Giá nước dừa tăng đột biến
Theo kênh CCTV Finance, gần đây Đinh Tiểu Hàng, một nhà phân phối đồ uống, đang tìm kiếm nguồn cung mặt hàng đồ uống nước dừa. Một công ty sản xuất ở Tân Dư, Giang Tây, Trung Quốc chỉ có thể cung cấp mỗi lần 500 hộp nước dừa, điều này khiến bà rất thất vọng.
Đinh Tiểu Hàng là Giám đốc mua hàng của một công ty kinh doanh thực phẩm ở thành phố Cán Châu, tỉnh Giang Tây. Bà cho hay, công ty của bà tung ra thị trường sản phẩm nước dừa, sản phẩm này nhanh chóng bùng nổ, hiện thị trường đang thiếu hụt nguồn cung nên bà phải đến tận nơi để giành hàng.
Hãng phân phối đang chịu áp lực, nhà sản xuất cũng vậy. Công ty của Nguyễn Thiệu Bình trước đây chủ yếu sản xuất đồ uống từ ngũ cốc như nước gạo, năm ngoái chỉ có một dây chuyền sản xuất nước uống chế biến từ dừa, năm nay đã mở rộng lên 7 dây chuyền nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nguyễn Thiệu Bình, hiện là Chủ tịch HĐQT một công ty thực phẩm và đồ uống ở thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây, cho biết so với năm ngoái, sản lượng của công ty ông đã tăng 600%. “Hiện chúng tôi sản xuất hơn 100 tấn nước dừa mỗi ngày, về cơ bản, sản phẩm được bán hết veo chỉ trong vòng 3 ngày sau khi xuất xưởng”, ông cho hay.
Nguyên liệu nước dừa chủ yếu được lấy từ trái dừa. Bị ảnh hưởng bởi nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng ở hạ nguồn, nguồn cung nguyên liệu ở thượng nguồn cũng khan hiếm, giá cả cũng tăng theo.
Ông Trình Khánh Trang, một người trồng dừa ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam, cho biết: “Chúng tôi không có đủ dừa non để bán và nước dừa từ trái dừa non rất đắt”.
Phù Phương Báo, người phụ trách một công ty sản xuất nước dừa ở Văn Xương, nói: “Năm 2020, dừa của chúng tôi chủ yếu được dùng để lấy cơm (cùi) bán, không ai uống nước dừa, phải tốn tiền thuê người mang ra ngoài để xử lý. Sau đó, có người đến mua, giá từ 100 NDT/tấn dần lên 500 NDT/tấn, 600 NDT/tấn, và bây giờ là gần 4.000 NDT/tấn nước dừa thô; tức là giá đã tăng 40 lần hay 4.000%”.
Khan nguồn cung
Số liệu thống kê cho thấy, kể từ đầu năm nay, lượng đơn đặt hàng theo nhóm liên quan đến “nước dừa” đã tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng cửa hàng online cung cấp dịch vụ ăn uống tung ra các sản phẩm liên quan cũng tăng hơn 368%.
Để đáp ứng nhu cầu sản phẩm dừa của thị trường tiêu dùng trong nước, tỉnh Hải Nam đã tăng cường nhập khẩu dừa trong năm nay; đồng thời, một số công ty cũng bắt đầu đặt nhà máy ở nước ngoài để mở rộng bản đồ của ngành dừa.
Được biết, sản lượng dừa hàng năm ở Hải Nam khoảng 200 triệu quả, nhìn chung thường được bán dưới dạng dừa non để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường địa phương. Trước nhu cầu rất lớn của thị trường nước dừa trong nước, một số nhà sản xuất đã để mắt tới nhập khẩu quả dừa. Trước đây người ta chỉ lấy cơm dừa trắng khi gia công chế biến dừa quả nhưng hiện nay nước dừa cũng được thu gom và một số công ty chế biến cơm dừa cũng đã chuyển đổi, bắt đầu sản xuất nước dừa.
Vào tháng 2 năm nay, cảng Dương Phố Hải Nam đã bắt đầu nhập khẩu một lô dừa tươi non từ Thái Lan, tính đến tháng 7 đã nhập tổng cộng khoảng 1.200 tấn, tổng lượng dừa quả nhập khẩu liên tục tăng.
Theo Vân Nam Nhật báo, kể từ đầu tháng 7, giá dừa quả nguyên liệu ở tỉnh Trà Vinh, Việt Nam liên tục tăng, giá thu mua tại vườn lên tới 55.000 VND/12 trái. Với giá dừa hiện nay, thu nhập bình quân của người nông dân Việt Nam đạt khoảng 40 triệu đồng/ha/tháng.
Một người mua dừa ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh cho rằng "do nhu cầu về các sản phẩm dừa như than hoạt tính gáo dừa, nước cốt dừa và nước dừa đông lạnh ở thị trường Trung Quốc tăng mạnh nên giá dừa đã tăng cao trong mấy tháng gần đây. Cộng với sản lượng dừa sụt giảm trong mùa mưa, nguồn cung thiếu hụt, giá có thể tiếp tục tăng thêm”.
Trước thực trạng nguyên liệu chế biến dừa chủ yếu phải nhập khẩu, các chuyên gia trong ngành cho rằng cần tận dụng tốt cơ hội về nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nước dừa ngày càng tăng hiện nay để phát triển ngành dừa. .
Trần Vệ Quân, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Thực phẩm thuộc Đại học Hải Nam, cho biết: tăng cường hơn nữa việc trồng một số giống dừa phù hợp ở Trung Quốc để tăng thu nhập cho nông dân trồng dừa địa phương. Tăng quy mô và tự động hóa các khâu gia công chế biến trong nước để giảm giá thành sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp đi ra ngoài để đảm bảo nhu cầu nguyên liệu đang tăng trưởng nhanh của thị trường trong nước.
Theo Sohu