Người dân nên cân nhắc yếu tố nào?
Phóng viên: - Từ ngày 1/1/2021 việc đi vào thực hiện thông tuyến tỉnh BHYT khiến cho người dân có cảm giác mình được thuận lợi hơn, nhưng các bệnh viện phải chịu áp lực cao hơn rất nhiều. Thưa BS, người dân nên cân nhắc yếu tố nào khi chuyển tuyến đến các bệnh viện tuyến tỉnh?
BS Phạm Thanh Việt: - Trước việc cấp cứu cho bệnh nhân, tất nhiên nên ưu tiên mạng sống cho người bệnh là trước mắt. Việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh và được thanh toán từ 80-100% sẽ khiến cho tâm lý bệnh nhân muốn đi khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh nhiều hơn. Nhưng việc này rất cần truyền thông để bệnh nhân hiểu rõ, phải tuỳ từng bệnh, chẳng hạn như mổ ruột thừa thì chưa chắc tuyến trung ương và tuyến tỉnh đã làm tốt bằng tuyến quận, huyện, bởi vì thực hành các ca này ở tuyến quận, huyện là nhiều nhất.
Ngoài ra, với những ca phẫu thuật mang tính cấp cứu như vậy thì cần nhất là ở gần về mặt khoảng cách, nên đưa bệnh nhân vào viện sớm là tốt nhất. Đưa lên đến tuyến tỉnh có khi ruột thừa đã vỡ rồi. Đi xa thứ nhất là mất thời gian vàng, thứ hai là tốn kém chi phí đi lại, ăn ở cho người thân đi theo chăm sóc, trong khi thu nhập lúc trước đang có thì mất đi vì người thân phải nghỉ việc để đi theo chăm sóc bệnh nhân.
Nên lưu ý chỉ chuyển tuyến đi bệnh viện tỉnh với những bệnh phức tạp chẳng hạn như đau ruột thừa nhưng có kèm bệnh phức tạp khác nữa, yêu cầu chuyên khoa cao hoặc cần can thiệp nhiều chuyên khoa thì hãy cân nhắc việc chuyển tuyến.
Và điều quan trọng nhất là đầu tiên hãy cứ nhập viện vào các bệnh viện ở gần nhất, nếu trường hợp cấp cứu hoặc cần can thiệp chuyên khoa cao, các BV tuyến quận, huyện sẽ cho chuyển tuyến. Hơn nữa, BV tuyến quận, huyện bây giờ cũng đã được đầu tư rất nhiều về thiết bị y tế và trình độ của bác sĩ đã nâng cao nhiều.
Lẽ tất nhiên bệnh viện tuyến quận, huyện cũng không điều trị các ca phức tạp như mổ tim, ung thư… Nhưng với các ca phẫu thuật bình thường như mổ ruột thừa, gãy tay, gãy chân… thì các bệnh viện tuyến quận, huyện là thực hành nhiều nhất.
Người dân trông chờ vào chính sách BHYT thay đổi nhưng bệnh viện đối mặt nhiều nguy cơ (Ảnh: Hoà Bình) |
Dự báo nguy cơ
*Xin bác sĩ cho biết kể từ khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, BV Chợ Rẫy đã bị quá tải vì tuyến tỉnh chuyển lên chưa?
BS.CKII. Phạm Thanh Việt: - BV Chợ Rẫy thì lúc nào cũng đã rất đông bệnh nhân. Nếu công suất có thể thu nhận được nữa, chúng tôi không đời nào từ chối người bệnh.
So với cơ sở hạ tầng chuẩn, hiện tại đã vượt khá xa rồi. Bệnh nhân muốn lên với Chợ Rẫy nhưng cái “túi” của mình không chứa thêm được nữa. Cho nên chắc chắn cũng có tình trạng bệnh nhân bỏ đi vì họ có yêu cầu được phục vụ y tế cao hơn. Hơn nữa, hiện nay tâm lý người bệnh cũng vì sợ COVID-19 mà không thích đến bệnh viện thì khó đánh giá tình trạng này một cách cụ thể.
*Thưa bác sĩ, việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh còn có thể dẫn tới nguy cơ vượt quỹ BHYT, điều này sẽ là mối lo lớn đối với bất cứ bệnh viện nào?
BS Phạm Thanh Việt: - Chi BHYT của các bệnh viện đang bị giới hạn bởi tổng mức thanh toán theo Nghị định 146. Giả sử bệnh viện A đã sử dụng hết 100 tỉ đồng thì năm nay Bệnh viện A sẽ tiếp tục được giao chi phí là 100 tỉ đồng cộng với hệ số trượt giá, là 1.03. Như vậy, con số tổng mới sẽ là không vượt quá 103 tỉ đồng.
Những trường hợp vượt quỹ, BV phải làm giải trình. Giải trình xong hợp lý thì được thanh toán, không hợp lý thì không được thanh toán. Nếu trường hợp được thanh toán cũng phải đợi nửa năm hoặc thậm chí là cả năm sau BV mới được trả lại số tiền vượt đó.
Như vậy, việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh có thể sẽ dẫn tới nguy cơ một là thấy quỹ BHYT sắp hết thì liệu BV có ép bệnh nhân đóng? Bởi vì BV không có quyền từ chối bệnh nhân, nhất là những trường hợp cấp cứu, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh và liên quan đến tính pháp lý nếu có hậu quả xấu nhất xảy ra. Hai là nếu BV tuyến tỉnh quá tải và nhìn thấy nguy cơ vượt dự toán thì sẽ nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương.
Ở khu vực phía Nam chỉ có 2 BV trung ương, trong đó BV Trung ương Cần Thơ là hạng 1 còn BV Chợ Rẫy là đặc biệt. Nhiều ca vẫn phải chuyển viện từ BV trung ương Cần Thơ về BV Chợ Rẫy.
Tất cả các BV tuyến tỉnh và trung ương đều đông nghẹt bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT (Ảnh: Hoà Bình) |
Bệnh viện thông minh không dùng tiền mặt
* Xin bác sĩ cho biết về các giải pháp CNTT như việc lấy số khám bệnh qua tổng đài, qua app; thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng mà BV Chợ Rẫy đã ứng dụng để giải toả bớt tình trạng quá tải vì xếp hàng, chờ đợi?
BS Phạm Thanh Việt: - BV Chợ Rẫy đã triển khai Bệnh viện thông minh, có lẽ trên cả nước mới chỉ có duy nhất BV Chợ Rẫy đã triển khai thành công cả quy trình khám bệnh không dùng tiền mặt. Tất cả đều được thanh toán online hết, bệnh nhân có thể quẹt thẻ thanh toán ở mọi khâu.
BV Chợ Rẫy đang tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ. Việc này rất hữu ích cho bệnh nhân, vừa xác định chính xác bệnh nhân, vừa nhanh, giảm thủ tục phiền hà.
Năm 2021, BV Chợ Rẫy sẽ triển khai không dùng bệnh án hồ sơ giấy, tất cả đều được theo dõi qua app của Bệnh viện. Bộ Y tế triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử đến đâu chúng tôi sẽ thực hiện đến đó.
*Về chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới thì sao thưa bác sĩ?
BS.CKII. Phạm Thanh Việt: - Tất cả các BV phía Nam đều được BV Chợ Rẫy chuyển giao công nghệ và đào tạo y tế với từng bệnh lý khác nhau và tuỳ thuộc vào yêu cầu của từng tỉnh. Khám, chữa bệnh từ xa, hội chẩn từ xa liên viện đã được chúng tôi thực hiện từ lâu rồi, rất hiệu quả và thiết thực với các ca cấp cứu. Trường hợp có hiệu quả cao nữa là liên quan đến công tác đào tạo từ xa, được chúng tôi thực hiện thường kỳ đều đặn với nhiều BV tuyến tỉnh của khu vực phía Nam.