Cách nào thu hút 100 nhân tài về nước theo chỉ đạo của Tổng Bí thư?

CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI

Cách nào thu hút 100 nhân tài về nước theo chỉ đạo của Tổng Bí thư?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Chỉ đạo “nóng” của Tổng Bí thư Tô Lâm về thu hút 100 chuyên gia không chỉ là quyết tâm chính trị, mà là một cuộc phẫu thuật thể chế toàn diện...”, GS Augustine Hà Tôn Vinh chia sẻ với VietTimes, từ Mỹ.

LTS: Ngày 6/7/2025, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo chỉ đạo “nóng” của Tổng Bí thư Tô Lâm: giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng hai tháng phải trình cơ chế đãi ngộ “vượt khung” để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt” cho đội ngũ “tổng công trình sư”, “kiến trúc sư trưởng”, những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn, vật liệu mới.

Làm thế nào để các chỉ đạo của Tổng Bí thư thành thực hiện, nhằm phát triển đất nước? Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI.

Khơi mở diễn đàn, Tạp chí điện tử VietTimes trao đổi với GS Augustine Hà Tôn Vinh, chuyên gia về Tài chính ngân hàng và cải cách thể chế, giảng dạy lâu năm tại Mỹ, từng tư vấn cho Singapore, Hàn Quốc, Israel và nhiều địa phương Việt Nam.

“Còn với cộng đồng kiều bào, tôi muốn nói đất mẹ đang nỗ lực thay đổi, hãy cho nhau một cơ hội. Nhưng cơ hội chỉ thành sự thật khi thể chế chuyển động, minh bạch, chuyên nghiệ (1).png

- Thưa Giáo sư, chỉ đạo của Tổng Bí thư yêu cầu “đãi ngộ đặc biệt” và hoàn thành trong tháng 8/2025. Ở góc độ cải cách thể chế, ông nhìn nhận tính khả thi của mục tiêu này ra sao?

- Tôi coi đây là một “tuyên ngôn chính sách” hơn là một mệnh lệnh hành chính đơn thuần. Về logic, ba yếu tố quyết định tính khả thi: (1) cam kết chính trị, (2) nguồn lực tài chính, (3) hành lang pháp lý. Thứ nhất, cam kết đã rõ, lời Tổng Bí thư đồng nghĩa với “đèn xanh” thể chế. Thứ hai, nguồn lực không lớn nếu so với chi ngân sách thường xuyên: 100 chuyên gia, giả sử trả lương cứng 200.000 USD/năm, tổng 20 triệu USD, chưa bằng vốn đầu tư ba cây cầu huyện. Thứ ba, pháp lý là “nút thắt” vì Luật Ngân sách, Luật Cán bộ công chức, hệ số lương… quy định trần cứng. Muốn vượt khung, phải dựa vào các điều khoản “thí điểm” được Quốc hội cho phép hoặc kích hoạt cơ chế “đặc thù” quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ. Nói cách khác, mục tiêu khả thi về kinh tế và chính trị, chỉ khó ở chỗ có dám phá bỏ quán tính hành chính cũ.

Điều đáng mừng là lần này Tổng bí thư giao hẳn Bộ Nội vụ, “nhạc trưởng” tổ chức bộ máy, thay vì Bộ KH&CN. Khi “người gác cổng biên chế” tự mở cổng, những “ngăn kéo pháp lý” vốn bị viện dẫn để từ chối người tài sẽ khó còn chỗ bấu víu.

- “Vượt khung lương, nhà ở, môi trường làm việc” nghe có vẻ đơn giản, nhưng trên thực tế vướng nhiều thủ tục. Việt Nam cần điều chỉnh những quy định nào để vừa hợp pháp, vừa minh bạch, thưa Giáo sư?

- Tôi đề xuất ba đường gỡ khóa:

Một là, Quỹ Nhân tài Quốc gia do Chính phủ lập, hạch toán ngoài ngân sách thường xuyên, có Hội đồng Quản trị gồm đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, học giới (mô phỏng Singapore’s NRF) (National Research Foundation: Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore). Quỹ ký hợp đồng khoán sản phẩm khoa học hoặc chuyển giao công nghệ với chuyên gia, trả lương trọn gói; tránh rơi vào “bảng lương Hệ số 2,34”.

Hai là Cơ chế “lương thứ hai”: cho phép đơn vị tiếp nhận chi trả thêm từ nguồn dịch vụ, tài trợ, quỹ phát triển khoa học. Lương ngạch công chức chỉ còn là “lương nền” duy trì tư cách công vụ; thu nhập thực nhận được hạch toán minh bạch như Singapore khuyến khích cơ quan NUS, NTU.

Ba là hợp đồng chuyên gia đặc biệt: theo Bộ luật Lao động, đây không phải công chức nên miễn trừ quy định trần biên chế. Nhà nước giữ vai trò “khách hàng chiến lược”, cam kết đặt hàng đề tài, dự án đổi mới sáng tạo.

Cả ba mô hình đều cần nghị quyết mang tính “thí điểm đặc biệt” của Chính phủ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. Minh bạch nằm ở chỗ công khai hợp đồng, sản phẩm đầu ra, và đánh giá hằng năm bởi hội đồng độc lập.

- GS vừa nhắc Quỹ Nhân tài. Xin ông phác thảo cụ thể mô hình đó: cấu trúc, quyền hạn, rủi ro?

- Về Cấu trúc: Quỹ trực thuộc Thủ tướng, có Hội đồng 11 thành viên (4 bộ, 3 doanh nghiệp công nghệ, 2 viện/trường, 2 kiều bào danh dự). Ban Điều hành gọn: CEO, CFO, Giám đốc Chương trình. Về Quyền hạn: (1) xét duyệt danh sách chuyên gia; (2) thương thảo gói đãi ngộ; (3) giám sát kết quả; (4) đồng quản trị tài sản trí tuệ tạo ra. Về nguồn vốn: Ngân sách mồi 50 triệu USD/năm; còn lại huy động ODA, viện trợ, doanh nghiệp đóng góp đổi quyền tiếp cận R&D.

Tuy nhiên mô hình này cũng có những rủi ro: Lợi ích nhóm, “sân sau” cấp ngân sách, chọn người theo quan hệ. Vì vậy cần có những giải pháp để ngăn chặn thực trạng này như: Hội đồng độc lập 2/3 là thành viên xã hội, doanh nghiệp; công khai hồ sơ; báo cáo kiểm toán quốc tế.

Mô hình này “lai” giữa NRF (Singapore) và A*STAR (Agency for Science, Technology and Research), nhưng khoanh nhỏ, tập trung vào “Talent Grants”, không ôm đồm tài trợ đề tài.

- Từ kinh nghiệm Israel, Hàn Quốc, Singapore, bài học cốt lõi khi thu hút và giữ chân kiều bào trí thức là gì?

- Theo tôi có Ba chữ: thực, tự, thông.

Thực: Lời hứa phải thành hiện vật, lương ­net, lab có thiết bị “plug & play”, thủ tục hải quan cho máy móc dưới 48 giờ. Kiều bào về nước từng thất vọng khi phải “mua lại” thiết bị qua trung gian.

Tự: Trả lại quyền tự chủ nghề nghiệp, budget nghiên cứu tự phê duyệt trong hạn mức, tuyển trợ lý hậu-tiến sĩ không xin công chức. Theo Israel xây dựng Technion, Weizmann theo mô hình “khu tự trị học thuật”.

Thông: Kênh thông tin minh bạch, từ cơ sở dữ liệu khoa học đến cơ chế thưởng phạt. Chuyên gia biết rõ lộ trình thăng cấp học hàm, quyền sở hữu cổ phần spin-off.

Khi ba “T” này hiện hữu, tiền không còn là yếu tố quyết định duy nhất. Singapore trả lương giáo sư gốc Hoa tương đương Mỹ, nhưng cái họ giữ chân là “mạng lưới” (network) và “danh tiếng thể chế” (institutional prestige). Việt Nam cần xây thương hiệu học thuật: “ở đây tôi được tôn trọng ngang MIT”.

- Để kịp hạn tháng 8/2025, Bộ Nội vụ và Bộ KH&CN phải làm gì ngay? Quy trình chọn người ra sao, theo GS?

-Thời gian gấp, tôi đề xuất kế hoạch ba giai đoạn:

-14 ngày đầu: Lập danh sách ngắn (shortlist): Dùng dữ liệu Scopus, Web of Science, liên hệ hội trí thức Việt toàn cầu (VietTech, VEF Alumni) khoanh 300 ứng viên thuộc lĩnh vực AI, bán dẫn, biotech, vật liệu mới. Gửi thư mời chính thức “Letter of National Invitation” kèm đường link nộp hồ sơ.

-14 ngày tiếp- Thẩm định & deal lương: Hội đồng 15 người, trong đó ít nhất 5 chuyên gia độc lập quốc tế, phỏng vấn trực tuyến, chấm thang 100 điểm (thành tựu 40, phù hợp nhu cầu 30, cam kết 20, tham chiếu đạo đức 10). Đàm phán gói đãi ngộ “menu” (lương, lab, housing, school for kids, equity in spinoff). Đưa vào MOU ràng buộc song phương.

- Phần còn lại- Phê duyệt thể chế: Bộ Nội vụ soạn thảo Nghị định “cơ chế đặc thù”; Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH, ký ban hành trong tháng 8 song song với việc các ứng viên hoàn tất visa.

Mấu chốt: quy trình song song, không tuần tự. Làm song song mới kịp.

- Rào cản hành chính là nỗi ám ảnh. GS có thể gợi ý cải cách môi trường làm việc thế nào để chuyên gia không “chán nản bỏ đi”?

- Tôi đề xuất “Cụm đổi mới tự chủ” (Autonomous Innovation Cluster), mô hình “trong nhà nước, nhưng ngoài hành chính”.

Pháp nhân: Viện công lập 100% vốn nhà nước nhưng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Hội đồng viện gồm đa số thành viên tư nhân.

Quản trị: Giám đốc tuyển dụng, bổ nhiệm và kỷ luật nhân sự nội bộ, không qua Sở Nội vụ. Ngân sách thường xuyên chỉ chi cho hạ tầng; đề tài và tiền lương lấy từ Quỹ Nhân tài, hợp đồng dịch vụ R&D, quỹ venture.

Đánh giá: KPI ba năm/lần, xoay quanh số bằng sáng chế, sản phẩm thương mại hóa, doanh nghiệp spin-off, và chỉ số “hài lòng chuyên gia”. Nếu KPI dưới 60%, giải tán.

Mô hình này cắt “vòng kim cô” giấy tờ nhưng vẫn giữ kỷ luật tài khóa qua kiểm toán độc lập. Chuyên gia được giao ngân sách, nhân sự, thiết bị; Nhà nước kiểm soát bằng đầu ra.

- Chỉ đạo của Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức Việt toàn cầu. Vai trò thực sự của nó là gì, và nên thiết kế ra sao, thưa GS?

- Cơ sở dữ liệu (CSDL) không chỉ để “cất tủ”. Nó là công cụ thị trường lao động trí thức. Ba lớp chức năng:

Thông tin động: Bên ngoài thấy giáo sư A đang ở Stanford, lĩnh vực AI, mong muốn hợp tác. Bên trong Chính phủ có thể nhắn “chúng tôi có đề tài super-computer, anh quan tâm không?”

Phân tích khoảng trống (gap analysis): Dashboard cho thấy Việt Nam thiếu 27 chuyên gia blockchain cấp cao, thừa 40 tiến sĩ kinh tế; từ đó tái định hướng học bổng.

Kích hoạt mạng lưới (network effects): Kết nối chuyên gia ở Đức với nhóm start-up Đà Nẵng, cho phép làm mentor online.

Thiết kế: API mở, chuẩn ORCID, tương tác LinkedIn. Bộ GD-ĐT quản lý cổng, nhưng quyền cập nhật thuộc cá nhân (self-service), tránh lỗi dữ liệu. Bảo mật qua xác thực hai lớp nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp tìm kiếm “nặc danh” (anonymized).

- Thưa GS, thông điệp cuối cùng GS muốn gửi đến nhà hoạch định chính sách Việt Nam khi triển khai chỉ đạo này là gì?

- Niềm tin là vốn liếng lớn nhất. Người tài về không phải chỉ vì tiền; họ cần tin rằng: (1) Cam kết chính trị không đổi thay theo nhiệm kỳ; (2) Thất bại R&D được xem là bài học, không là “tội” ngân sách; (3) Thành công được tưởng thưởng xứng đáng, kể cả quyền giàu có hợp pháp.

Hãy nhớ, 100 chuyên gia chỉ là đòn bẩy tâm lý. Nếu Việt Nam làm tốt, 1.000 người khác sẽ tự nguyện nối gót. Nếu làm dở, 100 người ấy cũng sẽ quay về phòng lab ở Boston trong ba năm. Vì vậy, mỗi văn bản dưới bút phê hôm nay phải soi vào 10 năm tới: “Liệu điều khoản này có khiến người tài bực bội bỏ đi?” Nếu câu trả lời là “có thể”, hãy sửa ngay.

Còn với cộng đồng kiều bào, tôi muốn nói: “Đất mẹ đang nỗ lực thay đổi, hãy cho nhau một cơ hội.” Nhưng cơ hội chỉ thành sự thật khi thể chế chuyển động, minh bạch, chuyên nghiệp, và dám đặt cược vào trí tuệ.

- Xin cảm ơn Giáo sư!