuyến Trung Địa Trung Hải.

Thủ tướng Libya tại Tripoli, ông Abdul Hamid Dbeibah, sau cuộc họp cho biết đã giao cho Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch quốc gia về di cư, với trọng tâm là hợp tác thực chất và giải pháp lâu dài.

Tuy nhiên, kế hoạch gặp gỡ chính quyền đối lập tại Benghazi đã bị hủy khi phái đoàn EU bị tuyên bố không được hoan nghênh vì vi phạm pháp luật Libya.

Từ năm 2015, EU đã vật lộn với khủng hoảng di cư, trong đó Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha là những nước chịu áp lực nặng nề nhất do dòng người vượt Địa Trung Hải.

Theo Politico ngày 10/7, một văn bản nội bộ cho thấy EU đang xem xét gắn viện trợ phát triển và thương mại với các quốc gia châu Phi dựa trên mức độ hợp tác của họ trong việc ngăn chặn người dân vượt biển đến châu Âu.