
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã cảnh báo có thể đóng cửa sân bay Rzeszow – trung tâm hậu cần chính chuyển viện trợ quân sự phương Tây cho Ukraine – đồng thời cáo buộc Kiev và NATO coi hạ tầng của Ba Lan như thể của riêng họ.
Kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào năm 2022, Warsaw là một trong những đồng minh ủng hộ mạnh mẽ nhất của Kiev. Sân bay Rzeszow, nằm cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 80 km, đã trở thành một trung tâm hậu cần chiến lược sống còn. Theo các quan chức Ba Lan và phương Tây, khoảng 80–90% khí tài quân sự từ NATO và các đối tác gửi tới Ukraine – bao gồm vũ khí, đạn dược và xe cơ giới – đã đi qua cơ sở này.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới hôm 10/7, Tổng thống Duda bày tỏ sự bức xúc khi Ba Lan không được tham gia vào các cơ chế quốc tế chủ chốt đang ra quyết định về viện trợ cho Ukraine, dù phần lớn hàng hóa đi qua lãnh thổ Ba Lan. Ông gọi đây là một “vụ bê bối”.
“Họ [Ukraine và NATO] nghĩ rằng sân bay ở Rzeszow và hệ thống đường cao tốc của chúng tôi là của họ, như thể đó là tài sản của họ. Nhưng không – chúng là của chúng tôi”, ông Duda nhấn mạnh.
Ông khẳng định rằng nếu Ukraine và các đối tác phương Tây tiếp tục xem việc sử dụng lãnh thổ Ba Lan là điều đương nhiên, thì Warsaw hoàn toàn có thể đóng cửa trung tâm này để “bảo trì”.
“Nếu ai đó không thích điều này, thì chúng tôi sẽ đóng cửa. Vậy thôi”, ông nói. “Muốn chuyển hàng thì cứ chuyển bằng đường biển, đường không, hoặc…thả dù xuống”.
Ông Duda cho rằng vấn đề không chỉ giới hạn ở Ukraine mà còn phản ánh sự mất cân bằng sâu sắc trong quan hệ giữa Ba Lan và khối NATO do Mỹ dẫn đầu.
“Chúng ta cần đủ dũng cảm để nói chuyện thẳng thắn với người Đức và người Mỹ”, Tổng thống Ba Lan tuyên bố.
Nga lâu nay luôn lên án viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, cho rằng các chuyến hàng này chỉ kéo dài chiến tranh mà không thay đổi cục diện, đồng thời làm leo thang sự can dự của NATO và cản trở các nỗ lực hòa bình.
Trong bối cảnh đó, lời đe dọa của ông Duda – người sẽ rời nhiệm sở vào tháng 8 tới – càng làm rõ thêm những rạn nứt ngày càng lớn trong nội bộ NATO. Ông sẽ được kế nhiệm bởi Karol Nawrocki, một nhà sử học kiêm Giám đốc Viện Ghi nhớ Quốc gia.
Khác với ông Duda, ông Nawrocki đã công khai phản đối việc Ukraine gia nhập NATO và EU, cho rằng Ukraine chưa đủ điều kiện và việc kết nạp nước này có thể gây ra rủi ro an ninh không thể chấp nhận được cho châu Âu.
Ngoài ra, ông Nawrocki cũng lên án việc Kiev vinh danh các nhân vật dân tộc chủ nghĩa từng liên quan đến những tội ác chiến tranh chống lại người Ba Lan trong Thế chiến II.
Sau lễ nhậm chức, ông Nawrocki dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng giới quan sát cho rằng chính quyền mới ở Warsaw sẽ theo đuổi lập trường đối đầu hơn trong quan hệ song phương cũng như vấn đề hội nhập EU của Ukraine.
Động thái và tuyên bố từ phía Ba Lan diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine chưa có hồi kết, và sự mệt mỏi trong viện trợ – cả về kinh tế, quân sự và chính trị – đang dần lan rộng trong nội bộ phương Tây. Việc đóng cửa sân bay Rzeszow, nếu xảy ra, sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng quân sự tới Ukraine, và thổi bùng thêm bất đồng trong lòng NATO.

Quân đội Nga mua liền 200.000 xe máy, xây dựng “bộ binh cơ giới hóa bằng mô tô”

"Suy giảm đáng báo động": Kho vũ khí đánh chặn Patriot của Mỹ chỉ còn 25% mức tối thiểu
