Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, chính phủ Nga đã có một số động thái tăng cường mối quan hệ với Iran. Nhiều hãng tin phương Tây, và cả của Nga, mới đây đồng loạt đưa tin về việc Iran có thể cung cấp cho Nga các loại drone chiến đấu cùng các khóa huấn luyện.
Điều này phản ánh rõ sự quan tâm của giới quan sát đối với mối quan hệ đang được thắt chặt giữa Nga và Iran.
Chuyên trang phân tích Barrons mới đây đã đăng tải bài viết để làm rõ về vấn đề này. Mark N. Katz, tác giả bài viết, là Giáo sư chuyên ngành chính trị và quản lý tại Trường Chính sách và Chính phủ thuộc ĐH George Mason, chuyên gia phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương.
VietTimes trân trọng gửi quý độc giả nội dung bài viết.
Quan hệ giữa Nga và Iran được thắt chặt hơn trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine (Ảnh: AsiaTimes) |
Nhưng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc chiến ở Ukraine, mối quan hệ Nga-Iran đã xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Điều này đúng ngay cả khi các chính sách của ông Putin thực sự gây tổn hại cho Iran, như đã thấy trong cuộc họp giữa ông Putin với lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ở Iran mới đây.
Quyết định xích lại gần Nga của Tehran, trong lúc Moscow đang nỗ lực chiến đấu ở Ukraine dường như không có gì khó hiểu. Bất chấp những vấn đề mà cuộc chiến của ông Putin ở Ukraine gây ra cho Iran – đặc biệt thất thu trong xuất khẩu dầu mỏ do Nga giảm giá mạnh, cùng tình trạng thiếu lương thực – nhưng sự ủng hộ ngày càng tăng của Tehran với Moscow vẫn có thể hiểu được.
Đơn giản: Tehran không thể để ông Putin thua ở Ukraine.
Trong suốt 2 thế kỷ, Nga thường xuyên tận dụng được Iran. Các đời Sa hoàng đã chiếm lãnh thổ từ Ba Tư. Cả các vị Sa hoàng lẫn Liên Xô đều chiếm đóng nhiều phần của Iran trong nhiều giai đoạn lịch sử.
Gần đây nhất, ông Putin khiến Iran khó chịu khi phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các địch thủ của Iran ở Vùng Vịnh, và Israel. Và kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Moscow đã gây tổn hại cho Tehran bằng cách bán dầu bị trừng phạt của Nga với mức giá ưu đãi hơn nhiều so với Tehran. Chưa kể, cuộc chiến này cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Iran.
Ngay sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ruhollah Khomenei đã tuyên bố rằng nước cộng hòa Hồi giáo sẽ theo đuổi chính sách “không phương Đông cũng không phương Tây.” Bất chấp quan hệ hợp tác giữa Nga và Iran ở hiện tại, đặc biệt là ở Syria, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian vẫn nhắc lại chính sách trên vào tháng 1/2022, ngay trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Nhưng khi ông Putin mới đây đến thăm Tehran, lãnh tụ tối cao Khamenei đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Nga ở Ukraine. Các nguồn tin chính phủ Mỹ nói rằng, Iran sẽ không chỉ bán drone cho Nga, mà còn cung cấp cả các khóa huấn luyện sử dụng.
Nếu Nga thất bại...
Nếu Nga bị suy yếu bởi thất bại ở Ukraine hoặc do thế bế tắc kéo dài, họ sẽ không còn khả năng duy trì hiện diện quân sự ở Syria.
Không có Nga hỗ trợ trên không, các lực lượng Iran và Hezbollah sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đối phó với các địch thủ trong nước của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Iran và các đồng minh của họ có thể đối diện nhiều thách thức khi đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, bên chắc chắn sẽ đưa ra hành động mạnh mẽ hơn ở Syria nếu Nga rút lui.
Một nước Nga suy yếu sẽ không sẵn lòng và không đủ khả năng để đóng một vai trò tích cực ở Trung Đông, có thể mang trở lại thời kỳ những năm 1990, thời điểm mà Mỹ là người chơi hùng mạnh nhất, đặc biệt là nếu như Trung Quốc tiếp tục tránh can dự quân sự vào các cuộc xung đột trong khu vực này.
Một nước Nga suy yếu cũng không thể đầu tư 40 tỉ USD vào ngành năng lượng của Iran, như tuyên bố mới đây, hoặc làm gì khác cho Iran. Nói chung, một nước Nga suy yếu sẽ không có lợi cho Tehran.
Và lợi ích của Nga là gì khi thắt chặt quan hệ với Iran? Việc Tehran sẵn sàng hợp tác với Moscow bất chấp những vấn đề mà họ gặp phải do cuộc chiến ở Ukraine chính là vận may của ông Putin.
Nhiều người ở phương Tây tin rằng, dù cho những lợi ích từ việc chống phương Tây có đoàn kết Nga và Iran như thế nào, thì Nga vẫn chia sẻ chung một lợi ích với Mỹ, phương Tây và cả các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông là không để cho Iran sở hữu vũ khí nguyên tử.
Tuy nhiên, trường hợp này cũng chưa nhất thiết đúng. Mặc dù Mỹ và một số đồng minh của họ ở Trung Đông coi Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là “viễn cảnh tồi tệ nhất,” Moscow lại coi việc Iran có một chính phủ thân phương Tây là viễn cảnh còn tồi tệ hơn.
Khả năng xảy ra điều đó được những người ở Washington xem là rất ít, nhưng nên nhớ rằng ông Putin khá ám ảnh về khả năng xảy ra “cách mạng màu.” Ông cho rằng Mỹ thường xuyên âm mưu kích động các cuộc cách mạng màu để chống lại Nga và chính phủ các nước thân Nga, giống như Ukraine trước khi xảy ra các cuộc cách mạng dân chủ năm 2005 và 2014. Thêm nữa, nếu như Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, họ cũng ít có khả năng lấy Nga làm mục tiêu.
Mặc dù Moscow ủng hộ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPA), hay thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, nhưng họ làm vậy chỉ bởi Tehran muốn có thỏa thuận này để được gỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt. Và Nga cũng không gây tổn hại quan hệ với Tehran bằng cách hành động tích cực để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân nếu như đó là điều mà Iran quyết định làm.
Nga thậm chí có thể chờ đón một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran do vấn đề hạt nhân, bởi lúc đó các nguồn lực quân sự của Mỹ sẽ đổ vào chiến sự với Iran, nên không thể viện trợ cho Ukraine được.
Cả ông Putin và Ayatollah đều phải dựa vào nhau để tiếp tục theo đuổi các chính sách chống phương Tây. Cả hai bên đều sẽ không phải thất vọng./.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] "Trò chơi khí đốt" của Putin
Ông Putin yêu cầu Mỹ ngừng “cướp bóc” Syria
Putin, Châu Âu và “phương trình khí đốt”
Nguồn: Barrons