Đà tăng phi mã và trợ lực của TCH
Cổ phiếu TCH của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (gọi tắt là Hoàng Huy) thời gian qua thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư khi duy trì xu thế tăng rất mạnh trong thời gian dài. Từ ngày 12/3 đến 21/6, giá cổ phiếu TCH đã tăng 65,5% lên 21.000 đồng/cổ phiếu - tiệm cận vùng đỉnh lịch sử cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Không chỉ TCH, cổ phiếu HHS của Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (công ty con của TCH) cũng có diễn biến tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ trong hai tháng, từ 22/4 đến 21/6, mã này tăng tới 40% lên 11.875 đồng/ cổ phiếu.
Có thể thấy, đà tăng giá ấn tượng của nhóm cổ phiếu “họ” Hoàng Huy đến từ nhiều nguyên nhân, song có hai nguyên nhân chính là kết quả kinh doanh rực rỡ năm tài chính 2023 và kỳ vọng lớn từ danh mục dự án đang triển khai tại Hải Phòng.
Về tình hình kinh doanh, niên độ tài chính 2023 - 2024, doanh thu thuần của Hoàng Huy tăng tới 82% so với năm trước lên 3.806 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 2,5 lần lên 1.182 tỷ đồng - đều là mức doanh thu, lợi nhuận cao nhất trong lịch sử. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự bật tăng mạnh mẽ của mảng bất động sản khi tăng 2,2 lần lên 3.335 tỷ đồng, chiếm 88% tổng doanh thu.
So với mặt bằng chung, ngoài nhóm Vingroup, mức lợi nhuận Hoàng Huy có được trong năm 2023 cao vượt trội so với phần còn lại của thị trường bất động sản (trong nhóm niêm yết chỉ có Sunshine Homes là đạt mức lợi nhuận cao hơn, khoảng 1.300 tỷ đồng).
Về quỹ đất, theo DSC, Hoàng Huy có tiềm năng lớn khi sở hữu gần 150ha thông qua hình thức đối ứng BT (đổi đất lấy hạ tầng) hoặc đấu thầu. Nhiều phần quỹ đất trong số đó đều đã có các phê duyệt quan trọng như giấy phép kinh doanh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp… Trong bối cảnh pháp lý bất động sản có nhiều biến động lớn, việc phát triển các dự án sạch, không bị vướng mắc nhiều pháp lý là một lợi thế của công ty.
Về danh mục dự án, Hoàng Huy hiện đang triển khai một số dự án trọng điểm tại huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng như: Hoàng Huy New City (65 ha, đang xây dựng thô phần liền kề, nhà ở xã hội, chuẩn bị mở bán), Hoàng Huy Green River (33 ha, đang trong quá trình giải phóng, san lấp), Khu đô thị dọc đường Đỗ Mười (50 ha, mới trúng thầu quỹ đất đang thực hiện thủ tục pháp lý ban đầu…).
Tính đến ngày 31/3, Hoàng Huy ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Hoàng Huy New City là 930 tỷ đồng, Hoàng Huy Green River là 1.581 tỷ đồng, dự án khu đô thị dọc đường Đỗ Mười là 4.933 tỷ đồng.
Các dự án nêu trên được đánh giá là có triển vọng tốt, do huyện Thuỷ Nguyên dự kiến lên thành phố vào năm 2025, các công trình hạ tầng đường sá kết nối vùng lân cận đang phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, thị trường bất động sản Hải Phòng nói chung đang có “phong độ” khá ấn tượng khi là địa bàn ghi nhận sự phục hồi sớm và tích cực, ngay trong giai đoạn khủng hoảng.
Mặt khác, Hải Phòng thời gian qua cũng chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn như Vinhomes, Masterise Homes, Doji Land, Nam Long… với những dự án có số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Có nên lạc quan?
Có thể nói với nhiều lợi thế, Hoàng Huy đang là một trong những doanh nghiệp có triển vọng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên quá hưng phấn, bởi có khá nhiều vấn đề đang tồn tại với doanh nghiệp này.
Đầu tiên là triển vọng kinh doanh tại Hải Phòng. Dù phục hồi tích cực, song trên thực tế, thị trường Hải Phòng không phải ở trạng thái “bùng nổ” để có thanh khoản ấn tượng. Thậm chí nhiều khả năng, mức độ phục hồi của thị trường Hải Phòng trong năm 2024 chỉ ở mức trung bình - khá.
Trong bối cảnh như vậy, các dự án đang triển khai của Hoàng Huy hoàn toàn có khả năng không đạt thanh khoản tốt như kỳ vọng lớn của thị trường. Dự án Hoang Huy Commerce là một minh chứng. Dù đã bàn giao từ quý IV/2023, nhưng dự án vẫn còn tới 1.600 tỷ đồng tồn kho thành phẩm là các căn hộ và sàn thương mại chưa bán tại toà H1.
Vấn đề thứ hai là cấu trúc tài sản của Hoàng Huy vẫn chưa thực sự lành mạnh khi kết năm tài chính 2023, hàng tồn kho chiếm tới 68% tổng tài sản, đạt 9.837 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Việc hàng tồn kho tăng quá cao là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của TCH âm nặng trong năm tài chính 2023, cụ thể âm tới 4.319 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp âm dòng tiền kinh doanh. Trước đó, năm tài chính 2021 và 2022, dòng tiền kinh doanh của công ty lần lượt âm 354 tỷ đồng và 423 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh đại diện cho khả năng tạo tiền của hoạt động kinh doanh. Dòng tiền kinh doanh âm đồng nghĩa doanh nghiệp không thu được tiền về từ hoạt động kinh doanh.
Và do đó, trong năm tài chính 2023, TCH đã phải cân đối dòng tiền bằng hoạt động đầu tư. Trong kỳ, công ty đã chi 11.899 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị và thu 16.529 tỷ đồng tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác.
Như vậy, với những vấn đề nêu trên, có thể nói viễn cảnh của Hoàng Huy không hoàn toàn xán lạn. Doanh nghiệp này đang trong giai đoạn đầu tư mạnh mẽ, nên tất yếu cũng sẽ đối diện với những rủi ro cố hữu từ câu chuyện kinh doanh. Bởi thế, việc quá kỳ vọng hay quá lạc quan về tương lai của doanh nghiệp có thể đưa lại cho người nắm giữ cổ phiếu TCH những thứ rất… không ngờ.
Được biết, “nhà” Hoàng Huy đang có kế hoạch đưa doanh nghiệp thứ 3 lên sàn chứng khoán - Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV. Là “tân binh” của thị trường, song nhờ cái bóng quá lớn của TCH, Tập đoàn Bất động sản CRV đã trình diễn vũ điệu kinh doanh cực kỳ đẹp mắt trong những quý qua. Các vấn đề kinh doanh và tài chính của Bất động sản CRV sẽ được đề cập trong bài viết tới.