
Truyền thông Ấn Độ công bố thu được tên lửa PL-15E nguyên vẹn
Tuy nhiên, có điều bất ngờ xuất hiện giữa đống đổ nát. Một phần khoang dẫn đường của PL-15E đã được tìm thấy, được đánh số là “P15E12203039”, với dòng chữ ở bên phải ghi là “TEST PORT DF SEEK”. Đây là cửa sổ thử nghiệm, phiên bản xuất khẩu được đánh dấu bằng tiếng Anh.
Sau đó, khoang dẫn đường thứ hai cũng được phát hiện, có số hiệu P15E12203023. Rõ ràng đây là thân tên lửa khác trong cùng một lô. Sau đó, ăng-ten radar của PL-15E cũng được tìm thấy, tiếp theo là mô-đun thành phần T/R băng tần Kn được sản xuất vào tháng 7/2015 và thân tên lửa khá nguyên vẹn: Ngoại trừ đầu đạn đã phát nổ, về cơ bản người Ấn Độ đã tìm được các bộ phận của một quả tên lửa PL-15E khá hoàn chỉnh.
Bất ngờ hơn, theo đoạn video đăng tải trên mạng xã hội X vào chiều ngày 9/5, một quả tên lửa PL-15E gần như hoàn chỉnh đã được tìm thấy. Truyền thông Ấn Độ đưa tin quả tên lửa này không bị hư hại. Xem xét đoạn video được công bố, người ta cho rằng phần bánh lái đuôi và bề mặt bánh lái trung tâm ở giữa thân tên lửa đều còn nguyên vẹn.

Trước những ý kiến lo ngại liệu việc này có dẫn đến lộ lọt công nghệ động cơ xung kép tiên tiến của tên lửa PL-15E vào tay Ấn Độ, trang Toutiao (Tin hàng đầu) Trung Quốc ngày 10/5 đã đăng bài phân tích, trấn an dư luận.
Tên lửa PL-15E còn nguyên vẹn hay không?
Bài báo viết: Đây thực sự là một vấn đề lớn. Tại sao vẫn còn quả tên lửa chưa nổ? Liệu tên lửa PL-15E đã có quả bị “xịt” không? Bài báo cho rằng loại mảnh vỡ đặc biệt này xuất hiện do cấu trúc của tên lửa và độ cao của vụ nổ. Chiều dài đạn tên lửa là 3,99 m (tên lửa AIM-120 của Mỹ dài 3,65 m). Đầu nổ của tên lửa nằm cách phần sau gần 1 m, tức là phần xác tên lửa rơi xuống dài khoảng 3 m.
Đầu đạn tên lửa đã phát nổ, vỏ radar đầu, đầu dò, buồng dẫn đường...đều đã biến mất. Ngoại trừ vị trí phát nổ, thân chính của tên lửa thực tế vẫn còn tương đối nguyên vẹn, do đó có thể thu được xác tương đối hoàn chỉnh sau khi tên lửa đã nổ. Nó cũng cho thấy rằng "xác tên lửa hoàn chỉnh" mà người Ấn Độ nhặt được thực chất là xác của một tên lửa có đầu đạn đã phát nổ, chứ không phải là một quả tên lửa chưa nổ hay một quả tên lửa không nổ.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề chưa được làm rõ, đó là tại sao các mảnh vỡ tên lửa PL-15E lại còn nguyên vẹn như vậy? Kết quả này có thể là do độ cao của máy bay chiến đấu không lớn, ví dụ, dưới 1.000 m, và tên lửa đuổi theo máy bay chiến đấu đến vụ nổ ở độ cao thấp, tên lửa rơi xuống chỉ đi qua độ cao vài trăm mét hoặc thậm chí thấp hơn, hoặc mặt đất tương đối mềm, hoặc bị cành cây chặn lại khi rơi...Trong những điều kiện này, rất có thể thân đạn không bị hư hại nhiều. Vì vậy, không nên quá lo lắng, những thứ mà người Ấn Độ thu thập được không phải là quả tên lửa hoàn chỉnh.
Công nghệ mạch xung kép của PL-15E không dễ nắm bắt
Truyền thông Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi là liệu ngành công nghiệp quân sự Ấn Độ có thể phát triển một tên lửa có hiệu suất tương tự như PL-15E dựa trên những mảnh vỡ này thông qua kỹ thuật đảo ngược hay không? Câu trả lời về mặt lý thuyết là có thể, nhưng không dễ đối với Ấn Độ.
Bài báo cho rằng, công nghệ của tên lửa PL-15E đối với Ấn Độ không phải chỉ là một lớp giấy dễ dàng bóc ra, mà là một ngọn núi không thể vượt qua.

Tên lửa không đối không tầm trung chủ yếu là tên lửa dẫn đường hỗn hợp, chế độ tấn công thường là đưa dữ liệu điều khiển hỏa lực vào mục tiêu, phóng tên lửa, sử dụng dữ liệu dẫn đường quán tính để đưa tên lửa đến khu vực lân cận mục tiêu, sau đó bật chế độ khóa radar chủ động cho đến khi bắn trúng mục tiêu. Do đó, điều đầu tiên trong quá trình này là dữ liệu dẫn đường quán tính.
PL-15E sử dụng kết hợp hệ thống dẫn đường quán tính/hệ thống dẫn đường vệ tinh Beidou. Công nghệ này cũng được Ấn Độ sử dụng trong tên lửa không đối không "Astra". Beidou cũng có thể được thay thế bằng GPS. Ấn Độ không gặp vấn đề gì với cách dẫn đường quán tính này.
Tiếp theo là hiệu chỉnh liên kết dữ liệu hai chiều. Tên lửa có thể hoạt động như một cảm biến để truyền dữ liệu về phía sau. Ví dụ, nó có thể thiết lập lại mục tiêu nếu bị trượt hoặc thiết lập lại nếu mục tiêu đã bị phá hủy. Chỉ có Trung Quốc, Mỹ và Nga có thể liên kết dữ liệu hai chiều. Châu Âu có công nghệ này nhưng không tốt bằng Trung Quốc và Mỹ. Công nghệ liên kết dữ liệu hai chiều đòi hỏi sự hỗ trợ liên kết dữ liệu từ tên lửa, máy bay cảnh báo sớm hoặc các radar chiến đấu khác. Việc này khá phức tạp, Ấn Độ có thể không thực hiện được.
Sau đó là hệ thống dẫn đường đầu cuối bằng radar chủ động. Ấn Độ có công nghệ này. Tên lửa không đối không "Astra" có sử dụng radar mảng pha chủ động nhưng nó sử dụng bộ T/R Gali arsenide. Sự chênh lệch công suất giữa Gali arsenide và Gali nitride của PL-15E là khoảng một cấp độ.

Cuối cùng là động cơ xung kép. Đây là loại động cơ tên lửa cực kỳ khó phát triển. Trước đây, tên lửa AIM-120D của Mỹ được quảng cáo là có động cơ xung kép, khiến ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc hoảng sợ và họ đã nỗ lực phát triển tên lửa PL-15 với động cơ xung kép. Cuối cùng, mới phát hiện ra rằng người Mỹ thực tế chưa phát triển được nó.
8 năm đã trôi qua kể từ năm 2017. Trung Quốc đã phát triển tên lửa không đối không từ PL-15 lên PL-17 và hiện đã phát triển thành PL-21. Tầm bắn của tên lửa PL-17 được cho là đã tăng từ hơn 200 km lên 400-500 km. Cuối cùng, người ta cho biết tầm bắn của PL-21 đã đạt tới con số đáng sợ là 1.000 km. Trong tương lai, nếu kết hợp với J-36 có bán kính chiến đấu 3.200 km, một máy bay sẽ có thể kiểm soát trên không một nửa Tây Thái Bình Dương.
Bài viết kết luận: Ít người tin Ấn Độ có thể làm chủ được công nghệ mà Mỹ đã chưa làm chủ được trong hơn 20 năm qua. Mỹ bắt đầu phát triển AIM-120D vào năm 2003. Nếu tính từ thời điểm đó, họ đã nghiên cứu phát triển nó trong suốt 22 năm.
Tất nhiên, ngay cả khi Ấn Độ có thể xử lý được thì họ có thể làm gì? Phiên bản PL-15E là sản phẩm từ năm 2015, tức là cách đây đúng 10 năm. Nếu Ấn Độ mất thêm 10 năm nữa để hoàn thành thì đến lúc đó cũng chỉ có thể sử dụng cho mục đích nghiên cứu.