Thông tuyến BHYT: Lo ngại tình trạng “quá tải ở bệnh viện tuyến tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) ở tuyến tỉnh vào năm 2021, nhiều khả năng các bệnh viện sẽ phải đối mặt với tình trạng “quá tải” bệnh nhân điều trị nội trú.

Bộ Y tế họp bàn chuẩn bị thông tuyến BHYT vào đầu năm 2021 (Ảnh: Minh Thuý)
Bộ Y tế họp bàn chuẩn bị thông tuyến BHYT vào đầu năm 2021 (Ảnh: Minh Thuý)

Đây là thông tin được ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam - đưa ra tại cuộc họp về chuẩn bị thông tuyến BHYT năm 2021 do Bộ Y tế tổ chức vào chiều nay (24/11).

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị phải thúc đẩy việc thông tuyến BHYT, đồng thời, phải song hành với việc tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế.

Tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng khi thông tuyến BHYT

Theo ông Lê Văn Phúc, khi thông tuyến BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú sẽ gia tăng. Bởi nếu chỉ điều trị khám, chữa bệnh ngoại trú thì người dân sẽ không được hưởng BHYT. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.

Trước thực trạng trên, ông Phúc cho rằng cần có giải pháp tổng thể liên quan đến vấn đề tổ chức. Các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, việc kê thêm giường bệnh có đảm bảo đúng quy định hay không bởi có những bệnh viện kê thêm hàng nghìn giường bệnh, điển hình là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An đã kê thêm hơn 2.000 giường bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị phải có giải pháp tránh tình trạng bác sĩ ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT.

Ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Lê Văn Phúc – Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Phúc cũng cho hay hiện nay, phương thức thanh toán BHYT theo định suất và nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi thanh toán bằng DRG, tổng ngân sách cho hoạt động khám, chữa bệnh ở bệnh viện sẽ được khống chế. Vì vậy, cần đẩy mạnh phương thức thanh toán này.

Chia sẻ về vấn đề khám, chữa bệnh khi thông tuyến BHYT, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - nhấn mạnh: Thực tế, rất nhiều trường hợp đã vượt tuyến BHYT để khám, chữa bệnh, khiến bệnh viện tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các bệnh viện phải tăng cường việc điều trị, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt tuyến lên trên để điều trị, gây ra tình trạng quá tải.

Thông tuyến BHYT cấp tỉnh trong năm tới

Thông tin về quá trình thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế - cho biết: Vụ BHYT đang chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị có liên quan hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh BHYT thông tuyến tính trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu từ ngày 1/1/2021.

Vụ BHYT đã dự thảo văn bản (dự kiến là Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế) về đẩy mạnh quản lý và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến y tế cơ sở.

Ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Bộ Y tế giao cho Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành tăng cường công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, đẩy mạnh công tác tuyển truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về khám, chữa bệnh và BHYT; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở tuyến tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra việc chỉ định điều trị nội trú, sắp xếp bố trí giường bệnh phù hợp với quy mô, trang thiết bị cũng như nhân lực hiện có; rà soát quy định cụ thể việc sắp xếp, phân tuyến khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, chú trọng đối với các cơ sở tuyến tỉnh trong việc tổ chức bàn khám, bố trí nhân lực khám, bố trí giường bệnh và chỉ định điều trị nội trú phù hợp với tình trạng bệnh; phối hợp với cơ quan BHXH cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức kiểm tra; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Để thực hiện thông tuyến BHYT có hiệu quả, Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến phải chủ động kiểm tra và triển khai các biện pháp triển khai chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác tổ chức khám bệnh, xây dựng và thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, giám sát chặt chẽ việc chỉ định điều trị nội trú; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ của cơ sở; nâng cao chất lượng khám bệnh, bố trí đủ nhân lực, đảm bảo chất lượng trong khám, tư vấm, chỉ định điều trị nội trú; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Y tế; có kế hoạch phối hợp và chủ động phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh khác, bao gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải.

Thẻ BHYT (Ảnh: Minh Thuý)

Thẻ BHYT (Ảnh: Minh Thuý)

Để bảo đảm cho công tác chuẩn bị thực hiện khám, chữa bệnh BHYT thông tuyến tỉnh vào năm 2021, Vụ BHYT đề xuất Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng, trình ban hành quy định về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh; quy định số lượng giường bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất; quy định về quy trình khám, chữa bệnh trên tuyến tỉnh phải đặt lịch hẹn trước, trên cơ sở này, Sở Y tế sẽ quyết định số lượng giường của từng cơ sở trên địa bàn.

Vụ Kế hoạch Tài chính cần đánh giá về phương thức thanh toán theo định xuất theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG) để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này.

Cùng với đó, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng phải xây dựng kế hoạch và chủ động tuyên truyền đến người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan BHXH, và người tham gia BHYT hiểu về ý nghĩa của chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT.

Sau đó, Thanh tra Bộ Y tế sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc việc thực hiện các quy định về khám, chữa bệnh, về quản lý, sử dụng quỹ BHYT.