Tại Trung Quốc, một bộ phận người tiêu dùng bắt đầu cơn sốt tranh mua, tích trữ muối. Một số cư dân mạng cho biết: "Mọi người đều đang tích trữ muối và tôi không thể tránh khỏi bị cuốn vào". Theo báo Thời đại Tài chính ngày 25/8, tại Phúc Kiến, Giang Tô, Quảng Đông… số lượng người tiêu dùng mua muối đã tăng vọt, thậm chí một số kệ hàng trong siêu thị hết nhẵn các sản phẩm muối.
Đồng thời, các chủ đề như “dân chúng các nơi tranh mua muối”, “Tập đoàn muối ăn phản hồi tranh mua muối” lọt vào top các cụm từ tìm kiếm.
Thời đại Tài chính cho biết, vào khoảng 20h00 25/8, các loại chế phẩm muối ăn đa dạng tại Meituan Maicai Quảng Châu, Pupu Supermarket, Taoxianda và các nền tảng khác đều đã được bán sạch. Vào khoảng 22h00 cùng ngày, siêu thị Pupu bổ sung thêm một lượng muối nhỏ lên kệ nhưng chẳng mấy chốc cũng hết hàng, muối ăn ở một số siêu thị khác cũng luôn phải bổ sung.
Đêm hôm đó, Tập đoàn muối Trung Quốc (CNSIC) - doanh nghiệp sản xuất muối ăn lớn nhất thế giới, đã đưa ra tuyên bố về việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường muối, cho biết cơ cấu sản phẩm muối ăn của Trung Quốc hiện nay là 87% muối mỏ, 10% muối biển, 3% muối hồ. Muối mỏ và muối hồ không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản. CNSIC kêu gọi mọi giới tiêu dùng tỉnh táo và không tranh mua muối một cách mù quáng.
Làn sóng tích trữ muối xảy ra ở nhiều nơi
Khoảng 9 giờ tối ngày 24/8, phóng viên đến siêu thị China Resources Vanguard ở Quảng Châu thấy một số người dân lũ lượt đến kệ hàng gia vị để mua muối ăn.
Trong khi người dân đổ xô đi mua muối thì cô Trần, nhân viên siêu thị, vừa liên tục bổ sung thêm muối lên kệ vừa nói với phóng viên: từ khi vào ca lúc 2 giờ chiều, cô đã liên tục đứng trước kệ muối để bổ sung thêm hàng: “Gần 7 tiếng đồng hồ tôi không làm gì khác ngoài việc thêm muối lên kệ”, cô nói. Trước những câu hỏi của khách, cô trả lời: "Chỉ có những thứ này, tất cả đều ở đây, các loại khác đã hết".
Một số người dân đến mua muối nói với phóng viên: “Mặc dù không biết sẽ ảnh hưởng ra sao nhưng bạn bè thúc giục đi mua muối nhanh lên, nên tôi cũng đến”. Cũng có người đến quầy rồi nhưng chùn tay không mua nữa, chỉ đứng xem mọi người tranh nhau mua: “Muối là vật tư quan trọng đảm bảo cuộc sống của người dân, chắc chắn sẽ không thiếu, tôi chỉ muốn xem có tranh cướp mua hay không”.
Phóng viên Thời đại Tài chính nhận thấy có tới 28 loại muối ăn trên kệ, tính đến khoảng 21h00, tổng cộng 17 loại đã được bán hết, trong đó muối ăn giá rẻ có giá khoảng 1 và 2 NDT/gói đã bán hết đầu tiên. Loại 5 NDT trở lên cháy hàng, loại hơn 10 tệ/lon hầu như không ai hỏi đến.
Nhân viên thu ngân họ Ngô cho biết từ khi cô vào ca lúc 3 giờ chiều, hầu như tất cả những khách hàng thanh toán hóa đơn trong 6 giờ qua đều có mua muối. Tuy nhiên, theo lời của cô, hầu hết khách đều mua lượng muối nhỏ để tích trữ: “Hầu hết mọi người chỉ mua vài gói, nhiều thì mua cả chục gói, không có trường hợp mua cả thùng”.
Giang Văn, sống ở Thượng Hải, sau khi hay tin Nhật Bản sẽ xả nước nhiễm xạ, cô đã mua 20 túi muối mỏ và 5 hộp muối biển qua mạng. “Tôi mua cho nhà mình và bố mẹ. Tôi không biết việc Nhật xả thải sẽ có ảnh hưởng gì, nhưng muối không sợ để lâu nên mua một ít cũng không thành vấn đề”.
Đã từng có tiền lệ
12 năm trước, ngày 16/3/2011, khi trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã gây rò rỉ hạt nhân, nỗi hoảng loạn do vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản đã lan rộng khắp Trung Quốc. Khắp nơi dân chúng tranh nhau mua muối, nhiều người đổ xô tới các siêu thị tranh mua để đề phòng thảm họa ô nhiễm hạt nhân của Nhật Bản.
Vương Anh sống ở Tứ Xuyên, từng gia nhập “đội quân cướp muối”. “Lúc đó tôi sợ không có muối ăn, lại thấy người ta tranh cướp nhau nên mua mấy thùng muối". Tuy nhiên, lần này Vương Anh có vẻ bình tĩnh hơn. “Hồi đó sau khi tranh mua không xảy ra thiếu muối. Số muối đó ăn mãi mới hết, lần này thấy không cần tranh mua nữa”.
Có thể thấy nhiều người đã lý trí hơn so với 12 năm trước. Phóng viên Thời đại Tài chính đến thăm một số cửa hàng tiện lợi và được biết hầu như không có ai đến “tranh muối", nhân viên các cửa hàng tiện lợi Lawson và 711 ở Quảng Châu nói với phóng viên: "Hôm nay không có ai đến mua muối, cũng không phải bổ sung thêm hàng".
Dưới làn sóng mua tích trữ muối, cổ phiếu ngành muối trên thị trường cổ phiếu A cũng tăng mạnh, tính đến cuối ngày 24/8, cổ phiếu Tập đoàn Jiangyan đã có ba đợt tăng liên tiếp; cổ phiếu của Su Yanjingshen, Xuetian, Salt Industry và China Salt Chemical Industry cũng tăng ở một mức độ nhất định. Nhiều nhà đầu tư cũng tới tấp đặt câu hỏi về tác động của việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân tới hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết.
Tập đoàn muối Trung Quốc trấn an dư luận
Theo số liệu công khai, Trung Quốc là nước có năng lực và sản lượng muối thô lớn nhất thế giới.
Năm 2022, năng lực sản xuất muối thô của Trung Quốc đạt 115,85 triệu tấn, sản lượng đạt 83,9 triệu tấn. Trong năm đó, mức tiêu thụ muối thô trong nước đạt 58,3 triệu tấn với cơ cấu tiêu thụ là 51,86% Sodium hydroxide, 36,85% Soda crystals và 11,29% loại khác; xuất khẩu 713.000 tấn muối thô, nhập khẩu 9,425 triệu tấn. Trong tổng lượng muối thô tiêu thụ, khoảng 70% được sử dụng trong công nghiệp hóa chất, phần còn lại được sử dụng làm thực phẩm và các mục đích khác. Nhìn chung, năng lực sản xuất muối hiện tại lớn hơn nhu cầu tiêu dùng và có mức độ dư cung nhất định.
Về vấn đề này, ông Vương Tiểu Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp muối Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, sản xuất muối trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu nên không nên bắt chước cách tích trữ muối của người Hàn Quốc. Trong sản xuất muối ăn ở Trung Quốc, nguyên liệu thô được sử dụng với tỷ lệ thành phần lần lượt là muối biển 22%, muối mỏ 61% và muối hồ 17%.
Ông Nguyễn Quang Phong, Phó giám đốc Trung tâm trao đổi thông tin sức khỏe và thực phẩm Kexin, nói Trung Quốc có nguồn tài nguyên muối dồi dào, ngành muối có quy mô sản xuất lớn, có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Muối ăn Trung Quốc phần lớn là muối mỏ, chủ yếu được lấy từ các hồ muối và mỏ muối.
Ngày nay, các cơ sở ngành muối liên quan ở nhiều địa phương cũng lên tiếng trấn an để người dân không tranh mua muối ăn.
Theo Thời đại Tài chính, Sohu