|
Nước tràn ra từ Đập Tam Hiệp qua chín cửa xả lũ để dự phòng thêm sức chứa cho lũ lụt từ thượng nguồn sông Dương Tử. Ảnh: Getty. |
Trong một chiến dịch can thiệp sinh thái quy mô lớn, Trung Quốc tuyên bố đã phá dỡ 300 con đập và ngừng hoạt động hơn 90% các trạm thủy điện nhỏ dọc theo sông Xích Thủy – còn gọi là sông Hồng, một nhánh chính của thượng nguồn sông Dương Tử.
Động thái này được đánh giá là một trong những nỗ lực quy mô nhà nước lớn nhất nhằm khôi phục đa dạng sinh học thủy sinh tại con sông dài nhất châu Á, đảo ngược hàng thập kỷ phát triển hạ tầng thủy điện từng đe dọa nghiêm trọng đến các loài cá bản địa – bao gồm cá tầm Dương Tử, theo tờ South China Morning Post.
342 trạm thủy điện, 300 đập bị phá dỡ
Sông Xích Thủy, dài hơn 400 km, chảy qua ba tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, từ lâu được coi là nơi trú ngụ cuối cùng của các loài cá quý hiếm và đặc hữu ở thượng nguồn Dương Tử.
Trước kia, con sông này bị chia cắt bởi một mạng lưới dày đặc các đập và trạm thủy điện. Tuy nhiên, từ năm 2020, một chiến dịch tháo dỡ quy mô lớn đã được triển khai, giúp khơi thông dòng chảy tự nhiên.
Theo Tân Hoa Xã, đến cuối năm 2024, 300 trong số 357 con đập đã bị phá bỏ, và 342 trong số 373 trạm thủy điện nhỏ đã bị ngừng hoạt động.
“Thành tựu này cho thấy môi trường sinh thái hiện tại của sông Xích Thủy đã có thể đáp ứng điều kiện sinh sống và sinh sản của cá tầm Dương Tử”, nhà nghiên cứu Lưu Phi thuộc Viện Thủy sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Vũ Hán phát biểu.
Cá tầm Dương Tử, từng được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tuyên bố tuyệt chủng ngoài tự nhiên vào năm 2022, đang cho thấy dấu hiệu hồi sinh.
Năm 2023 và 2024, nhóm của Lưu Phi đã thả hai đợt cá giống vào sông Xích Thủy. Tháng 4/2025, 20 cá thể trưởng thành được thả ở đoạn sông thuộc tỉnh Quý Châu để kiểm tra khả năng sinh sản tự nhiên.
Đến giữa tháng 4, các nhà khoa học đã xác nhận hành vi sinh sản và trứng nở thành công, một hiện tượng chưa từng được ghi nhận kể từ năm 2000.
Sông Dương Tử dài 6.400 km từng bị tàn phá nặng nề
Trong nhiều thập kỷ, quần thể cá tại lưu vực sông Dương Tử đã suy giảm nghiêm trọng do hoạt động của con người. Các trạm thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm nồng độ oxy, và cắt đứt tuyến sinh sản–kiếm ăn quan trọng của các loài cá.
Giáo sư Chu Kiến Quân (ĐH Thanh Hoa) cho biết, việc tháo dỡ đập không nhất thiết phải phá hủy hoàn toàn công trình.
“Mấu chốt là sau khi ngừng phát điện, có thể điều chỉnh phương pháp kiểm soát dòng nước để đáp ứng nhu cầu sinh thái”, ông nói.
Ngoài tháo dỡ đập, Trung Quốc còn áp dụng các biện pháp toàn diện khác: Lệnh cấm đánh bắt kéo dài 10 năm từ năm 2020; Hạn chế khai thác cát trên sông; Kiểm soát nghiêm ngặt các dự án hạ tầng thủy lợi mới.
Riêng tại tỉnh Tứ Xuyên, đến cuối năm 2021, 5.131 trạm thủy điện nhỏ được kiểm tra, trong đó 1.223 trạm bị đóng cửa.
Báo cáo về đa dạng sinh học năm 2023 của chính phủ Trung Quốc ghi nhận: Hệ sinh thái thủy sinh tại Dương Tử và các nhánh sông có dấu hiệu cải thiện rõ; Số lượng cá, động vật không xương sống và lưỡng cư bắt đầu phục hồi. Đánh giá chất lượng nước: phần lớn các đoạn sông đạt mức "xuất sắc". Cường độ khai thác cát giảm mạnh.
Dù cá tầm Dương Tử vẫn đang vật lộn để tồn tại, nhưng các nỗ lực phục hồi trên sông Xích Thủy đã mở ra hy vọng mới cho việc khôi phục cân bằng tự nhiên trên các dòng sông đã bị phát triển thái quá vì năng lượng thủy điện.
Chiến lược mới của Trung Quốc cho thấy một sự chuyển hướng rõ rệt từ ưu tiên phát điện sang bảo vệ hệ sinh thái – một bài học lớn cho toàn khu vực châu Á.