Thủ tướng Ấn Độ ra cảnh báo sắc lạnh với Pakistan sau khi đạt lệnh ngừng bắn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỹ được cho là đã ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân giữa hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân.

Ấn Độ và Pakistan đã giáng và gánh chịu những đòn nặng nề trong cuộc xung đột gần đây. Ảnh: AFP.
Ấn Độ và Pakistan đã giáng và gánh chịu những đòn nặng nề trong cuộc xung đột gần đây. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 12/5 tuyên bố nước này sẽ đáp trả “mạnh mẽ” nếu xảy ra thêm bất kỳ vụ tấn công khủng bố nào, đồng thời cảnh báo rằng New Delhi sẽ không dung thứ bất kỳ hành vi “tống tiền hạt nhân” nào từ phía Pakistan trong trường hợp xung đột tái diễn.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh một thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố làm trung gian dàn xếp vào cuối tuần qua dường như đang được duy trì, sau bốn ngày giao tranh khốc liệt bằng máy bay chiến đấu, tên lửa, pháo và máy bay không người lái – đợt bạo lực nghiêm trọng nhất giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân kể từ năm 1999.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 12/5, Tổng thống Trump cho biết sự can thiệp của Mỹ đã giúp ngăn chặn “một cuộc chiến hạt nhân tồi tệ”.

“Chúng tôi đã ngăn một cuộc xung đột hạt nhân... Hàng triệu người có thể đã thiệt mạng. Vì thế tôi rất tự hào”, ông nói trước các phóng viên.

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình – lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng bùng phát hôm thứ Tư tuần trước – Thủ tướng Modi cáo buộc Pakistan chọn cách “tấn công” thay vì hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Nếu một cuộc tấn công khủng bố khác xảy ra nhằm vào Ấn Độ, chúng tôi sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ”, ông tuyên bố.

Căng thẳng lần này bắt nguồn từ vụ tấn công hôm 22/4 nhằm vào một nhóm du khách ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 dân thường thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho vụ việc, song Islamabad phủ nhận mọi liên quan.

Leo thang nguy hiểm

Cuộc leo thang bắt đầu từ rạng sáng thứ Tư tuần trước, khi Ấn Độ tiến hành loạt tấn công tên lửa nhằm vào cái mà họ gọi là “trại khủng bố” nằm ở vùng Kashmir do Pakistan quản lý.

Sau đó, cả hai bên liên tục cáo buộc nhau tiến hành các đợt không kích, tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa và pháo binh. Ít nhất 60 người được xác nhận thiệt mạng ở cả hai phía trong các vụ tấn công qua lại.

“Nếu Pakistan muốn tồn tại, họ phải phá hủy hạ tầng khủng bố của mình”, ông Modi khẳng định hôm đầu tuần này.

“Ấn Độ sẽ tấn công một cách chính xác và dứt khoát vào các nhóm khủng bố đang hoạt động dưới cái bóng của ‘tống tiền hạt nhân’. Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: Khủng bố và đàm phán không thể song hành…Khủng bố và thương mại không thể song hành…Nước và máu không thể cùng chảy”.

Bài phát biểu của ông Modi được đưa ra trong bối cảnh quân đội Ấn Độ thông báo về “đêm yên bình đầu tiên trong những ngày qua” tại khu vực Kashmir tranh chấp và dọc theo biên giới phía tây giáp Pakistan.

Căng thẳng lần này được xem là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc xung đột công khai gần đây nhất giữa hai nước vào năm 1999, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ chiến tranh toàn diện có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi ông Trump bất ngờ công bố thông tin về thỏa thuận ngừng bắn trên mạng xã hội hôm thứ Bảy, hai bên vẫn tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận này.

Hai bên cùng tuyên bố giành ưu thế

Các tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Ấn Độ và Pakistan đều tổ chức họp báo vào tối 11/5, mỗi bên đều tuyên bố mình đang chiếm ưu thế và sẵn sàng đáp trả nếu đối phương tiếp tục tấn công.

“Chúng tôi đã thực hiện lời hứa với người dân”, phát ngôn viên quân đội Pakistan, Trung tướng Ahmed Sharif Chaudhry tuyên bố và gọi đây là một “chiến thắng trên chiến trường”.

Trong khi đó, Trung tướng Ấn Độ Rajiv Ghai cho biết: “Chúng tôi đã thể hiện sự kiềm chế rất lớn, và các hành động của chúng tôi luôn có mục tiêu, được cân nhắc kỹ và không mang tính leo thang”.

Pakistan cũng tuyên bố đã bắn rơi 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ, điều mà New Delhi chưa đưa ra bình luận.

Tại thị trấn Poonch thuộc khu vực do Ấn Độ kiểm soát – một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất – người dân bắt đầu quay trở lại vào hôm đầu tuần. Trong khi đó, hàng nghìn trường học vẫn đóng cửa ở phần Kashmir do Pakistan kiểm soát, chính quyền địa phương cho biết họ đang thu dọn các khu vực bị tàn phá bởi tên lửa và pháo kích.

Ấn Độ cũng thông báo đã mở cửa trở lại 32 sân bay trong hôm đầu tuần, sau khi tạm thời đóng cửa trong những ngày giao tranh.

Nút thắt Kashmir và nguy cơ bùng nổ

Căng thẳng tại Kashmir vẫn chưa hạ nhiệt kể từ năm 2019, khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông Modi thu hồi quyền tự trị hạn chế của khu vực này và đặt nó dưới quyền kiểm soát trực tiếp của New Delhi.

Khu vực Kashmir với đa số dân theo Hồi giáo hiện bị chia cắt và được cả Ấn Độ lẫn Pakistan tuyên bố chủ quyền toàn bộ. Hai nước đã từng nhiều lần bước vào chiến tranh vì khu vực này kể từ khi tách khỏi Anh năm 1947.

Vào ngày thứ Hai, các tướng lĩnh cấp cao của hai bên đã có cuộc trao đổi nhằm đảm bảo duy trì lệnh ngừng bắn.

Chuyên gia Abdul Basit tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore) nhận định, cuộc trao đổi này có thể tập trung vào “các điều khoản kỹ thuật của lệnh ngừng bắn” thay vì là quyết sách lớn về chính sách đối ngoại.

“Mục tiêu là tránh mọi tính toán sai lầm – bởi chỉ một tia lửa lúc này cũng có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân”, ông nói với AFP.