|
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. Ảnh: Getty. |
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố nước này có ý định thu lợi từ quá trình tái thiết Ukraine sau xung đột.
Trong chuyến thăm cơ sở đường sắt Euroterminal Slawkow ở miền Nam Ba Lan hôm 26/5, ông Tusk đã đề xuất mở rộng khu vực này trở thành một trung tâm hậu cần then chốt để vận chuyển vật tư đến Ukraine.
“Không có gì sai khi nói rằng: chúng tôi muốn kiếm tiền lớn cho Ba Lan từ việc tái thiết Ukraine”, ông nói với các phóng viên. “Chúng tôi muốn giúp đỡ, nhưng chúng tôi cũng muốn kiếm tiền từ đó, và trung tâm hậu cần đặc biệt này là cần thiết cho mục tiêu đó”.
Ba Lan là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga leo thang năm 2022, với hơn 5,1 tỷ EUR (tương đương 5,7 tỷ USD) viện trợ – trong đó hơn 70% là hỗ trợ quân sự – theo Viện Kiel của Đức. Warsaw cũng là thành viên của cái gọi là “liên minh tự nguyện”, một nhóm các quốc gia châu Âu ủng hộ việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev.
Các quan chức Ba Lan đã nhiều lần kêu gọi châu Âu tăng cường quân sự hóa để đối phó với điều họ gọi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga – những cáo buộc mà Moscow nhiều lần bác bỏ là “vô lý” và “gieo rắc nỗi sợ”.
Euroterminal Slawkow, được thành lập năm 2010, nằm gần điểm giao nhau giữa các Hành lang Vận tải Liên Âu số III và VI. Hiện nay trung tâm này hỗ trợ các tuyến kết nối thường xuyên giữa Ba Lan, Litva, Đức, Italy và một số địa điểm tại Ukraine. Theo ông Tusk, với vị trí nằm tại ngã ba các tuyến đường sắt nối Tây Âu với Ukraine và châu Á, khu vực này có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển lớn.
Ông Tusk cũng phàn nàn rằng Ba Lan từng bị gạt ra ngoài lề trong các nỗ lực tái thiết Iraq sau chiến tranh, và tuyên bố nước này sẽ không để điều đó lặp lại.
“Chúng ta không thể để tình trạng như trước đây xảy ra nữa...khi mọi người cùng tham gia, kể cả Ba Lan, rồi các nước lớn hơn thu lợi từ việc tái thiết, còn Ba Lan thì bị bỏ lại ngoài rìa”, ông nói.
“Nếu chúng ta đang nói đến hàng chục, hàng trăm tỷ zloty mà thế giới, châu Âu, Ba Lan, Ukraine sẽ chi ra cho việc tái thiết, thì một phần trong đó chính là mở rộng trung tâm hậu cần này...để Ba Lan có thể kiếm tiền từ đó”, ông kết luận.
Ngân hàng Thế giới ước tính việc tái thiết Ukraine có thể tiêu tốn hơn 500 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Một số quốc gia EU, bao gồm cả Ba Lan, đã đề xuất sử dụng tài sản quốc gia của Nga đang bị đóng băng để tài trợ cho quá trình này.
Tuy nhiên, một số nước khác cảnh báo rằng việc làm này nếu không có cơ sở pháp lý rõ ràng có thể tạo tiền lệ nguy hiểm và làm nản lòng các nhà đầu tư toàn cầu vào châu Âu. Moscow đã lên án đề xuất này là hành vi “trộm cắp” và đe dọa sẽ trả đũa các khoản đầu tư phương Tây tại Nga.