Vị tướng “thép đã tôi thế đấy” Nguyễn Huy Hiệu

Vị tướng “thép đã tôi thế đấy” Nguyễn Huy Hiệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với các thế hệ sĩ quan, Tướng Nguyễn Huy Hiệu là tấm gương thời chiến, biểu tượng của người trí thức quân đội. Với tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, ông thể hiện phong cách làm việc vừa sâu về lý luận vừa gần với thực tiễn.

Dulce Et Decorum Est Poetry Analysis Presentation in Green Realistic Style (2).png

Trong câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói rằng, cũng như nhiều thanh niên thế hệ ông khi ấy, được khoác ba lô ra chiến trường là vinh dự, lòng tự hào và khát khao cống hiến cho Tổ quốc thân yêu. Ông kể:

“Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky là cuốn sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi – những năm tháng tuổi trẻ sống giữa lý tưởng và gian nan. Câu nói bất hủ của Pavel Korchagin: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…” không chỉ là một lời nhắc nhở, mà là con đường đi cho cả một thế hệ thanh niên dám sống, dám chiến đấu và dám hy sinh vì điều mình tin là đúng.

Mười bảy tuổi, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ – mang theo khát vọng của “Thép đã tôi thế đấy”. Đến năm mười tám, bố tiễn tôi lên đường. Đó là buổi sáng lặng lẽ mà thiêng liêng đến nao lòng – buổi chia tay mà suốt đời tôi không thể nào quên. Những lời cha nói hôm ấy như được khắc vào tim bằng lửa.

Bố bảo: “Con phải giữ lấy danh dự của dòng họ, phải sống sao cho xứng đáng với cội nguồn. Nhớ rằng sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó – con gieo điều lành thì sẽ gặt điều lành. Đời người có khúc có đoạn, sinh có hạn mà tử thì bất kỳ. Con hãy vững tâm mà đi, mà sống, mà chiến đấu cho trọn đạo làm người, đạo làm lính”. Rồi bố tôi đọc lại lời nói của Pavel Korchagin.

Lần đầu tiên, tôi thấy bố khóc. Nhưng đó không phải là giọt nước mắt của yếu mềm, mà là nước mắt của một nghi lễ thầm lặng – nghi lễ tiễn đưa thiêng liêng giữa hai thế hệ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi hiểu rằng mình không chỉ mang theo ba lô và khẩu súng, mà còn mang theo một lời thề sống chết vì lý tưởng. Tôi mang theo hồn cốt của gia đình, dòng tộc và “Thép đã tôi thế đấy” – tất cả gói ghém trong niềm tin sắt đá.

- Chiến tranh diễn ra ác liệt như vậy, xin Thượng tướng chia sẻ thêm về cuộc sống của mình cũng như đồng đội tuổi 20 vào những ngày đó?

- Thời đó, tôi mới có 23 tuổi. Chúng tôi chỉ nặng 40 cân thôi, thân hình gầy gò, ốm yếu nhưng lại rất khỏe vì chúng tôi đã được trải qua rèn luyện, thử thách. Chúng tôi phải ăn lá rau rừng, như lá lốt, lá diếp cá, lá tàu bay, lá sắn và củ sắn… Thêm vào đó, chúng tôi đánh và lấy được thực phẩm của quân địch.

Đồ ăn chủ yếu là lương khô với gạo rang. Có lúc, cả đơn vị chỉ còn 6 bánh lương khô, chủ yếu để dành cho thương binh. Chúng tôi chỉ ăn cháo với rau rừng thôi. Hi sinh trong chiến trận rất nhiều, mất vì sốt rét cũng rất nhiều. Mỗi lần có một người hi sinh là cả trung đội tập hợp đưa về nơi an nghỉ trong nước mắt và đau đớn.

Lúc đó, cũng chỉ có thể chôn đồng đội bằng tấm vải dù. Chúng tôi nhặt hoa rừng, có cả hoa phong lan, đặt lên mộ mỗi người một nhánh nhằm tưởng nhớ đồng đội rồi lấy những thùng đạn đục tên tuổi để cắm lên đầu mộ. Có những khi, chúng tôi vừa chôn xong thì lại bị máy bay địch đánh bom, mộ phần anh em bị tung lên, lại phải chôn lại.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt đó, không có lời nào nào có thể lột tả hết nỗi niềm của người lính nhưng cái đó lại biến thành lòng căm thù, biến thành hành động để tiếp tục chiến đấu.

- Trong cuộc đời binh nghiệp của mình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - “Pavel Korchagin” đã từng tham gia rất nhiều trận chiến. Thượng tướng có thể nói ngắn gọn về chúng không?

- Trong suốt sự nghiệp quân ngũ, tôi đã tham gia 67 trận đánh, được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 26 tuổi và trở thành Thiếu tướng khi mới 40. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi vinh dự góp mặt ở bốn chiến dịch lớn: Mậu Thân 1968, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

Một kỷ niệm sâu sắc là Tết Mậu Thân 1968. Khi ấy tôi là Trung đội trưởng, cùng đồng đội làm báo tường để động viên tinh thần chiến sĩ. Tôi sáng tác bài thơ “Tết xa quê mẹ” có những câu thế này: “Tết này con bận việc quân/ Đường xuân quê mẹ vắng chân con về/ Bước đường trăm núi ngàn khe/ Vẫn nghe quấn quýt sơn quê bên mình/ Ngụy trang gió cuốn rung rinh,”Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương”. Bài thơ được anh em thuộc lòng và ngâm vang giữa núi rừng.

Trận đánh đáng nhớ nhất là đêm 4 rạng sáng 5/4/1970 tại Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị). Khi đó tôi là Đại đội trưởng, chỉ huy lực lượng luồn sâu đánh cụm bộ binh cơ giới Mỹ. Sau 15 phút, chúng tôi tiêu diệt 8 xe tăng; 30 phút sau hạ thêm 8 chiếc nữa, làm chủ chiến trường, góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng” của Mỹ. Sau trận đó, tôi được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 - đơn vị chủ công của Trung đoàn 27.

Trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tiểu đoàn tôi phục kích, đánh tan đoàn xe tiếp tế, phá vỡ tuyến hậu cần của địch. Trận mở màn Chiến dịch Quảng Trị 1972, chúng tôi đánh chia cắt, luồn sâu sau phòng tuyến địch, mở toang cửa ngõ phía Bắc - Tây Nam Quảng Trị, góp phần giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Đơn vị tôi sau đó được tuyên dương là “Trung đoàn Triệu Hải anh hùng”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Quân đoàn 1. Trên đường hành quân, chúng tôi nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” – mệnh lệnh ấy như tiếp thêm lửa. Đêm 29/4/1975, khi đến Búng (gần Lái Thiêu), chúng tôi tiếp cận một cơ sở cách mạng.

Má Sáu Ngẫu – người phụ nữ lớn tuổi – đã cung cấp bản đồ và chỉ đường tấn công vào Sài Gòn. Sáng 30/4, nhờ những thông tin ấy, chúng tôi kêu gọi hơn 2.000 lính địch đầu hàng, đánh chiếm nhiều căn cứ trọng yếu và tiến vào trung tâm Sài Gòn đúng 10h30.

Bản đồ của má ngày đó tôi gìn giữ cẩn thận suốt nhiều năm và sau này trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Thành Nho cũng đã sáng tác ca khúc “Tấm bản đồ má trao” từ chính câu chuyện này- một ký ức tôi luôn khắc ghi.

Tôi (Lê Thọ Bình, tác giả bài viết này) đã từng vinh hạnh được theo chân Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trong một đợt “Trở lại chiến trường xưa”. Đó là năm 1991, khi ấy tôi đang là phóng viên quốc tế của Báo Quân đội nhân dân. Trong hơn một tháng trời theo chân Tướng Hiệu thăm lại những nơi mà ông đã từng đóng quân, từng tham gia chiến đấu. Ông thăm hỏi, tặng quà, cám ơn những người dân từng cưu mang, đùm bọc ông và các đồng đội trong suốt những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Gặp lại những đồng đội cùng ông trong những thời khắc ác liệt nhất của những trận đánh một mất một còn với kẻ thù mới càng thấy bản lĩnh của một người lính - người chỉ huy trận mạc- Nguyễn Huy Hiệu như thế nào.

Ông Trần Văn Trực - từng là Trung úy, Đại đội trưởng bộ binh, Trung đoàn 27 nói: “Trận cầu Đông Hà ác liệt lắm. Địch giăng hỏa lực như bão lửa, nhưng anh Hiệu thì luôn có mặt ở tuyến đầu. Có lúc tôi tưởng anh ấy hy sinh rồi, vì pháo nổ ngay bên vị trí chỉ huy. Nhưng lát sau anh xuất hiện, mặt mày lấm lem, hét lớn: “Anh em bám sát! Sống chết có nhau!”. Cả đại đội như bừng dậy, xông lên như vũ bão. Có chỉ huy như thế, lính mới dám sống mái.”

Ông Nguyễn Văn Hải (từng là trinh sát viên Trung đoàn 27) nhớ lại: “Tôi từng đi cùng anh Hiệu trong một trận luồn sâu đánh vào cứ điểm chỉ huy địch phía sau Đông Hà, Quảng Trị. Anh đi đầu đội hình trinh sát, từng bước vượt qua bãi mìn. Khi pháo địch dội xuống, anh nằm ép sát đất, rồi lại đứng dậy rất nhanh để xác định hướng tiến công. Anh ấy không bao giờ ra lệnh từ xa. Luôn có mặt nơi nguy hiểm nhất. Lính trinh sát chúng tôi gọi anh là ‘người không sợ chết’.”

Còn Thiếu tá Nguyễn Hữu Lập, nguyên Chính trị viên tiểu đoàn pháo binh yểm trợ của Trung đoàn 27 thì kể: “Hôm đó pháo binh chúng tôi đang bị không kích, không bắn được. Anh Hiệu điện về: “Không cần pháo nữa! Tôi cho bộ binh áp sát. Cứ thế tiến công!”. Tôi sững sờ. Bộ binh mà không có hỏa lực thì như cởi trần lao vào lửa. Nhưng khi nghe tin anh Hiệu đã cùng tổ xung kích vượt qua tuyến phòng ngự thứ nhất, chúng tôi hiểu – đó là đòn quyết đoán của một người chỉ huy tin vào thế trận và tin vào lính của mình.”

Thì ra, hình ảnh Pavel Korchagin không chỉ là mộng tưởng văn chương, mà đã hóa thân vào biết bao con người Việt Nam thời chiến tranh. Một trong những hiện thân sống động và kiêu hùng nhất chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu- người ra trận năm mười bảy tuổi, mang theo không chỉ súng đạn mà cả niềm tin thiêng liêng vào đất nước và vào chính nghĩa của dân tộc mình.

Không có bước chân nào ông đi mà không in dấu khát vọng chiến đấu. Không có chiến công nào ông lập mà thiếu đi bóng dáng của một tâm hồn trăn trở, kỷ luật và kiên cường – như thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh của lịch sử.”

- Trong câu chuyện vừa kể, Thượng tướng có nhắc đến “Tấm bản đồ của má Sáu”. Câu chuyện đó cụ thể như thế nào, thưa Thượng tướng?

- Theo quy định của mặt trận, chúng tôi bắt liên lạc với cơ sở, đợt đó anh Sáu Châu - Huyện đội đi cùng chị Hai Mỹ, qua khu nghĩa địa vào Búng thì trời tối sập. Ở đó có một đại đội bảo an dân vệ của địch, thỉnh thoảng chúng bắn súng đì đùng. Chúng tôi phát hiện một ngôi nhà trong khu Búng, có ánh đèn dầu le lói.

Tôi nhận định: Có thể đây là cơ sở cách mạng của ta, nên cho trinh sát bò vào gần sát ngôi nhà thì phát tín hiệu “Hồ Chí Minh” 3 lần, trong ngôi nhà có tiếng vọng ra “Muôn năm”, chúng tôi mừng khôn xiết, đúng là cơ sở cách mạng của mình, một bà má mở cửa bước ra, liền đưa chúng tôi vào nhà.

Trong nhà có cái bàn đơn sơ, trên để một chiếc đèn dầu hỏa. Má tên là Sáu Ngẫu, chồng má là Hai Nhương bị địch bắt năm Mậu Thân (1968) địch đày ra Côn Đảo rồi hy sinh tại đó. Má có hai con, con gái là Phước 16 tuổi, con trai là Đức 14 tuổi. Tôi nói với má: “Chúng con có nhiệm vụ ngày mai theo trục đường 13 vào Sài Gòn, nhờ má cung cấp thông tin, chúng con không biết đường đi từ đây vào Sài Gòn”.

Tôi đưa tấm bản đồ cho má xem, má cúi xuống nhìn bản đồ, nói: “Má không rành tấm bản đồ này”. Má vào buồng lấy ra tấm bản đồ khác của má, chữ của má rất đẹp (sau này tôi mới biết má từng là cô giáo dạy tiếng Pháp) đánh dấu ghi kí hiệu quan trọng trên bản đồ.

Má Sáu cho biết: “Từ đây, theo trục đường 13 vào Lái Thiêu có trường Huỳnh Văn Lương, đào tạo hạ sĩ quan địch do một đại tá chỉ huy khoảng 2.000 học viên. Chúng đang rất hoang mang, không nên đánh vào đây, để án binh bất động, nên gọi chúng đầu hàng để khỏi tốn đạn và hy sinh xương máu của quân ta. Cần đánh thẳng vào Lái Thiêu, địch bị vỡ trận ở Bến Cát, chúng đang dồn quân vào cố thủ Sài Gòn, có cả xe tăng, tiểu đoàn bảo an dân vệ”.

Khó nhất là ở cầu Vĩnh Bình, chúng để chướng ngại vật, rào dây kẽm gai, gài mìn xung quanh cầu, nếu không chiếm được cầu thì không thể có đường vào Sài Gòn, nên phải chiếm bằng được cầu. Má nói: “Bộ binh đi qua đường sắt, còn xe tăng không đi được, cứ đi theo trục đường 13 sẽ vào thẳng Sài Gòn”. Chúng tôi cảm ơn má, thực hiện đúng như lời má chỉ dẫn và hứa sẽ quay lại thăm má ngay sau khi quyết chiến và toàn thắng.

Câu chuyện Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga không chỉ là vinh dự của riêng ông, mà còn là minh chứng sống động cho bản lĩnh, trí tuệ và uy tín quốc tế của một vị tướng trưởng thành từ lửa đạn chiến trường Việt Nam.

8.jpg

Sau chiến tranh, vị tướng trẻ ấy không dừng lại ở chiến công. Ông tiếp tục bước vào một chiến trường khác – thầm lặng nhưng không kém phần khốc liệt: chiến trường tri thức. Nguyễn Huy Hiệu (cùng với 3 vị tướng khác) được cử sang học tại Học viện Quân sự Voroshilov- Liên Xô (nay là Học viện Bộ Tổng tham mưu Nga)- nơi chỉ đào tạo cấp cao cho tướng lĩnh quân đội các nước xã hội chủ nghĩa và đồng minh thân cận.

Tại đó, ông không chỉ học lý thuyết quân sự, mà còn dấn thân vào nghiên cứu chuyên sâu về khoa học chỉ huy, nghệ thuật chiến dịch và tư duy chiến lược hiện đại. Các giáo sư quân sự hàng đầu Nga nhận xét ông là học viên xuất sắc: khiêm tốn, độc lập trong tư duy và sắc sảo trong phản biện- một người lính biết học bằng cả trái tim và cái đầu.

Năm 2000, sau nhiều năm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu khoa học quân sự, ông được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga phong tặng danh hiệu Viện sĩ danh dự. Đây là một trong những danh hiệu cao quý.

Trong hồ sơ phong tặng có đoạn viết trang trọng: “Ghi nhận đóng góp của ông trong việc phát triển tư duy quân sự hiện đại, kết hợp giữa truyền thống chiến tranh nhân dân với khoa học chỉ huy kỹ thuật; đồng thời, vì sự hợp tác lâu dài và có chiều sâu giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực quốc phòng và học thuật.”

Tại lễ phong tặng trang nghiêm ở Matxcơva, một vị Giáo sư già - người từng là thầy của ông- đã xúc động đứng dậy phát biểu: “Học trò Nguyễn Huy Hiệu không chỉ mang đến trí tuệ Việt Nam, mà còn mang đến tinh thần của một dân tộc biết chiến đấu để tồn tại, và biết học để phát triển.”

- Cảm nhận của Thượng tướng như thế khi ông là vị tướng duy nhất của Việt Nam khi ấy được phong tặng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa ngọc LB Nga?

- Danh hiệu Viện sĩ là sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, nhưng điều tôi quý nhất vẫn là niềm tin của người lính, của nhân dân. Là tướng mà không nghĩ đến dân, đến thế hệ sau, thì đeo bao nhiêu huân chương cũng vô nghĩa.

Dulce Et Decorum Est Poetry Analysis Presentation in Green Realistic Style.jpg

Với Nguyễn Huy Hiệu, tầm vóc của một vị tướng không chỉ được đo bằng cấp bậc hay huân chương, mà bằng trí tuệ, sự tận tâm và một trái tim luôn hướng về đất nước. Ông là hiện thân của thế hệ những người lính đã đi qua chiến tranh, bước vào hòa bình không bằng ánh hào quang, mà bằng khát vọng đưa Việt Nam tiến lên – cả trong tư duy quân sự lẫn vị thế quốc tế.

Không chỉ là một vị tướng trưởng thành từ chiến trường ác liệt, Thượng tướng – Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu còn là một trong số ít người đặt nền móng cho tư duy quốc phòng hiện đại tại Việt Nam. Những đóng góp của ông không chỉ ở tầm chiến lược lý luận, mà còn được thể hiện bằng các đề xuất cụ thể, có giá trị thực tiễn cao, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa quân đội và xây dựng một nền quốc phòng toàn diện.

Ông từng nói: “Không thể có một quốc phòng mạnh nếu nền công nghiệp dân sự yếu.” Câu nói ấy không chỉ là một nhận định, mà là một quan điểm chiến lược – một tư duy gắn quốc phòng với thực lực quốc gia, nhấn mạnh rằng quốc phòng không thể tách rời khỏi nền tảng vật chất – kỹ thuật của toàn xã hội.

Trong lịch sử, Việt Nam từng chiến thắng nhờ vào tinh thần quyết tử và nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nhưng trong thời đại tác chiến công nghệ cao, nơi radar mạng lưới, vũ khí thông minh và các hệ thống kiểm soát – chỉ huy trở thành yếu tố quyết định, thì năng lực công nghiệp và công nghệ mới là nền tảng của sức mạnh quốc phòng.

5.jpg

Khác với tư duy truyền thống coi quốc phòng là một lĩnh vực biệt lập, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu đề xuất một quan điểm chiến lược hoàn toàn khác: quốc phòng là trục xoay của toàn bộ nền công nghiệp quốc gia.

Theo ông, công nghiệp quốc phòng không thể chỉ làm nhiệm vụ sản xuất vũ khí, mà cần trở thành động lực của đổi mới công nghệ, đồng thời là bộ phận hữu cơ trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đây không phải là sự “mở rộng nhiệm vụ”, mà là một cách nhìn mới, đặt quốc phòng vào trung tâm của hệ sinh thái phát triển quốc gia.

Ngay từ đầu những năm 2000, khi còn giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công nghiệp quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đề xuất mô hình “tổ hợp công nghiệp – quốc phòng tích hợp”, một ý tưởng vượt trước thời đại.

Thay vì chỉ tập trung vào sản xuất khí tài thuần túy, ông đề xuất: Gia công linh kiện vi mạch phục vụ cả dân sự và quân sự; Chế tạo drone, radar, thiết bị truyền dẫn có tính lưỡng dụng; Phát triển vật liệu mới, cơ khí chính xác, công nghệ tự động hóa; Kết hợp với các tập đoàn tư nhân, trường đại học kỹ thuật để hình thành chuỗi liên kết đa ngành

Ban đầu, mô hình này vấp phải nhiều hoài nghi. Nhưng đến giai đoạn 2018–2020, Bộ Quốc phòng chính thức đưa hướng đi này vào quy hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030. Sau đó, Nghị quyết số 08-NQ/TW ra đời, xác lập tư tưởng “gắn quốc phòng với kinh tế quốc dân” như một nguyên tắc phát triển bền vững.

Tư duy “lưỡng dụng” mà ông theo đuổi không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn là một chiến lược sinh tồn trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Trong thời đại mà các cường quốc cạnh tranh địa chính trị bằng công nghệ, việc phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí hay linh kiện chiến lược mang theo nhiều rủi ro – từ giá cả đến nguy cơ cấm vận.

Từ đó, ông đề xuất: Từng bước nội địa hóa chuỗi cung ứng quốc phòng; Tạo ra sản phẩm lưỡng dụng, vừa phục vụ quân đội, vừa có khả năng xuất khẩu trong thời bình; Kết nối quân đội – doanh nghiệp – học viện để hình thành một mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia có chiều sâu chiến lược

Đây là một tư tưởng cực kỳ cấp tiến, đặt nền móng cho quốc phòng tự chủ, gắn liền với phát triển bền vững, trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức địa chính trị ngày càng phức tạp.

Tư duy của Viện sĩ – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu không chỉ là sự tổng hợp giữa trải nghiệm chiến trường và nền tảng học thuật quốc tế, mà còn là một lời nhắc nhở chiến lược: “Quốc phòng không thể mạnh nếu đất nước không hiện đại hóa, và công nghiệp không thể bền vững nếu tách rời an ninh chiến lược.”

Đó là tầm nhìn của một người không chỉ từng cầm quân nơi tuyến đầu, mà còn biết nhìn xa hàng thập kỷ, để thiết kế tương lai cho một Việt Nam biết phòng thủ bằng trí tuệ, và phát triển bằng bản lĩnh công nghệ.

Rời Văn phòng làm việc của Tướng Hiệu nằm trên con phố Trấn Vũ sát cạnh hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Những ngọn gió mát rượi từ mặt hồ thổi lên. Trời Hà Nội rất đẹp, nắng nhẹ. Tôi cứ miên man nghĩ: Chiến tranh đã lùi xa. Thế hệ “thép đã tôi” cũng đã về với bình yên. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó- cháy bỏng hơn bao giờ hết: Thế hệ hôm nay sẽ sống ra sao? Sẽ sống có ích hay chỉ sống an nhàn? Sẽ dấn thân hay thỏa hiệp?

Không ai bắt thanh niên hôm nay phải cầm súng, ra chiến trường. Nhưng thế giới hôm nay có những “trận tuyến” khác: chống lại sự lười biếng, ích kỷ, vô cảm. Chống lại sự thực dụng và vô minh. Và hơn hết, là khẳng định mình bằng sự tử tế, kiên trì và trách nhiệm- sống như thép đã tôi, không hoen rỉ trước thử thách.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu- người đã sống một đời như thế - là lời nhắc nhở lặng lẽ mà mạnh mẽ rằng: Lý tưởng không bao giờ lỗi thời. Vấn đề là chúng ta có dám sống cho nó hay không.

dua-khoa-hoc-cong-nghe-viet-nam-len-tam-the-gioi-1-8282-8596.jpeg