Tôi được biết từ ngày 1-1 bắt đầu áp dụng quy định thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế (BHYT). Xin hỏi, như vậy một người tham gia BHYT từ trước và sau ngày 1-1 khi thanh toán BHYT trong quá trình khám chữa bệnh có sự khác nhau như thế nào?
Bạn đọc Thu Trang (quận Gò Vấp).
Bảo hiểm Xã hội TP.HCM trả lời: Tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng với tỷ lệ như sau:
- Đối với người tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú.
- Đối với bệnh viện tuyến tỉnh thì người tham gia BHYT được 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày luật này có hiệu lực (từ 1-1-2015) đến ngày 31-12-2020. Từ ngày 1-1- 2021 người tham gia BHYT được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước.
- Đối với các bệnh viện tuyến huyện, người tham gia BHYT được chi trả 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày luật này có hiệu lực đến ngày 31- 12- 2015; từ ngày 1-1-2016 thì được chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2021, khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thuộc trường hợp trái tuyến, người tham gia BHYT có ba mức hưởng sau:
- Thẻ BHYT là loại có mức hưởng 100% sẽ được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
- Thẻ BHYT là loại có mức hưởng 95% sẽ được thanh toán 95% chi phí điều trị nội trú thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
- Thẻ BHYT là loại có mức hưởng 80% sẽ được thanh toán 80% chi phí điều trị nội trú thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Cần lưu ý, không phải trường hợp nào BHYT cũng chi trả 100% chi phí điều trị nội trú khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh mà nó còn tùy thuộc vào mức hưởng của loại thẻ BHYT.
Theo PLO