Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa qua tuyên bố sẽ thâu tóm toàn bộ quyền kiểm soát quân đội Trung Quốc (TQ), bao gồm luôn cả lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân TQ (PLA). Tập Cận Bình vốn đang là chủ tịch của Ủy ban Quân ủy Trung ương TQ, cơ quan đầu não chính trị trong quân đội, vừa qua đã kiêm luôn chức Tổng tư lệnh, đứng đầu Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp mới được thành lập có nhiệm vụ điều phối các nhánh trong quân đội.
Điều này thực chất không có nghĩa rằng ông Tập sẽ trực tiếp đứng ra điều binh khiển tướng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, mà lại mang một ý nghĩa lớn về mặt chính trị. Đây là động thái thâu tóm chính trị của Chủ tịch Tập, cũng như đảng Cộng sản TQ, để đối phó với những khó khăn sắp tới do tình trạng khủng hoảng kinh tế của TQ gây ra.
Hành động này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quân đội TQ đang thực hiện những cải cách theo mô hình của Mỹ. Trước đây, quân đội TQ, đặc biệt là lục quân, được cơ cấu theo kiểu từ thời Thế chiến thứ 2, nặng về quân số nhưng vũ khí khí tài trang bị lại yếu kém. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các nhánh quân chủng trong nội bộ PLA cũng gây nhiều trở ngại khi phải phối hợp tác chiến. Cải cách được TQ thực hiện phỏng theo mô hình mà đạo luật Goldwater-Nichols vào năm 1986 đã giúp đem lại những thay đổi mạnh mẽ trong nguyên tắc điều hành quân đội Hoa Kỳ.
Theo đạo luật này, quân đội Mỹ được chia ra thành những quân khu, hay bộ tư lệnh, theo vị trí địa lý, nằm dưới sự kiểm soát của một tư lệnh chỉ huy vùng duy nhất. Các tư lệnh này có quyền điều hành tất cả các đơn vị, bất kể thuộc quân chủng nào, đang được triển khai tại quân khu đó. Nghĩa là các nhánh quân chủng (lục quân, không quân, hải quân) chỉ có nhiệm vụ quản lý, còn quyền trực tiếp chỉ huy quân lính khi tham chiến nằm dưới tay các tư lệnh chỉ huy quân khu.
Mô phỏng theo đúng như đạo luật Goldwater-Nichols, quân đội TQ được chia thành 5 bộ tư lệnh, với mỗi quân khu nằm dưới quyền chỉ huy của một tư lệnh riêng biệt. Những tư lệnh này tiếp đến lại nằm dưới sự quản lý của Trung tâm Chỉ huy Tác chiến Liên hợp, có nhiệm vụ kiểm soát và điều phối các hoạt động giữa những quân khu với nhau.
Trong khi những cải cách này là thích hợp với mô hình quân sự hiện đại, thì việc Tổng bí thư TQ, người đang nắm quyền lực chính trị trong quân đội, lại đứng ra kiêm luôn Tổng tư lệnh chỉ huy quân sự là không những không bình thường, mà sẽ còn khiến cho việc điều hành bộ máy quân sự lẫn chính quyền dân sự trở nên thiếu hiệu quả.
Một ví dụ tương đương là người đứng đầu một nước, tuy điều hành bộ máy chính quyền nhưng không bao giờ trực tiếp nhúng tay vào việc vận hành chi li của các bộ ngành, vốn là công việc của các bộ trưởng. Về mặt quân sự, một lãnh tụ đất nước có quyền tuyên bố chiến tranh và ra lệnh cho quân lính tham chiến, nhưng không đứng ra trực tiếp chỉ huy chiến trận.
Như vậy, việc ông Tập đóng cả hai vai nắm quyền lực chính trị lẫn trực tiếp chỉ huy quân lính là rất không bình thường. Lý do được TQ đưa ra là việc này nhằm giúp cho việc thực hiện những cải cách trong quân đội được đơn giản hơn. Nhưng cái cớ này không thuyết phục. Trước giờ, tuy các tướng tá trong quân ngũ vốn luôn cảm thấy rất khó chịu khi phải vâng lệnh những “thường dân” trong chính quyền, nhưng họ không có cách nào khác là phải làm theo những chính sách được nhà nước ban hành mà không cần đến những vị lãnh đạo tròng lên người đồng phục ngụy trang rằn ri đóng giả sĩ quan, như ông Tập mới vừa làm gần đây. Điều này có thể hiểu như là một bước cùng cực để thắt chặt kiểm soát của đảng cộng Sản TQ lên quân đội.
Trong lịch sử, Chủ tịch Mao Trạch Đông là người đã có công thiết lập bộ máy cầm quyền trung ương vững mạnh và biến Trung Hoa thành một quốc gia thống nhất. Sau khi ông Mao chết, những người lãnh đạo sau ông đã nỗ lực thực hiện những cải cách hiện đại hóa đất nước, nhằm xây dựng và đảm bảo sự phồn thịnh của quốc gia. Nếu như triết lý lập quốc của ông Mao Trạch Đông là về mặt lý tưởng, thì nguyên tắc lãnh đạo của những người kế nhiệm ông lại thiên về xây dựng vật chất. Và họ đã làm được điều này, cho tới thời gian gần đây.
Trong thời gian qua, tại TQ xảy ra hiện tượng số lượng lớn tiền bị “chảy máu” ra nước ngoài. Số tiền này, một số nằm trong tay những cá nhân, một số khác lại là tiền thụt két từ ngân sách nhà nước. Đứng trước sự khó khăn mà đất nước đang gặp phải do suy thoái kinh tế, cũng như đang chịu sức ép của chiến dịch chống tham nhũng, tầng lớp giàu có đã thi nhau đem tiền của chạy ra nước ngoài. Một chế độ tồn tại dựa trên lời hứa mang lại sự “phồn thịnh” và khuyến khích cá nhân làm giàu, thì một khi lời hứa này không còn giữ được, chế độ đó đương nhiên gặp phải rắc rối.
Như vậy, vấn đề mà TQ hiện nay đang gặp phải thực chất đã không còn được gói gọn trong phạm vi kinh tế. Trên thực tế, tình hình kinh tế của TQ cho thấy không có dấu hiệu hồi phục và chắc chắn những khó khăn sẽ còn tiếp tục xuất hiện trong thời gian dài tới. Điều này dẫn đến chính quyền TQ, nếu muốn tiếp tục duy trì quyền lực, sẽ phải ra sức củng cố quyền kiểm soát để giải quyết những bất ổn chính trị do tình trạng kinh tế trì trệ gây ra.
Về mặt kinh tế, đất nước TQ có thể được chia thành 2 khu vực: miền duyên hải giàu có và miền trung nghèo nhưng đông dân. Khu duyên hải xưa nay là trung tâm tài chính-kinh tế của TQ, nơi nhân công từ miền trung đổ đến để tìm việc làm. Theo dự đoán, những thành phố duyên hải trong thời gian sắp tới sẽ phát triển với tốc độ ì ạch do khó khăn kinh tế. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao và khiến cho một lượng lớn người lao động đến từ miền trung, là nơi chiếm đến 60% dân số TQ, sẽ phải khăn gói về quê.
Để tiếp tục giữ quyền lực nằm trong tay đảng Cộng sản TQ, nhiệm vụ của Tập Cận Bình là phải đáp ứng cho được nhu cầu của cả 2 vùng. Khu vực miền trung, vốn nghèo khó nhưng đông dân và cũng là cái nôi của cách mạng Cộng sản Trung Hoa, cần tiền đến từ miền duyên hải để phát triển và tăng cường tiêu thụ.
Ngược lại, những vùng duyên hải, xưa nay có mối liên hệ tài chính - kinh tế mật thiết với các thế lực phương Tây hơn là so với những địa phương còn lại trong nước, thì đương nhiên không muốn lượng tiền của “họ làm ra” bị đổ vào miền trung. Nỗi sợ của ông Tập đến từ cả 2 phía: một mặt, khu miền trung sẽ diễn ra bất ổn dưới áp lực của khủng hoảng kinh tế, và mặt khác là việc chính quyền trung ương sẽ mất đi sự kiểm soát tại khu vực duyên hải.
Như vậy, ưu tiên số một của Chủ tịch Tập Cận Bình, không còn là phát triển kinh tế hay giúp quốc gia phồn thịnh hơn, mà phải giữ cho được sự kiểm soát của chính phủ trên toàn lãnh thổ. Điều này không đơn giản, do trở ngại lớn nhất trong nỗ lực kiểm soát của ông Tập lại đến từ sự bất công giữa các tầng lớp người dân và các vùng miền do chính thời kỳ lãnh đạo của ông Mao Trạch Đông tạo ra trước đây. Sự thiếu công bằng này cũng đã giúp đảng Cộng sản TQ lên nắm quyền. Trong mắt Tập Cận Bình, nếu như không thể xóa được sự bất công này, thì cách tốt nhất để tiếp tục tồn tại là phải bằng mọi giá tăng cường kiểm soát.
Bước đầu trong nỗ lực tăng cường kiểm soát là lập nên một thiết chế mạnh và cứng rắn nhằm triệt tiêu mọi mầm mống phản kháng. Song song với việc dẹp bỏ đối kháng là chiến dịch tăng cường kiểm soát tài sản cá nhân. Trong mắt chính quyền TQ, nếu như tiền là bài thuốc để chữa cho căn bệnh bất ổn của khu miền trung, thì việc thắt chặt kiểm soát nguồn tiền của từng cá nhân giàu có là một bước hiển nhiên. Đây cũng là một trong những mục đích chính của chiến dịch chống tham nhũng được chính quyền ông Tập ròng rã thực hiện trong vòng hơn 3 năm qua.
Ngoài cái cớ chống tham nhũng, tác dụng sâu xa của việc “đả hổ, đập ruồi” là nhằm răn đe tất cả các cá nhân có của cải tại TQ. Tầng lớp giàu có này phải hiểu được rằng họ đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền, chứ không thể tự tiện dùng tiền quay ngược lại thao túng chính quyền. Nếu như châm ngôn của Đặng Tiểu Bình trước đó là “hãy làm giàu đi” thì chính phủ TQ bây giờ lại lo sợ tầng lớp nhà giàu đã tích tụ được quá nhiều của cải và thâu tóm thực quyền. Hậu quả của cuộc thanh trừng này là đã khiến cho tầng lớp giàu có của TQ sợ hãi và thi nhau tháo chạy ra nước ngoài, tiếp tục gây ra một vấn đề khác cho chính phủ của ông Tập.
Tuy tiền là một phần quan trọng trong bài toán kiểm soát đất nước của Chủ tịch Tập, nhưng Quân Giải phóng Nhân dân TQ lại đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Quân đội có thể được dùng để đảm bảo quyền lực của đảng Cộng sản TQ trên 2 phương diện: Thứ nhất, quân đội có sức mạnh rất hiệu quả để đập tan các thế lực chống đối, đã được chứng minh qua sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989. Thứ nhì, hàng ngũ của PLA đầy rẫy con cháu của những gia đình nông dân khốn khó, xem đời quân ngũ là cách duy nhất để tiến thân. Cộng lại, có thể thấy được vì sao PLA đương nhiên là át chủ bài để bảo vệ cho sự thống trị của đảng Cộng sản TQ khi sắp phải đối mặt với những khó khăn sắp tới.
Ngoài ra, quân số cực kỳ lớn của PLA cũng là mối đe dọa, khi có khả năng soán quyền của đảng Cộng sản TQ. Trong quá khứ, PLA và đảng Cộng sản TQ có mối quan hệ khắng khít, gần như là một. Tuy nhiên, mối liên hệ này ngày càng bị rạn nứt, do các sĩ quan của PLA đã lún quá sâu vào các thương vụ làm ăn của các công ty thuộc quyền chủ quản của quân đội để tích tụ tài sản cho bản thân. Việc này đã đưa PLA kẹt vào mâu thuẫn giữa đường lối của đảng Cộng sản TQ, với những tướng tá quân đội giàu có đang bị chiến dịch chống tham nhũng nhắm tới.
Những cải cách quân sự mà chính quyền TQ thực hiện còn bao gồm giảm bớt một cách đáng kể quân số của PLA. Đây là động thái có ích về mặt quân sự lẫn chính trị. Việc này sẽ giúp cho ông Tập Cận Bình đường đường chính chính dẹp bớt những cá nhân bị coi là “tham nhũng”, tịch thu tài sản của họ, đồng thời răn đe những người khác. Chiến dịch thanh trừng trong quân đội TQ cũng giống như những gì mà ông Tập đã làm tại những nhánh khác trong chính quyền TQ. Một lực lượng quân đội với quân số nhỏ hơn, tuy sẽ thiện chiến hơn, sẽ ít có khả năng đe dọa sự kiểm soát của đảng Cộng sản TQ.
Giai đoạn chuyển tiếp này đặc biệt nguy hiểm cho chính quyền ông Tập. Tuy rằng các bước đi trước đó của Tập Cận Bình đã ít nhiều đảm bảo rằng “số phận đã an bài” cho các cá nhân “tham nhũng” giàu có và nắm quyền lực trong lực lượng PLA, nhưng việc tái cơ cấu bộ máy quân sự khổng lồ với hàng chục vạn quân của TQ cần đến nhiều năm mới có thể thực hiện xong.
Trong khoảng thời gian đó, đảng Cộng sản TQ cần phải thắt chặt sự kiểm soát lên PLA. Đó là lý do vì sao vào tháng 1.2016, Tập Cận Bình đã thiết lập Ủy ban Điều tra Kỷ luật chỉ dành riêng cho PLA, nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Quân ủy Trung ương do chính ông làm chủ tịch. Như vậy, bất cứ một ý định mưu phản nào trong nội bộ PLA đều có thể dễ dàng bị Chủ tịch Tập phát hiện.
Quân Giải phóng Nhân dân là trọng tâm trong chính sách củng cố quyền lực của chính quyền TQ. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nếu Tập Cận Bình không kiểm soát được lực lượng này, thì cũng đồng nghĩa rằng ông sẽ đánh mất hết tất cả. Động thái thâu tóm toàn bộ quân đội TQ, đặc biệt là PLA, có mục đích đảm bảo cho sự tồn tại của chính quyền TQ hiện tại. Điều này, cũng giống như chiến dịch thanh trừng “chống tham nhũng” mà ông Tập đang thực hiện, thể hiện một sự bất an của đảng Cộng sản TQ đang ngày càng hiện rõ.
Nhìn thoáng qua, có vẻ như nước cờ của ông Tập không có lý do gì sẽ thất bại. Tuy nhiên, xem kỹ thì có thể nhận thấy quanh đó lại có quá nhiều quyền lợi và mâu thuẫn phức tạp đan xen lẫn nhau, mà mỗi nước đi của Tập Cận Bình đều có thể đem lại những hậu quả khó lường khác.
Theo Business Insider, Một thế giới