Thế giới phản ứng ra sao trước đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine của Tổng thống Putin?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

NATO và Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga chấp nhận ngừng bắn toàn diện trước khi tiến hành đàm phán với Ukraine, trong khi ông Trump thúc giục đối thoại ngay lập tức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Ukraine chấp nhận đề xuất ngay lập tức. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc Ukraine chấp nhận đề xuất ngay lập tức. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Ukraine "ngay lập tức" chấp nhận đề xuất đàm phán trực tiếp không điều kiện do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm 11/5, đồng thời bày tỏ hoài nghi về khả năng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Viết trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho rằng các cuộc đàm phán trực tiếp, nếu được tổ chức, sẽ giúp làm rõ lập trường của các bên liên quan và cho thấy liệu một giải pháp hòa bình có khả thi hay không.

“Tổng thống Nga Putin không muốn có một thỏa thuận ngừng bắn đơn thuần với Ukraine, mà muốn gặp vào thứ Năm, tại Thổ Nhĩ Kỳ, để đàm phán nhằm chấm dứt cuộc ĐỔ MÁU. Ukraine nên đồng ý điều này ngay lập tức”, ông Trump viết.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng nếu các cuộc đàm phán cho thấy không thể đạt được thỏa thuận, “các lãnh đạo châu Âu và Mỹ sẽ biết rõ tình hình và có thể hành động phù hợp”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự nghi ngờ: “Tôi bắt đầu nghi ngờ rằng Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận với Putin”.

Trước đó trong ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất nối lại các cuộc đàm phán đã bị Ukraine ngừng vào năm 2022, không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Ông cho biết các cuộc đối thoại có thể bắt đầu vào ngày 15/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Ukraine. Mục tiêu là loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột và đạt được một nền hòa bình lâu dài trên phương diện lịch sử”, ông Putin phát biểu, đồng thời gợi mở khả năng các cuộc đối thoại có thể dẫn đến “một thỏa thuận ngừng bắn mới”.

Tuy nhiên, đề xuất từ Moscow vấp phải sự phản đối từ phía Kiev và các đồng minh phương Tây. Họ khẳng định đàm phán chỉ có thể diễn ra sau khi thiết lập một lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày. Lập trường này một lần nữa được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh ngay sau phát biểu của ông Trump.

“Chúng tôi mong chờ một lệnh ngừng bắn đầy đủ và lâu dài, bắt đầu từ ngày mai, để tạo tiền đề cho ngoại giao. Không có lý do gì để kéo dài cuộc đổ máu. Tôi sẽ đợi ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm. Cá nhân tôi. Hy vọng lần này phía Nga sẽ không tìm cớ né tránh”, ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.

Nhiều bên cũng đã đưa ra phản ứng của mình trước đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine của Tổng thống Putin.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Anh Keir Starmer, đã ủng hộ yêu cầu ngừng bắn của Ukraine và cảnh báo rằng nếu Nga không tuân thủ, sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn.

NATO và Liên Hợp Quốc đã lên tiếng kêu gọi Nga chấp nhận một lệnh ngừng bắn toàn diện trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte khẳng định rằng Ukraine cần được đặt vào vị thế mạnh mẽ trước bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Ông nhấn mạnh rằng việc tăng cường hỗ trợ quân sự và phòng thủ cho Ukraine là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên NATO ở sườn phía Đông bày tỏ sự hoài nghi về đề xuất đàm phán của Nga, cho rằng đây có thể là chiến thuật nhằm trì hoãn và không thực sự hướng tới một giải pháp hòa bình.

Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các bên liên quan thực hiện một lệnh ngừng bắn nhân đạo để tạo điều kiện cho việc cung cấp viện trợ và bảo vệ dân thường. Tổ chức này nhấn mạnh rằng việc ngừng bắn là bước đầu tiên cần thiết để tiến tới các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa.

Năm 2022, ông Zelensky từng ký sắc lệnh cấm tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga chừng nào ông Putin còn nắm quyền. Mặc dù lệnh cấm này vẫn còn hiệu lực, nhưng gần đây ông Zelensky tỏ dấu hiệu nới lỏng lập trường khi tuyên bố sắc lệnh này áp dụng với toàn bộ hệ thống chính quyền Ukraine, trừ bản thân ông.

Trong bối cảnh chiến sự tiếp tục kéo dài và thương vong gia tăng, áp lực quốc tế ngày càng gia tăng buộc hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, sự khác biệt trong điều kiện tiên quyết cùng với mức độ tin tưởng thấp giữa các bên tiếp tục là rào cản lớn đối với bất kỳ tiến trình hòa bình nào.