Sau 1 tháng triển khai thông tuyến BHYT, BHXH Đà Nẵng nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  "Tính đến nay tất cả vẫn diễn ra bình thường và chúng tôi cũng chưa thấy có ý kiến gì phàn nàn liên quan đến việc thanh toán hay vỡ quỹ BHYT"- Lãnh đạo BHXH Đà Nẵng nói.
Bệnh nhân được hưởng nhiều thuận lợi khi chính sách thông tuyến BHYT có hiệu lực
Bệnh nhân được hưởng nhiều thuận lợi khi chính sách thông tuyến BHYT có hiệu lực

Mặc dù chủ trương thông tuyến BHYT đã được triển khai gần 1 tháng qua, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về các vấn đề liên quan đến chích sách thụ hưởng cũng như các vấn đề về thanh toán, chi trả BHYT. Nhất là có quan điểm cho rằng, việc thông tuyến sẽ gây ra nguy cơ vỡ quỹ BHYT và quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

Để rõ hơn những vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Phạm Quốc Khánh – Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng về những vấn đề liên quan.

Thực hiện theo lộ trình

- Như ông đã biết, việc thông tuyến BHYT có hiệu lực gần 1 tháng qua và đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, nhất là người dân. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều băn khoăn về việc thụ hưởng của người dân và các vấn đề liên quan đến thanh toán, chi trả BHYT. Dưới góc độ cơ quan chuyên môn, ông có thể cho biết vấn đề này ra sao?

Ông Phạm Quốc Khánh: Thật sự đây là vấn đề không mới và theo lộ trình phải thực hiện mà thôi. Đến thời điểm ngày 1/1/2021 thì chuyển tiếp sang. Cũng cần nói thêm là việc thông tuyến BHYT đã thực hiện từ năm 2016 ở tuyến huyện và lộ trình đến 2021 là thông tuyến tỉnh.

Đối với các bệnh viện cũng không có gì mới. Trước đây chúng ta cũng đã thực hiện ở tuyến huyện, giờ thì lên tuyến tỉnh. Nói nôm na việc thông tuyến này giống như cải cách hành chính, tạo điều kiện để người dân có thể khám, chữa bệnh mà bỏ đi những thủ tục hành chính rườm rà mỗi khi chuyển viện, để người dân được hưởng lợi hơn. Vấn đề còn lại là các cơ sở y tế phải làm sao đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân mà thôi.

- Vậy ông có thể nói rõ hơn về các quy định này cũng như mức áp dụng để người dân được thụ hưởng?

Ông Phạm Quốc Khánh: Theo quy định của Luật BHYT năm 2014 thì trước thời điểm ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới thì được coi là khám, chữa bệnh trái tuyến và chỉ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng. Và từ thời điểm 1/1/2021, người bệnh có thẻ BHYT sẽ được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc.

Như nói ở trên, khi được thông tuyến thì người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại bất cứ cơ sở y tế tuyến xã, huyện đều có thể đến đăng ký điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới như trước đây. Việc thông tuyến này giúp người bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng.

Quy định này còn giúp người đi công tác, người hay di chuyển, người đi làm xa nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu nếu có phát sinh điều trị sẽ được thuận lợi và hưởng đầy đủ các chính sách bảo hiểm.

Vỡ quỹ hay quá tải bệnh viện không phải do thông tuyến

- Vậy sau gần 1 tháng áp dụng, cơ quan BHXH có gặp vướng mắc gì liên quan đến vấn đề thanh toán, chi trả do có sự chênh lệch về chi phí điều trị giữa các tuyến hay không thưa ông?

Ông Phạm Quốc Khánh: Tính đến nay chưa có vấn đề gì cả, tất cả đều bình thường, vì Bộ Y tế đã quy định phân cấp cụ thể cũng như quy định về mức thanh toán của BHYT đối với người bệnh.

- Khi người dân được hưởng lợi, sẽ kéo theo tình trạng người bệnh sẽ đổ về tuyến trên để điều trị mà không chịu nằm điều trị ở tuyến dưới hay không? Và việc này có gây ra nguy cơ vỡ quỹ BHYT cũng như quá tải cho các bệnh viện tuyến trên hay không thưa ông?

Ông Phạm Quốc Khánh: Như tôi đã nói, Bộ Y tế đã phân cấp các tuyến y tế, từ y tế xã phường, quận huyện rồi đến tỉnh. Việc quy định này có nhiều yếu tố mới hình thành tuyến chứ không phải chỉ riêng vấn đề chi phí. Hơn nữa, quy định thanh toán cũng khá rõ ràng, thế nào thì được hưởng 100%, thế nào là không được, nên sẽ không có chuyện vỡ quỹ.

Việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh là xu thế tất yếu được nêu rõ trong Luật BHYT năm 2014. Và việc áp dụng cũng có lộ trình cụ thể để các cơ sở y tế có thời gian chuẩn bị về nhân lực, thiết bị, cơ sở vật chất, nên theo tôi đây có thể xem là cơ hội để các cơ sở y tế sử dụng các nguồn lực có hiệu quả là động lực để các cơ sở y tế đầu tư, nâng cấp cơ sở mình để cạnh tranh, thu hút người bệnh.

Còn trong một giả thiết nếu có xảy ra việc vỡ quỹ hay quá tải bệnh viện thì do nhiều yếu tố chứ không phải do việc thông tuyến y tế này mà ra. Cũng xin nói lại một lần nữa, vấn đề này đã có lộ trình từ trước nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong khám chữa bệnh và chúng ta thực hiện lộ trình mà thôi.

- Xin cảm ơn ông!