Trung tướng, Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng (76 tuổi), TS Khoa học quân sự, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, là một trong những gương mặt hiếm hoi lập hai “cú đúp” danh hiệu ở độ tuổi đôi mươi: Dũng sĩ diệt Mỹ khi vừa tròn 18 và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ở tuổi 26.

Năm 1966, chàng thanh niên trẻ 17 tuổi Đoàn Sinh Hưởng, quê ở Móng Cái, Quảng Ninh, lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Sư đoàn 308 – Đại đoàn quân Tiên phong. Chiến dịch đầu tiên của cuộc đời lính là Đường 9 – Khe Sanh (1967 ‑ 1968, ở Quảng Trị), trận địa được ví như “Điện Biên Phủ thứ hai” vì mức độ khốc liệt.
Cứ thế ông trải qua các chiến trường ác liệt chiến dịch Quảng Trị và Đường 9 - Nam Lào, rồi được cử đi học Trường sĩ quan Lục quân 1. Kết thúc khóa học, ông được điều về làm Đại đội trưởng xe tăng thuộc Binh chủng Tăng Thiết giáp, rồi vào chiến trường Tây Nguyên.

- Thưa Trung tướng, nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ đầy gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, điều gì là ký ức sâu sắc nhất còn đọng lại trong tâm trí ông?
- Điều đọng lại sâu sắc nhất trong ký ức của tôi về một thời thanh niên ấy chính là sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Thời đó, không được đi bộ đội, không được tham gia thanh niên xung phong, người trẻ cảm thấy như mình bị thiệt thòi, không bằng bạn bè trang lứa. Cả một quá trình hoạt động trong quân ngũ là một con đường dài.
Tôi nhập ngũ từ năm 17 tuổi, trải qua những chiến trường ác liệt như Khe Sanh (Quảng Trị) năm 1967, 1968. Lúc đó, trong tâm trí tôi không hề nghĩ đến chuyện học hành, chỉ có một khát khao cháy bỏng là được ra chiến trường, được cống hiến cho Tổ quốc. Chưa vướng bận tình cảm hay tình yêu, những năm tháng ấy, tôi sống và chiến đấu một cách vô tư, trọn vẹn.
Kỷ niệm đẹp nhất của tuổi trẻ chúng tôi là được đi và được cống hiến. Khi trở thành người cao tuổi, nhìn lại hành trình đó, tôi thấy cả một quá trình dài là sự kết tinh của ý chí, nghị lực và tinh thần yêu nước. Cái chết đáng sợ, nhưng lúc đó, chúng tôi không nghĩ nhiều đến điều đó. Ngày ấy, chúng tôi chỉ biết chiến đấu vì Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ.
Trong tâm trí tôi chỉ có những trận đánh, đặc biệt là trận chiến cuối cùng trong chiến dịch Tây Nguyên, một trận chiến vô cùng ác liệt. Chiếc xe tăng 980 mà tôi từng chỉ huy giờ đây đã trở thành tượng đài chiến thắng, minh chứng cho sự khốc liệt của thời khắc lịch sử ấy. Bấy giờ, tình hình rất cam go, chúng tôi cứ lao lên phía trước, có những đồng đội mở cửa để xe tăng xông vào đã bị địch bắn ngã xuống, người sau lại tiếp tục xông lên. Trận chiến là hiện thân của ý chí và nghị lực phi thường.

Giờ đây, khi đã trải qua những thăng trầm và có gia đình, ngồi nghĩ lại tôi mới thấy chiến trường khốc liệt đến nhường nào. Tôi tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng này là kết quả của cả một giai đoạn lịch sử lớn lao, của cả một dân tộc Việt Nam anh hùng.
- Điều gì đã thôi thúc một chàng thanh niên 17 tuổi lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thưa Trung tướng?
Thời điểm ấy, phong trào chống Mỹ cứu nước ở khắp nơi vô cùng mạnh mẽ. Các làng xã đều háo hức tuyển quân, thôn tôi tranh nhau đi, ai cũng muốn được cống hiến. Lúc ấy tôi mới học xong lớp 7 (tương đương cấp 2 bây giờ). Vừa kết thúc năm học là tôi xung phong nhập ngũ ngay.
Giáo dục thanh niên lúc đó cũng rất tốt. Chúng tôi hiểu vì sao miền Nam cần giải phóng, vì sao phải thống nhất đất nước. Bố tôi chỉ dặn: “Nhà còn mấy sào ruộng, cố hoàn thành nhiệm vụ rồi về mà làm”, thế là lên đường.
Thú thật, lúc đó tôi còn thiếu tiêu chuẩn: cao chừng 1,4 m, nặng có 48 kg. Nhưng tinh thần xung phong của lớp trẻ bấy giờ mạnh mẽ lắm và một bác sĩ quân y nhìn ra tình yêu đất nước của tôi quá to lớn nên đã “nhắm mắt” cho nhập ngũ. Cả trung đoàn chúng tôi hành quân từ Móng Cái với gần 1.000 người cùng một khát vọng “đi để cống hiến”.

- Lời dặn dò của người cha đã có ảnh hưởng sâu sắc đến ông trong suốt sự nghiệp quân ngũ. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều đó?
- Quê tôi ở thôn 4, xã Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh. Bố tôi là nông dân chính gốc, suốt đời bám mấy sào ruộng. Trước ngày tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ, bố tôi chỉ bảo vỏn vẹn hai câu: “Đã vào bộ đội thì phải chiến đấu cho tốt rồi về” và “ở nhà còn mấy sào ruộng, mấy con trâu, xong việc nước thì về mà cày cấy.”
Câu nói ấy theo tôi suốt chiến trường. Đêm đầu đánh trận Mỹ ở Quảng Trị cực kỳ ác liệt, có đồng đội hoảng quá bỏ ngũ quay về. Tôi cũng sợ chứ, nhưng cứ nhớ lời bố dặn và nghĩ mình đi thay mặt gia đình, thay mặt làng quê, phải trụ vững để còn ngày trở lại.
Những năm sau đó, mỗi lá thư nhà gửi ra đều chất phác: “Cố đánh cho tốt mà về, ruộng vẫn chờ con”. Thư đi mất bảy, tám tháng mới tới, anh em chúng tôi chuyền tay nhau đọc, ai cũng rưng rưng. Chính cái mộc mạc, nghèo khó ấy giữ tôi đứng vững giữa bom đạn “đánh giỏi để xứng với lời dặn của bố, rồi còn về cày lại thửa ruộng quê hương”.

- Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi còn rất trẻ. Cảm xúc của ông lúc đó như thế nào và danh hiệu ấy có ý nghĩa gì đối với ông?
- Đợt đầu giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975, tôi được tuyên dương ngay cùng 59 đơn vị và 6 cá nhân, trong đó có tôi. Thành thật mà nói, tôi chiến đấu không nghĩ đến danh hiệu hay phần thưởng.
Ban đầu, tôi không nghĩ mình sẽ được tuyên dương anh hùng. Khi được chỉ đạo làm thành tích để khen thưởng thêm, tôi vẫn không nghĩ đến vinh dự này. Đến khi họ tìm tòi kỹ lưỡng, hầu hết các đơn vị trong Quân đoàn 3 đều giới thiệu tên tôi. Điều đó khiến tôi rất bất ngờ.

Hôm ấy, tôi vừa đi chơi bóng về thì nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh tên mình. Lúc đầu, tôi không nghĩ đó là tên tôi, đài không đọc lại lần thứ hai. Sau đó, anh em điện về báo tin, rồi Quân đoàn xác nhận tôi được tuyên dương. Cảm giác lúc ấy vừa bất ngờ, vừa tự hào. Tôi nghĩ đó là phần thưởng cao quý dành cho mình, nhưng cũng là sự tôn vinh của tập thể.
Danh hiệu ấy không phải lý do tôi tham gia quân đội, nhưng nó trở thành động lực lớn để tôi tiếp tục cống hiến.
Sau này ngẫm lại, tôi nhận ra chiến công không chỉ là nỗ lực cá nhân, mà còn là sự đoàn kết, hỗ trợ từ đồng đội. Những năm tháng chiến đấu là hành trình sống mãi với tinh thần yêu nước, nghị lực và ý chí kiên cường.
Nhìn lại những thành tích đạt được trong cuộc đời mình, tôi luôn xác định rất rõ muốn chiến thắng được kẻ thù, hy sinh là điều chắc chắn. Và với tôi, mọi chiến tích, mọi thành công mình có được cho đến ngày hôm nay đều nhờ có những người đồng đội luôn kề vai, sát cánh.

- Trong chiến dịch Tây Nguyên, trận đánh nào mà ông nhớ nhất và điều gì đã giúp Đại đội 9 của ông lập nên những chiến công vang dội?
- Trong chiến dịch Tây Nguyên, trận đánh mà tôi nhớ nhất có lẽ là trận đánh thọc sâu vào sự Bộ 23 ở thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là mục tiêu then chốt số một của chiến dịch. Nếu chưa chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột thì coi chưa hoàn thành được nhiệm vụ.

Đại đội 9 chúng tôi gồm 10 chiếc xe tăng và được tăng cường thêm 8 xe thiết giáp (K63) do tôi chỉ huy và phối hợp cùng với một tiểu đoàn bộ binh thọc sâu vào Sư đoàn 23 Bộ binh của Ngụy. Đây là mũi thọc sâu hỗn hợp của chiến dịch gồm: xe tăng, xe thiết giáp và bộ binh, là cách đánh táo bạo của chiến dịch.
Chúng tôi đánh từ phía tây thọc thẳng vào Sư đoàn 23 Bộ binh của Ngụy, đánh từ trong đánh ra. Đây là cách đánh “nở hoa trong lòng địch”, là một lối đánh táo bạo, bất ngờ và làm rối loạn, mất phương hướng chỉ huy của địch. Tạo điều kiện cho các mũi tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột nhanh chóng.
Điều then chốt giúp Đại đội 9 của tôi lập nên chiến công trong trận đánh này, theo tôi, có mấy yếu tố chính:
Thứ nhất, tinh thần chiến đấu quả cảm và quyết tâm cao độ của cán bộ, chiến sĩ. Tất cả anh em đều hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ, không ai nao núng trước khó khăn, nguy hiểm. Chúng tôi đồng lòng, quyết tâm phải chiếm được mục tiêu bằng mọi giá.
Thứ hai, sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh. Chúng tôi đã có sự hiệp đồng chặt chẽ trong từng bước tiến công, yểm trợ lẫn nhau, phát huy tối đa sức mạnh của từng binh chủng. Xe tăng chúng tôi vừa yểm trợ hỏa lực, vừa mở đường cho bộ binh xung phong.
Thứ ba, sự chỉ huy kiên quyết và linh hoạt của người chỉ huy. Trong quá trình chiến đấu, tình huống thay đổi rất nhanh chóng. Tôi và các cán bộ chỉ huy đã phải luôn giữ vững tinh thần, bình tĩnh đánh giá tình hình và đưa ra những quyết định kịp thời, chính xác. Chúng tôi phải tận dụng mọi cơ hội, khai thác những sơ hở của địch để giành lợi thế.

Thứ tư, yếu tố bất ngờ. Chúng tôi đã tiếp cận mục tiêu một cách nhanh chóng và bất ngờ, khiến địch không kịp trở tay. Sự táo bạo và dứt khoát trong hành động đã làm suy yếu tinh thần chiến đấu của chúng.
Công tác chuẩn bị kỹ kỹ thuật để cho xe tăng chiến đấu và công tác chuẩn bị chiến trường kỹ lưỡng.
Mũi thọc sâu của chúng tôi đã đánh, chiếm sư đoàn Bộ 23 nguỵ và chiến xe tăng 980 của tôi cùng với bộ binh phát triển đánh ngã 6, thị xã Buôn Ma Thuật. Đó là một chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, mở ra cục diện mới cho toàn chiến dịch Tây Nguyên. Nhớ lại những ngày tháng đó, tôi vẫn cảm thấy niềm tự hào về những người đồng đội quả cảm của mình.

Tiếp đó, ngày 17/3, Đại đội 9 của tôi phối hợp với Sư đoàn 320 đánh chiếm thị xã Cheo Reo - Phú Bổn. Sau trận này, theo yêu cầu nhiệm vụ, xe tăng T54B của đại đội tôi được giao cho một đơn vị khác, Đại đội 9 có nhiệm vụ đi tìm và thu xe tăng của địch để cùng với bộ binh đánh đuổi địch trên đường số 7 qua Phú Túc, Cùng Sơn và xuống giải phóng Tuy Hòa (Phú Yên). Tại Phú Yên, xe của tôi đã tiêu diệt trận địa pháo 4 khẩu 105 li trên đồi Nhạn Thác. Đại đội 9 cùng Sư đoàn 320 đã chiếm được thị xã Tuy Hòa, đó là ngày 1/4/1975. Riêng trận đó, xe tăng của tôi đã bắn cháy 2 tàu chiến của địch ở cửa biển Tuy Hòa.
- Trận đánh cầu Bông (TP.HCM) trở thành trận đánh huyền thoại khi ông cùng đồng đội sử dụng 4 xe tăng đánh bại 24 xe tăng địch. Ông đã chỉ huy trận đánh then chốt này như thế nào?
- Trận đánh ở cầu Bông là trận đánh đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của tôi. Trận cầu Bông diễn ra sáng ngày 29/4/1975, khi chúng tôi nhận nhiệm vụ từ Quân đoàn giao xuống. Đoàn xe của tôi ban đầu có 15 chiếc xe tăng, nhưng do hỏng hóc dọc đường và thiếu phụ tùng thay thế, chúng tôi buộc phải bỏ lại một số xe, chỉ còn 4 chiếc khi vào đến khu vực cầu Bông.
Khi chúng tôi tiến đến cầu Bông, một cửa ngõ quan trọng ở phía Tây Bắc Sài Gòn, bất ngờ phát hiện một đoàn xe tăng địch gồm 24 chiếc và 2 ô tô vận tải đang dàn đội hình tiến về phía ta. Tình thế lúc đó vô cùng nguy hiểm, lực lượng của ta quá mỏng so với đối phương. Lúc này, tôi hơi chột dạ bởi nhìn lực lượng của mình chỉ có 4 chiếc xe tăng. Trong tình huống cấp bách đó, tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ quan trọng mà Quân đoàn đã giao “Đại đội 9 phải giữ bằng được cầu Bông”. Lúc ấy, tôi bấm máy gọi bộ đàm thông báo với Chính trị viên đại đội (ông Huỳnh Văn Dịch).
Sau đó, tôi đã nhanh chóng hạ lệnh cho đội hình xe lùi lại, ém quân sang hai bên đường. Đây là một quyết định then chốt đầu tiên. Tôi nhận định rằng, nếu đối đầu trực diện, với số lượng ít hơn hẳn, chúng ta sẽ gặp bất lợi lớn. Tìm những địa hình có lợi, ém quân hai bên đường sẽ tạo thế bất ngờ và có thể chia cắt đội hình địch.
Khi tôi quan sát đội hình xe tăng của địch đã vượt qua cầu Bồng, chiếc đi đầu cách tôi chừng 500m. Tôi khai hỏa trước, chiếc đi đầu bốc cháy, quay ngang không đi được nữa. Sau đó, tôi hạ lệnh cho đồng chí Chính trị viên bắn xe chốt hậu nhưng đạn không trúng, tôi lập tức bắn cái thứ hai, khóa nốt chiếc cuối cùng. Như vậy, đầu bị chặn, đuôi bị khoá, địch bắt buộc phải dàn kéo đội hình ra hai bên để bắn nhau với ta. Lúc bấy giờ, tôi chỉ huy từng xe một bắn mục tiêu. Lợi thế bất ngờ trong tay, tôi lần lượt điều từng kíp xe men theo địa hình có lợi, vừa áp sát vừa diệt mục tiêu, liên tục khoét sâu đội hình đối phương, tiêu diệt quân địch.
Đây là đòn đánh hiểm nhằm gây rối loạn đội hình địch, khiến chúng mất phương hướng và tinh thần chiến đấu. Quả nhiên, khi hai chiếc xe đầu và cuối bốc cháy, đội hình địch trở nên hoảng loạn, dạt xuống cánh đồng và bắn trả một cách điên cuồng.
Lúc này, với số lượng xe ít hơn nhưng tinh thần chiến đấu của anh em rất cao, lại có lợi thế về địa hình phục kích, tôi bình tĩnh chỉ huy từng xe bắn tỉa vào đội hình địch. Chúng tôi tập trung hỏa lực vào những vị trí xung yếu, hạ gục từng chiếc một.
Khi có tới khoảng 12 chiếc xe địch bị bắn cháy, quân địch hoàn toàn mất khả năng chiến đấu. Chúng bắt đầu hoảng loạn, bỏ xe đầu hàng hoặc tìm cách tháo chạy và bị ta tiêu diệt. Chỉ trong hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi đã giữ vững được cầu Bông, khiến đội hình địch bỏ chạy tán loạn.

Sau trận đánh, Đại đội 9 của tôi đã củng cố đội hình và tiếp tục tiến vượt qua Hooc Môn đánh vào trại Quang Trung của địch và sau đó đánh vào ngã tư Bẩy Hiền và Lăng Cha Cả, sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Chiến thắng ở cầu Bông, với việc 4 xe tăng đánh bại 24 xe tăng địch, có được là nhờ sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần chiến đấu ngoan cường của toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9. Quyết định ém quân phục kích và tập trung hỏa lực tiêu diệt những mục tiêu then chốt đã mang lại chiến thắng bất ngờ, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch Hồ Chí Minh.

- Ông có biệt danh "con sóc Tây Nguyên", vì sao đồng đội lại đặt cho ông biệt danh này? Có phải vì ông nhanh như sóc trong đánh trận?
- (Mỉm cười) À, "con sóc Tây Nguyên"...cái tên này gắn bó với tôi từ những ngày chiến đấu ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió và hiểm nguy. Tôi nghĩ rằng, đồng đội đã ưu ái dành cho tôi biệt danh này dựa trên cả những phẩm chất cá nhân và cách tôi chỉ huy đơn vị trong chiến đấu.
Tôi nhớ có nhiều lần, giữa làn mưa bom bão đạn, tình hình thay đổi liên tục. Để bảo vệ đồng đội và hoàn thành nhiệm vụ, tôi phải di chuyển nhanh chóng, thoăn thoắt từ vị trí này sang vị trí khác, tìm kiếm những sơ hở của địch, hoặc kịp thời đưa ra những mệnh lệnh thay đổi hướng tấn công, cách phòng thủ. Có lẽ, cái sự nhanh nhẹn, luồn lách như một chú sóc trong rừng đã khiến đồng đội đặt cho tôi biệt danh đó. Anh em trong đơn vị gọi tôi là "con sóc Tây Nguyên" không chỉ vì tốc độ mà còn bởi sự xuất hiện bất ngờ, đúng lúc ở những nơi khó khăn nhất. Ngoài ra, họ cũng gọi tôi là "trưởng bản" bởi tôi thường mang theo dao quắm, vào bản để làm công tác dân vận, gắn bó mật thiết với đồng bào địa phương.
Thời điểm ấy, tôi khá đặc biệt, làn da đen, đầu trọc, tính cách nhanh nhẹn, giống như con thoi không ngừng nghỉ. Những trận chiến khó khăn nhất thường được giao cho tôi, và tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, vì biết rằng mọi thành công không chỉ là của cá nhân mà còn là sự hy sinh, hỗ trợ của đồng đội.
- Trong quá trình chỉ huy, có kỷ niệm nào về sự gắn bó, tin tưởng giữa ông và đồng đội khiến ông xúc động nhất?
- (Giọng trầm xuống, ánh mắt thoáng buồn) tôi có rất nhiều kỷ niệm xúc động với đồng đội, nhưng hai trận chiến dưới đây luôn in sâu trong tâm trí tôi.
Thứ nhất là trận đánh vào Sài Gòn. Trên đường tiến vào Sài Gòn, tôi bất ngờ phát hiện một khẩu DKZ của địch đang xoay nòng chĩa thẳng vào xe tăng ta. Khi đó, pháo thủ đang ngắm bắn mục tiêu bên sườn phải. Tôi lập tức bấm nút điện, ngắt mạch điện của pháo thủ, xoay pháo về phía khẩu súng DKZ và bóp cò. Phát đạn trúng đích, khẩu súng của địch bị bắn tung. Bấy giờ, pháo thủ giật mình thấy ngắt mạch điện, súng nổ mới biết là tôi bắn và cứ nghĩ là súng cướp cò.
Kỷ niệm thứ hai chính là quả đạn cuối cùng trong trận cầu Bông. Đó là lúc xe tăng của tôi và xe địch đối đầu trực tiếp, cả hai đang quay pháo nhắm vào nhau. Còi điện của xe tôi lúc ấy bị hỏng, buộc tôi phải quay pháo bằng tay. Khi hô bắn, viên đạn của xe tôi đã trúng xe địch, khiến nó bốc cháy. Còn viên đạn của địch chỉ bắn trúng khẩu 12 ly 7 trên nóc xe.
Sự phối hợp giữa tôi và các đồng đội luôn chặt chẽ, đồng lòng, giúp chúng tôi vượt qua mọi nguy hiểm, hoàn thành nhiệm vụ. Những giây phút sinh tử ấy thực sự làm nổi bật sự gắn bó, tin tưởng giữa tôi và đồng đội và trở thành hành trang tinh thần theo tôi suốt cuộc đời.

- Từ một Đại đội trưởng xe tăng trở thành Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, theo ông, yếu tố nào đã giúp ông vượt qua thử thách, hoàn thành nhiệm vụ được giao?
- Để đi từ một Đại đội trưởng xe tăng đến cương vị Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và nhiều yếu tố khác nhau.
Trước tiên phải nói đến kinh nghiệm chiến đấu, đó là sự đúc kết từ thực tiễn, từ những năm tháng điều khiển xe tăng tại chiến trường Tây Nguyên và miền Nam. Chính những trải nghiệm ấy đã rèn luyện tôi, giúp tôi hiểu cách vận hành, chiến đấu hiệu quả với xe tăng trong những tình huống quyết liệt nhất.
Sau này, khi sang Liên Xô học tập, tôi được trang bị thêm nhiều kiến thức về chiến tranh và quân sự, đồng thời quan sát cách quân đội Liên Xô vận hành xe tăng trong chiến đấu. Điều đó khiến tôi suy nghĩ sâu sắc về việc làm thế nào để đưa những kinh nghiệm đã học vào thực tiễn, để xây dựng và phát triển lực lượng tăng thiết giáp của Việt Nam.
Tôi luôn trăn trở về việc làm sao để xe tăng không chỉ là phương tiện chiến đấu mà còn là lực lượng đột kích mạnh mẽ, có thể tác chiến trong mọi địa hình từ đồi núi đến đồng bằng. Đối với xe tăng, sức cơ động cao (đi được trên các địa hình cho phép), hỏa lực phải mạnh (khả năng bắn nhanh và chính xác).
Một điều khiến tôi luôn suy nghĩ là làm sao Việt Nam sản xuất được xe tăng, thay vì phải đi mua. Tôi nghĩ rằng, muốn có sức chiến đấu lâu dài thì cần phải có xe tăng, phải có công nghệ tự chủ để phát triển lực lượng tăng thiết giáp.

Khi tôi đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, đó là thời kỳ phát triển cực mạnh của binh chủng. Tôi đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ, không chỉ về chuyên môn mà còn về thực tế chiến đấu. Một người cán bộ xe tăng thiết giáp phải vừa giỏi kỹ thuật, vừa nhạy bén tư duy chiến thuật.
Ngoài ra, tôi luôn ưu tiên nâng cao khả năng độc lập chiến đấu của xe tăng bao gồm việc đào tạo kíp xe, khả năng phối hợp chiến thuật giữa các đơn vị và khai thác tối đa khả năng chiến đấu của xe tăng, phối hợp với bộ binh và cũng như độc lập tác chiến.
Tôi rất coi trọng thực tế. Những gì đã rèn luyện từ chiến trường là yếu tố tất yếu giúp tôi tạo nền tảng vững chắc cho lực lượng tăng thiết giáp. Chúng tôi không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, và đó cũng là trách nhiệm lớn mà tôi tự đặt ra trong suốt thời gian công tác.
- Ông có thể chia sẻ về những trăn trở và nỗ lực của mình trong việc xây dựng Binh chủng Tăng thiết giáp ngày càng hiện đại và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?
- Điều khiến tôi trăn trở đầu tiên là vấn đề thao trường, bãi tập. Điều kiện luyện tập cho lực lượng Tăng thiết giáp vẫn còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng cơ động của đội hình xe tăng luôn là mối lo. Trong chiến tranh, khi toàn bộ hệ thống tín hiệu bị theo dõi, bí mật di chuyển hàng chục đến hàng trăm xe tăng qua các địa hình đồi núi, đồng bằng thực sự là một thách thức lớn.

Trăn trở thứ hai là về nhiệm vụ và vai trò của xe tăng. Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để tăng cường phối hợp chặt chẽ với bộ binh trong mọi tình huống chiến đấu. Vai trò của xe tăng đòi hỏi phải có huấn luyện kỹ càng, rèn luyện liên tục, không thể chỉ phụ thuộc vào lý thuyết.
Về kỹ thuật và chất lượng, chúng ta chưa có một nhà máy thực sự đủ năng lực sản xuất xe tăng. Hiện tại, chúng ta chỉ có các nhà máy sửa chữa và cải tiến. Để chế tạo được xe tăng, cần có nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, kết hợp tổng hợp nhiều ngành nghề, từ cơ khí đến tự động hóa.
Những nỗ lực của tôi khi làm Tư lệnh Binh chủng luôn tập trung vào việc giải quyết những trăn trở này, từ đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu, thực tiễn tốt, đến nâng cao khả năng tác chiến trong mọi địa hình. Tôi tin rằng, sự phát triển mạnh mẽ và hiện đại hóa của Tăng thiết giáp phải dựa trên tinh thần tự lực tự cường, sự đoàn kết và sáng tạo của tập thể.

- Khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 4, một địa bàn có bề dày lịch sử, đâu là những ưu tiên hàng đầu mà ông đặt ra?
- Thách thức lớn nhất đối với tôi khi đảm nhận nhiệm vụ là nắm bắt tình hình thực tế của Quân khu 4. Đây là một địa bàn có nhiều đặc thù về phong tục, tập quán khác biệt so với miền Bắc, đòi hỏi tôi phải đào sâu nghiên cứu và kiên trì tiếp cận các địa phương.
Tôi luôn nghĩ rằng ở bất cứ đâu, bản thân mình phải tự giải quyết được 70% công việc, chỉ 30% còn lại mới cần sự hỗ trợ. Điều này đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại trong việc nắm tình hình, kết nối với từng địa phương để hiểu rõ đặc điểm và yêu cầu cụ thể.
Một ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu các trận đánh nổi bật của Quân khu 4, bao gồm bộ đội địa phương và lực lượng du kích. Từ đó, tôi mới có thể xây dựng được thế trận phòng thủ toàn diện cho khu vực này. Ngoài ra, tôi đặc biệt chú trọng việc củng cố hệ thống chính trị từ xã đến tỉnh, đảm bảo chính quyền vững mạnh và lực lượng vũ trang phối hợp hiệu quả.

Trong suốt gần 10 năm công tác tại Quân khu 4, tôi nhận ra rằng mọi nỗ lực phải hướng đến việc xây dựng một thế trận mạnh mẽ, bền vững, không chỉ về quân sự mà còn về tinh thần đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân.
Quân khu 4 là một trong những địa bàn có bề dày lịch sử và tinh thần đấu tranh bất khuất, nên việc đóng góp vào sự phát triển và ổn định nơi đây là một niềm tự hào lớn đối với tôi.
- Trong thời gian làm Tư lệnh Quân khu 4, theo Trung tướng đâu là dấu ấn nổi bật?
- Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 đã xây dựng được các cụm bản, làng xã chiến đấu rất hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp củng cố thế trận quốc phòng và tăng cường quan hệ hợp tác biên giới với nước bạn Lào.
Mối quan hệ giữa Quân khu 4 và nước bạn Lào rất gắn bó, thân thiết. Chúng tôi thường xuyên sang thăm, trao đổi công tác, phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh khu vực biên giới. Trong thời gian 5 năm giữ cương vị Tư lệnh Quân khu 4, tôi vinh dự được phía Lào trao tặng 2 huân chương, thể hiện sự ghi nhận và tình cảm quý báu của họ đối với những nỗ lực chung.
Tôi luôn coi mối quan hệ với Lào như một phần máu thịt. Khi tôi về hưu, nhiều người bên nước bạn vẫn tiếc nuối, hỏi sao tôi không ở lại công tác thêm. Còn trong thời gian công tác, tôi đã dành hết tâm sức để đảm bảo tình hình biên giới luôn ổn định, cũng như phát huy tối đa sự hợp tác giữa Quân khu 4 và các địa phương nước bạn Lào.
Quân khu 4 và Lào luôn là một phần đặc biệt trong cuộc đời tôi, nơi mà tôi đã dành trọn tâm huyết và xây dựng mối quan hệ gắn kết không thể tách rời.

- Ông có thông điệp gì muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ, đặc biệt là những người đang và sẽ tiếp bước trên con đường bảo vệ Tổ quốc?
- Thế hệ trẻ ngày nay cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Điều tôi trăn trở là không ít thanh niên có xu hướng không chú trọng đến lịch sử. Chính sự thiếu hiểu biết này có thể khiến họ bị cuốn vào những giá trị khác, tiếp cận những điều mới mẻ nhưng lại thiếu nền tảng cốt lõi mà lịch sử mang lại.
Tôn trọng lịch sử là điều quan trọng đầu tiên. Từ đó, mỗi người trẻ cần phấn đấu, học tập và rèn luyện không ngừng, đặt ra mục tiêu rõ ràng để định hình con đường của mình. Tôi luôn nhấn mạnh về việc phát triển đảng viên trẻ, đặc biệt là tại các trường đại học, cao đẳng và thanh niên nông thôn. Ở đâu có thanh niên, ở đó cần có những đảng viên trẻ làm nền móng, dẫn dắt phong trào, tạo sự lan tỏa tích cực.
Đồng thời, tôi mong các bạn trẻ tận dụng mọi điều kiện để chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức và tu dưỡng bản thân, hướng tới việc đứng vào hàng ngũ Đảng. Đây không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là sứ mệnh của mỗi người trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh.
Đối với những bạn đã và đang lựa chọn con đường binh nghiệp, hãy luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Hãy không ngừng rèn đức, luyện tài, trở thành những người lính vừa hồng vừa chuyên, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
- Cuộc sống sau nghỉ hưu của Trung tướng như thế nào?
- Sau khi về hưu, tôi làm vườn cây cảnh ở xã Nghi Ân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Với tôi, nghỉ hưu không phải là nghỉ ngơi hoàn toàn, mà là trở về với một cuộc sống giản dị, gần gũi hơn. Tôi dành nhiều thời gian làm vườn, chăm sóc cây cảnh, đó là thú vui riêng, không phải để làm giàu mà để thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật cây cảnh. Thỉnh thoảng, tôi có giao lưu và bán vài cây cảnh, chỉ để tìm niềm vui nhỏ từ sự kết nối ấy.

Ngoài ra, tôi còn là Chủ tịch Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20,” nơi chúng tôi tri ân đồng đội, góp phần đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ cho đất nước. Dù chỉ là một nhánh nhỏ, tôi cùng CLB đã hỗ trợ những người có công, giúp đỡ người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa và trường học cho các khu vực vùng sâu, vùng cao.
Hoạt động của CLB rất ý nghĩa. Khi vận động tài trợ, tôi luôn đảm bảo mỗi đồng tiền được đóng góp đều được sử dụng đúng mục đích, mang lại giá trị cho cộng đồng. Dù tự tay đi làm hay đồng đội thay mặt, tất cả đều vì tinh thần tri ân và tình nghĩa.
Về cá nhân, tôi vẫn giữ những giá trị tình nghĩa với đồng đội, luôn hoàn thành nhiệm vụ của một người đảng viên. Gia đình tôi cũng là nguồn động lực lớn, với hai con, một người theo nghề của tôi.
- Xin cảm ơn ông!

Nỗi day dứt khôn nguôi của nữ lái xe Trường Sơn về các cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Vị tướng “thép đã tôi thế đấy” Nguyễn Huy Hiệu
