Quân đội Ukraine thừa nhận tên lửa Nga “qua mặt” Patriot do Mỹ sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tên lửa Iskander sử dụng mồi nhử và cơ động để đánh lạc hướng phòng không, người phát ngôn Không quân Ukraine thừa nhận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Getty.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Getty.

Các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ thiết kế đang gặp khó khăn trong việc đối phó với công nghệ tên lửa tiên tiến của Nga, đặc biệt là tên lửa Iskander – người phát ngôn Không quân Ukraine, ông Igor Ignat, đã thừa nhận trong hôm đầu tuần này.

Kiev từ lâu đã ca ngợi MIM-104 Patriot như một phần thiết yếu trong kho vũ khí của mình kể từ khi hệ thống đầu tiên được triển khai vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, ông Ignat thừa nhận với tờ Le Monde của Pháp rằng hệ thống này đang bộc lộ những giới hạn nghiêm trọng khi đối mặt với vũ khí của Nga.

“Các tên lửa Iskander thực hiện các thao tác né tránh trong giai đoạn cuối, khiến tính toán quỹ đạo của Patriot bị vô hiệu hóa”, ông nói. “Ngoài ra, Iskander có thể thả mồi nhử để đánh lừa tên lửa Patriot”.

Trong khi các quan chức Ukraine trước đó từng ca ngợi Patriot vì khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga, Moscow đã đặt nghi vấn về những tuyên bố này. Các quan chức Nga cũng cho rằng Kiev thường phóng đại số lượng tên lửa bị bắn hạ so với con số thực tế được phóng đi.

Tính đến tháng 5, Ukraine được cho là đang có sáu hệ thống Patriot đang hoạt động, chủ yếu do Mỹ và Đức viện trợ, cùng các thành phần bổ sung từ Hà Lan và Romania.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi Patriot là hệ thống phòng thủ duy nhất đủ khả năng chống lại các cuộc tấn công của Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn có được tổng cộng 25 hệ thống như vậy. Ông gần đây đề xuất các nước châu Âu tài trợ để mua thêm 10 hệ thống nữa cho Ukraine, với tổng chi phí lên tới 15 tỷ USD. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ đề xuất này vì cho là phi thực tế.

Ukraine hiện cũng đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt tên lửa đánh chặn dành cho các hệ thống phòng thủ phương Tây, trong khi lực lượng Nga ngày càng thích nghi với các biện pháp phản công bằng cách điều chỉnh chiến thuật sử dụng máy bay không người lái.

Quân đội Ukraine gần đây cũng tăng cường các đợt tấn công bằng drone vào Nga, chuyển từ các cuộc tập kích ban đêm sang phóng liên tục suốt cả ngày. Bước đi này diễn ra trong bối cảnh Mỹ gây sức ép ngày càng lớn buộc Kiev tiếp tục đàm phán hòa bình trực tiếp với Moscow. Hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự thất vọng trước tiến trình đình trệ và chỉ trích cả hai bên vì thiếu thiện chí.