Mới ở tuổi 28 nhưng sức khỏe của Wang đã không tốt. Anh luôn cảm thấy mỏi và khô mắt, giấc ngủ chập chờn và anh cho hay đã giảm mất hơn chục cân kể từ khi bắt đầu làm công việc phát triển phần mềm cách đây 4 năm. "Giờ đây chỉ cần leo 4 tầng là đã đủ khiến tôi thở dốc rồi" - Wang nói.
Wang đổ lỗi cho cái mà ở Trung Quốc người ta thường gọi là "996" - lịch làm việc cực nhọc kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần hiện đang rất phổ biến trong những công ty công nghệ và khởi nghiệp của Trung Quốc.
Lịch làm việc có phần khắc nghiệt đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt trên các mạng xã hội ở nước này, trong đó nhiều ông trùm công nghệ lên tiếng khuyến khích nhân viên làm việc nhiều giờ liền. Jack Ma - người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc - từng hứng chịu không ít chỉ trích hồi đầu năm nay sau khi ông lên tiếng ủng hộ làm kiểu làm việc cực nhọc này, gọi đó là "niềm hạnh phúc".
Những nhân viên bình thường như Wang thì không đồng tình với Jack Ma, và đương nhiên anh không phải người duy nhất. Rất nhiều nhân viên làm việc trong ngành công nghệ như Wang phàn nàn về kiểu làm việc "tự sát" trên Github - một diễn đàn trực tuyến khá nổi tiếng trong giới công nghệ nhờ chia sẻ mã nguồn. Họ chia sẻ rất nhiều những meme hài hước để chống lại "996".
Một trong số những meme nhận được nhiều sự quan tâm gần đây là bức ảnh một nữ diễn viên Nhật được chỉnh sửa để mang tấm biển bên trên có dòng chữ: "Cuộc sống của các nhà phát triển rất quan trọng". Trong một tấm meme khác, một cặp đôi đang nâng ly rượu, với dòng chú thích: "Hãy đến và ăn mừng vì được ở cùng một phòng lần đầu tiên trong suốt 2 năm qua". Dự án chống "996" của Github hiện nhận được 250.000 lượt like.
Nhiều nhân viên làm việc trong ngành công nghệ cùng giới chuyên gia đều cho rằng làm việc quá tải dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần.
Tỷ phú Jack Ma từng hứng chỉ trích vì nói làm việc nhiều giờ là "niềm hạnh phúc" (Ảnh: CNN)
|
Thời gian là thứ xa xỉ
Làm việc nhiều giờ và căng thẳng đã trở thành điều thường gặp ở các nước có nền công nghiệp sản xuất phát triển trong suốt nhiều thập kỷ qua. Giờ đây, văn hóa làm việc "tự sát" đã lan tới các văn phòng ở Trung Quốc.
Một bản thăm dò được Kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc phối hợp với Tổng cục Thống kê quốc gia công bố năm 2018 chỉ ra rằng, trung bình người dân Trung Quốc chỉ có 2,27 giờ nghỉ ngơi mỗi ngày - ít hơn một nửa so với người dân ở Đức, Mỹ và Anh. Một bản nghiên cứu khác được Chính phủ nước này công bố năm 2018 cho thấy, một nửa trong số 403 nhân viên công nghệ mà họ khảo sát có dấu hiệu suy nhược. Những người còn lại có vấn đề về mắt, trí nhớ suy giảm, các vấn đề về cột sống và cổ.
Zhu, một lập trình viên 25 tuổi sống ở Thượng Hải, nói rằng phần lớn nhân viên làm việc trong công ty anh giờ mắc "hội chứng lưng phẳng" - một chứng rối loạn khiến cột sống mất đi độ cong tự nhiên. Chứng rối loạn này gây ra do ngồi sai tư thế. "Trong đợt kiểm tra sức khỏe thường niên mới đây, một số bác sĩ đã bỏ qua phần kiểm tra cột sống để kiểm tra luôn hội chứng lưng phẳng" - Zhu nói, thêm rằng những nhân viên như anh "gần như không thể" duy trì tư thế ngồi chuẩn khi phải làm việc trong khoảng thời gian quá dài.
Nghiêm trọng hơn cả các vấn đề sức khỏe, anh Wang nói rằng tâm lý của anh cũng bị ảnh hưởng. "Căng thẳng trong công việc khiến tôi suy sụp hơn, đến nỗi phải tìm đến cơ sở y tế để điều trị" - Wang nói. Nhân viên phát triển phần mềm này còn kể, bác sĩ của anh khuyên anh nên kiểm soát tốt hơn căng thẳng trong công việc và ngủ nhiều hơn, nhưng anh thừa nhận rất khó để làm vậy.
"Vợ tôi và tôi đôi lúc phải giảm bớt thời gian ngủ nghỉ để cùng làm những thứ mà chúng tôi thích" - Wang nói - "Tôi có thời gian ngủ nhiều hơn vào cuối tuần, nhưng phải đặt giờ để có thêm thời gian xem phim, đi nghe nhạc cùng vợ".
Twenty Wu, một nhân viên phát triển phần mềm 23 tuổi làm việc cho một website thương mại điện tử của Trung Quốc, nói rằng anh phải đối mặt với khó khăn tương tự - vừa muốn vui chơi cùng bạn bè sau giờ làm việc căng thẳng, lại vừa muốn ngủ đủ giấc. "Tôi thường về nhà vào lúc 23h đêm vào những ngày đi làm và nhảy luôn lên giường mà không có thời gian hay sức lực để học tập hay giải trí nữa" - Wu nói.
Đương nhiên, làm việc quá sức là thứ văn hóa không chỉ có ở Trung Quốc.
Các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có tồn tại thứ văn hóa làm việc nhiều giờ. Cụm từ "Karoshi" và "Gwarosa" - lần lượt theo tiếng Nhật và Hàn Quốc - có nghĩa là chết do làm việc quá độ.
Ở Mỹ cũng có kiểu làm việc tương tự như "996" ở Trung Quốc, được gọi là văn hóa "hối hả", khá phổ biến ở Thung lũng Sillicon. Elon Musk - tỷ phú Mỹ sáng lập ra hãng chế tạo xe hơi chạy điện Tesla, từng có lần nói rằng ông làm việc từ 80 - 90 tiếng một tuần, thêm rằng: "Không có ai từng thay đổi được thế giới chỉ với 40 giờ làm việc một tuần".
Một trong số những bức ảnh tuyên truyền chống lại văn hóa làm việc "996" ở Trugn Quốc (Ảnh: CNN)
|
Những vòng lặp công việc nhàm chán
Theo ông Xiang Yuanzhi - Chủ biên của tạp chí Internet Economy - một trong những lý do khiến thế hệ nhân viên ngành công nghệ ngày nay cảm thấy họ đang bị đối xử không công bằng chính là sự khác biệt giữa kỳ vọng của họ và thực tế cuộc sống.
Rất nhiều nhân viên đỗ đạt cao, được hưởng môi trường giáo dục tốt nhưng chỉ nhận được công việc và mức lượng khá khiêm tốn, điều này khác xa với tưởng tượng của họ. Và không giống như các công việc chuyên môn có cường độ làm việc cao khác - như bác sỹ hay nhà khoa học - các lập trình viên không nhận được địa vị xã hội hay sự tôn trọng tương tự, yếu tố càng khiến họ không thỏa mãn - ông Xiang lý giải.
"Công việc của họ phần lớn là lặp đi lặp lại và nhàm chán, phải tập trung vào từng chi tiết nhỏ của các đoạn mã" - ông Xiang nói - "Cực kỳ khó để giúp họ cảm thấy thỏa mãn trong công việc. Nói thực thì các lập trình viên cũng không khác gì các công nhân lắp ráp. Các lập trình viên trẻ ở Trung Quốc lớn lên trong bối cảnh cuộc sống được cải thiện hơn, bởi vậy họ cũng muốn có sự tự do nhiều hơn, có tham vọng hơn".
Trầm cảm
Trong số 40 nhân viên ngành công nghệ ở Trung Quốc được hãng CNN khảo sát, chỉ có ít người nói rằng họ nhận được sự hỗ trợ từ các trung tâm hỗ trợ nhân viên - trong khi có rất ít công ty công nghệ Trung Quốc thành lập trung tâm kiểu này.
Enoch Li - người vận hành một trung tâm tư vấn sức khỏe tâm lý phục vụ cho các công ty ở Trung Quốc, nói rằng theo kinh nghiệm của bà, các doanh nghiệp công nghệ thường ít quan tâm tới vấn đề tâm lý của nhân viên của họ. "Đôi lúc, chỉ đơn giản là họ không có đủ nguồn ngân sách giải quyết vấn đề này" - bà Li nói.
Ngay cả đối với những công ty có chương trình hỗ trợ nhân viên, thì các đường dây nóng này cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ đơn giản là lắng nghe, ngoài ra không còn gì hơn.
Bà Li cho rằng các công ty ở Trung Quốc thường đặt nặng sự "kiên trì" hay "phục hồi cảm xúc" của nhân viên mà không thể khuyên họ lúc nào thì không nên kìm nén cảm xúc nữa. Vấn đề về tâm lý này khiến nhiều nhân viên không còn khát khao thể hiện cảm xúc của họ hay tìm kiếm sự giúp đỡ nữa.
Wang cũng là một trong số những nhân viên mắc phải tình trạng tương tự. Anh đã từng làm việc cho 5 công ty công nghệ khác nhau ở Trung Quốc nhưng không có công ty nào thành lập trung tâm hỗ trợ nhân viên. Mới đây anh phát hiện mình bị mắc một chứng bệnh do nghiện xem YouTube và đọc các form trực tuyến.