Ấn Độ, Pakistan tố nhau vi phạm sau khi đạt lệnh ngừng bắn tạm thời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ấn Độ và Pakistan tái giao tranh chỉ vài giờ sau lệnh ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. Mỹ và hơn 30 quốc gia đã can thiệp ngoại giao.

Người dân Kashmir chúc mừng nhau sau thông báo ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan, tại Srinagar, ngày 10/5, Ảnh: Reuters.
Người dân Kashmir chúc mừng nhau sau thông báo ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan, tại Srinagar, ngày 10/5, Ảnh: Reuters.

Ấn Độ và Pakistan tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn vào sáng Chủ nhật (11/5), chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này đã lui khỏi bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.

Theo chính quyền địa phương và người dân, pháo binh và máy bay không người lái tấn công đã được ghi nhận ở Jammu và Kashmir – khu vực trung tâm của các cuộc giao tranh. Tiếng nổ từ các hệ thống phòng không vang lên trong bóng tối ở nhiều thành phố đang trong tình trạng mất điện, tương tự như đêm trước đó.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri phát biểu với báo chí rằng Pakistan đã vi phạm thỏa thuận đạt được giữa hai nước vào hôm 10/5, và lực lượng vũ trang Ấn Độ đã được lệnh “đáp trả mạnh mẽ” nếu hành vi tương tự tái diễn.

“Chúng tôi kêu gọi Pakistan thực hiện các bước phù hợp để chấm dứt những hành động vi phạm này và xử lý tình hình một cách nghiêm túc và có trách nhiệm”, ông Misri nhấn mạnh.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định nước này vẫn cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn và cáo buộc Ấn Độ mới là bên vi phạm.

“Mặc dù một số khu vực đang chứng kiến hành vi vi phạm do Ấn Độ gây ra, lực lượng của chúng tôi vẫn đang xử lý tình hình với trách nhiệm và kiềm chế”, tuyên bố từ phía Pakistan nêu rõ.

Bộ này cũng kêu gọi các lực lượng trên thực địa duy trì sự kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ vấn đề nào trong việc thực thi lệnh ngừng bắn đều cần được giải quyết thông qua các kênh liên lạc phù hợp.

Người phát ngôn quân đội Pakistan chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Cuộc giao tranh lần này được xem là nghiêm trọng nhất giữa hai kình địch Nam Á trong gần ba thập kỷ, đẩy khu vực đông dân và bất ổn bậc nhất thế giới vào nguy cơ chiến tranh toàn diện.

Căng thẳng leo thang tới mức khiến dư luận lo ngại kho vũ khí hạt nhân có thể bị kích hoạt, sau khi phía quân đội Pakistan tuyên bố sẽ triệu tập cơ quan cấp cao giám sát năng lực hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan sau đó bác bỏ thông tin về cuộc họp này, chỉ vài giờ sau đêm giao tranh dữ dội khiến cả hai bên tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự của nhau, với tổng số thương vong dân thường lên đến 66 người.

Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar thông báo trên nền tảng X (Twitter): “Pakistan và Ấn Độ đã đồng ý ngừng bắn ngay lập tức. Pakistan luôn hướng đến hòa bình và an ninh trong khu vực, mà không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ!”.

Trước đó, ông Misri cho biết các tổng chỉ huy quân đội hai nước đã điện đàm và đồng thuận ngừng mọi hoạt động chiến đấu từ 17h00 giờ địa phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên X: “Sau một đêm dài đàm phán do Mỹ làm trung gian, tôi vui mừng thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức. Xin chúc mừng cả hai quốc gia vì đã sử dụng lý trí và trí tuệ tuyệt vời!”.

Ấn Độ, Pakistan tố nhau vi phạm sau khi đạt lệnh ngừng bắn tạm thời 2.png
Người dân Kashmir phản ứng trước thông tin về lệnh ngừng bắn. Ảnh: Reuters.

Ngoại giao nóng và đường dây khẩn cấp được kích hoạt

Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar chia sẻ với kênh Geo News rằng các kênh quân sự và đường dây nóng giữa hai nước đã được kích hoạt, và hơn ba chục quốc gia đã hỗ trợ thúc đẩy đạt được thỏa thuận.

Xung đột lần này bắt nguồn từ một vụ tấn công vào tháng trước tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 du khách – phần lớn là đàn ông theo đạo Hindu – thiệt mạng. New Delhi cáo buộc Islamabad đứng sau vụ việc.

Ấn Độ cho rằng nhóm Lashkar-e-Taiba – một tổ chức khủng bố đã bị Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách đen – là thủ phạm thực hiện vụ tấn công, trong khi Pakistan bác bỏ mọi liên quan và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập.

Sau đó là chuỗi ngày giao tranh khốc liệt với pháo kích qua biên giới, tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa.

Dù thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, hai nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ nói với Reuters rằng các biện pháp trừng phạt trả đũa như đình chỉ thương mại và hủy thị thực giữa hai nước vẫn chưa được dỡ bỏ.

Nguồn tin cũng cho biết Hiệp ước Chia sẻ Nguồn nước sông Ấn (Indus Waters Treaty) – một thỏa thuận quan trọng ký từ năm 1960 và đã bị Ấn Độ tạm đình chỉ sau vụ tấn công ở Kashmir – vẫn sẽ tiếp tục bị treo.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ từ chối bình luận về thông tin này.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông và Phó Tổng thống JD Vance đã trực tiếp tham gia đàm phán với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Asim Munir và cả hai cố vấn an ninh quốc gia của hai bên trong vòng 48 giờ.

Sẽ có đối thoại tại địa điểm trung lập

Trên X, ông Rubio ca ngợi hai nhà lãnh đạo Modi và Sharif vì đã đạt được thỏa thuận không chỉ ngừng bắn tức thời mà còn khởi động các cuộc đàm phán về “một loạt vấn đề rộng lớn tại một địa điểm trung lập”.

Trong một bài phát biểu sau đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif cho biết Tổng thống Trump “đã đóng vai trò thực sự” trong việc thúc đẩy đạt được lệnh ngừng bắn. Ông cũng viết trên X rằng Pakistan “đánh giá cao” sự can thiệp của Mỹ.

Tuy nhiên, Ấn Độ luôn phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Kashmir, và nhiều nhà quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi về độ bền vững của thỏa thuận.

“Thỏa thuận ngừng bắn này được chắp vá vội vã, giữa lúc căng thẳng đang ở đỉnh điểm”, nhà phân tích khu vực Nam Á Michael Kugelman (Mỹ) viết trên X. “Ấn Độ dường như hiểu khác về thỏa thuận so với Mỹ và Pakistan, và nước này không mấy hứng thú với các cuộc đàm phán rộng hơn. Việc duy trì lệnh ngừng bắn sẽ là một thách thức lớn”.

Dù vậy, tin tức về thỏa thuận đã được đón nhận với sự nhẹ nhõm ở cả hai phía biên giới. Nhà chức trách Pakistan cho biết không phận đã được mở hoàn toàn trở lại.

Ấn Độ và Pakistan vẫn luôn mắc kẹt trong tranh chấp Kashmir kể từ khi giành độc lập khỏi Anh vào năm 1947. Cả hai – một bên là quốc gia đa số Hindu, bên kia là quốc gia Hồi giáo – đều kiểm soát một phần lãnh thổ này nhưng cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ.

Hai nước đã ba lần bước vào chiến tranh – hai lần vì Kashmir – và vô số cuộc đụng độ nhỏ lẻ kể từ đó.

Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho phong trào nổi dậy tại phần lãnh thổ Kashmir do mình kiểm soát – một cuộc nổi dậy bắt đầu từ năm 1989 và đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. New Delhi cũng cáo buộc các nhóm Hồi giáo cực đoan được hậu thuẫn từ Pakistan là thủ phạm của các vụ tấn công khủng bố trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.

Pakistan phủ nhận cả hai cáo buộc, cho rằng nước này chỉ cung cấp sự ủng hộ “về mặt đạo lý, chính trị và ngoại giao” cho người Kashmir.