Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tung đòn công kích nhằm vào các đồng minh châu Âu của Ukraine. Vũ khí của ông: khí đốt của Nga, chiếm tới 40% lượng nhập khẩu của EU thời điểm trước cuộc chiến.
Cụ thể, Nga đã thắt chặt nguồn cung khí đốt thông qua đường ống dẫn Nord Stream 1 trong phần lớn tháng 6. Nguồn cung của Nga cho EU đã giảm hơn 40% nếu so với năm ngoái, theo ước tính của Jacob Mandel, chuyên gia phân tích khí đốt đến từ công ty Nghiên cứu Năng lượng Aurora. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng 70% trong 3 tuần qua.
Điện Kremlin đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến giá khí đốt tăng đột biến. Tuy nhiên, các thị trường tỏ ra ngờ vực. “Điều này bắt nguồn từ chiêu bài cũ mà Nga từng áp dụng để làm tăng vị thế đàm phán của họ,” Robert Songer, chuyên gia phân tích khí hóa lỏng đến từ hãng tư vấn ICIS, nhận định.
Nord Stream 1 dự kiến sẽ được bảo trì định kỳ trong tháng 7, thường là mất khoảng 10 ngày. Điều xảy ra tiếp theo có thể quyết định sự khắc nghiệt mà châu Âu – cũng như các nước hứng chịu tổn thất tương đương như Pakistan và Bangladesh – sắp phải trải qua trong mùa Đông năm nay, do không thể mua được khí hóa lỏng (LNG) mà bình thường họ vẫn mua.
EU hiện đang ra sức tìm kiếm nguồn cung để thay thế khí đốt của Nga. 27 nước thành viên của khối này đã phải tăng cường thêm hàng chục đơn vị kho chứa LNG nổi (FSRU), các nhà máy LNG di động đặt ngoài khơi, được cung cấp bởi các công ty như Dynagas LNG Partners và Hoegh LNG Partners. Lượng dự trữ khí đốt hiện đang ở mức 57%, và EU đặt mục tiêu tăng mức dự trữ lên 80%, theo Anne-Sophie Corbeau, học giả đến từ Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc ĐH Columbia, cho hay.
Tuy nhiên, Đức và nhiều nền kinh tế khác trong khối EU vẫn có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt ngay trong tháng 10 nếu như Nga tiếp tục thắt chặt nguồn cung, theo Jonathan Stern, người sáng lập chương trình nghiên cứu khí đốt tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay. Các hộ gia đình vẫn đủ khí đốt để làm ấm. Nhưng hàng loạt các nhà sản xuất có thể đối mặt với khả năng bị áp hạn ngạch khí đốt. Giá khí đốt, vốn đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái, có thể tăng thêm 40$, theo dự báo của Aurora.
“Mùa Đông năm nay sẽ là một sự thử thách,” Stern cảnh báo. “Liệu người dân sẽ đổ lỗi cho ông Putin hay cho các chính trị gia của họ đã gây ra tình trạng khó khăn này?”
Tình trạng đó sẽ chưa thể chấm dứt trong năm 2022-2023 nếu như châu Âu vẫn quyết tâm loại bỏ khí đốt của Nga. Các dự án LNG mới sẽ phải mất nhiều năm để phát triển. Những cam kết năng lượng xanh dài hạn của EU càng khiến tình hình thêm khó khăn.
Nước Đức sắp đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của họ. Trước đó, trong năm 2020, các nhà máy này vẫn cung cấp 10% tổng lượng điện năng ở nước này. Có rất ít khả năng đảo ngược quyết định này khi mà đảng Xanh là một thành viên trong chính phủ liên minh. “Chúng ta vẫn sẽ chứng kiến một thị trường bị thắt chặt cho đến năm 2025,” Corbeau cho hay. “Mùa Đông năm tới sẽ còn tồi tệ hơn mùa Đông sắp tới năm nay.”
Động lực mua vào cổ phiếu của các hãng LNG cũng nguội lạnh do giới đầu tư nhận thấy nhiều thách thức trong việc bổ sung nguồn cung. Giá cổ phiếu của Cheniere Energer đã giảm 10% so với mức đỉnh điểm hồi tháng 3.
Nathan Piper, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí tại Investec, vẫn nhìn thấy giá trị của công ty năng lượng quốc gia Euinor của Na Uy, nhà sản xuất khí đốt có khả năng giải quyết nguồn cung cho EU. Ông cũng chỉ ra các công ty có trụ sở tại Anh như Serica Energy và Harbour Energy, thường cung cấp khí đốt thông qua Biển Bắc.
Sự phẫn nộ của châu Âu trước cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine dường như đã vượt qua cái giá mà họ đang phải trả về năng lượng và cả tình trạng lạm phát. Tổng thống Putin, trong khi đó, lại rất quyết tâm thay đổi phương trình ấy.
3 hình dung của Henry Kissinger về kết cục cuộc chiến ở Ukraine
Nga bị tố dùng tên lửa độ chính xác kém từ thời Liên Xô, khiến nhiều thường dân thiệt mạng
Đâu là sự thật đằng sau việc Nga bất ngờ tuyên bố rút khỏi Đảo Rắn?
Theo Barrons