Nếu Hormuz bị đóng cửa: Cú sốc dầu mỏ và bài toán năng lượng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khả năng Iran phong tỏa eo biển Hormuz lại được đưa ra như “con bài chiến lược”, đe dọa đẩy giá dầu tăng vọt và kích hoạt khủng hoảng toàn diện về năng lượng, vận tải và an ninh, nguy cơ đối đầu quân sự không thể loại trừ.

Eo biển Hormuz: Yết hầu của năng lượng toàn cầu

Trong những ngày gần đây, căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Israel, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về một kịch bản quen thuộc nhưng đầy rủi ro: Iran đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến hàng hải huyết mạch nối vịnh Ba Tư với thế giới. Mỗi khi khủng hoảng chính trị leo thang tại Trung Đông, khả năng phong tỏa eo biển Hormuz lại được Iran đưa ra như một “con bài chiến lược”, khiến cả thị trường dầu mỏ toàn cầu và giới hoạch định chính sách phải lo lắng.

01.jpg
Eo biển Hormuz chỉ rộng khoảng 40 km tại điểm hẹp nhất, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), mỗi ngày có khoảng 17–20 triệu thùng dầu thô, tương đương 20–30% tổng sản lượng dầu giao dịch trên thế giới, đi qua tuyến này.

Nhưng nếu điều đó thực sự xảy ra, dù chỉ trong vài ngày, thì hệ quả sẽ không chỉ là giá dầu tăng vọt, mà có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn diện về năng lượng, vận tải, lạm phát và an ninh toàn cầu. Mỹ gần như chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Và như lịch sử đã chứng minh, bất kỳ mưu toan nào nhằm kiểm soát tuyến vận tải huyết mạch này đều có thể dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn.

Eo biển Hormuz chỉ rộng khoảng 40 km tại điểm hẹp nhất, nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), mỗi ngày có khoảng 17–20 triệu thùng dầu thô, tương đương 20–30% tổng sản lượng dầu giao dịch trên thế giới, đi qua tuyến này. Ngoài dầu, đây còn là con đường xuất khẩu chủ yếu của khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Qatar, quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất toàn cầu.

Các nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, vốn phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ vùng Vịnh, sẽ chịu tác động tức thì nếu tuyến đường này bị tê liệt. Với một thế giới chưa thể rũ bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, việc Hormuz bị phong tỏa có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá dầu lên mức không tưởng và châm ngòi cho khủng hoảng tài chính lan rộng.

Trong gần hai thập kỷ qua, Iran nhiều lần tuyên bố có thể “đóng cửa Hormuz” như một biện pháp trả đũa lệnh cấm vận hoặc hành động quân sự từ phương Tây. Tuy nhiên, đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra, không phải vì Iran thiếu khả năng, mà bởi vì đó là một ván cược cực kỳ nguy hiểm, ngay cả với chính Tehran.

Iran có thể triển khai thủy lôi, tên lửa chống hạm, tàu tấn công nhanh hoặc máy bay không người lái để uy hiếp eo biển. Nhưng nên nhớ, chính dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ quan trọng hàng đầu của Iran, và tuyến xuất khẩu dầu của họ cũng đi qua chính eo biển này. Đóng cửa Hormuz chẳng khác nào tự cắt đứt huyết mạch kinh tế của mình, trong khi phải đối đầu với cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Mỹ.

Vì thế, trong các tính toán của giới lãnh đạo Iran, Hormuz là một công cụ răn đe, hơn là vũ khí thực thi. Nhưng nếu căng thẳng với Israel và Mỹ tiếp tục leo thang, hoặc nếu có hành động quân sự bất ngờ làm tổn thất lớn đến thể diện và sức mạnh quân sự Iran, thì khả năng Tehran tạm thời phong tỏa eo biển Hormuz không thể bị loại trừ.

Với Mỹ, việc giữ cho eo biển Hormuz luôn mở là một nguyên tắc chiến lược không thể nhân nhượng. Đây không chỉ là chuyện dầu mỏ hay lợi ích kinh tế, mà còn là biểu tượng cho quyền lực hàng hải và vị thế siêu cường toàn cầu. Từ thời Tổng thống Ronald Reagan đến nay, Mỹ luôn tuyên bố rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cản trở tự do hàng hải tại Hormuz đều sẽ đối mặt với hành động quân sự trực tiếp.

Hiện nay, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đang đóng tại Bahrain, với hàng không mẫu hạm, tàu khu trục tên lửa dẫn đường và tàu ngầm hạt nhân thường xuyên tuần tra khu vực vịnh Ba Tư. Một chiến dịch “bảo vệ tuyến hàng hải tự do” (freedom of navigation operation- FONOP) hoàn toàn có thể được triển khai trong vòng vài giờ nếu Iran manh động.

Ngoài ra, Mỹ có thể hành động thông qua các liên minh như NATO, hoặc thiết lập liên quân hải quân với các đối tác châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia), những nước có quyền lợi trực tiếp trong việc duy trì an toàn hàng hải.

Không dừng lại ở đó, Mỹ còn có thể phát động tấn công mạng nhằm tê liệt hệ thống chỉ huy quân sự của Iran, mở rộng cấm vận kinh tế hoặc tiến hành các chiến dịch đặc nhiệm chống lại cơ sở hạ tầng quân sự ven biển.

Biến động giá dầu và hệ quả kinh tế toàn cầu

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí, nếu eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng bậc nhất thế giới, bị đóng cửa thật, dù chỉ trong thời gian ngắn, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ lập tức rơi vào trạng thái khủng hoảng. Đây là nút cổ chai chiến lược, nơi trung bình mỗi ngày có khoảng 20% lượng dầu thô thế giới, tương đương 17–18 triệu thùng, được vận chuyển qua. Một sự gián đoạn tại khu vực này sẽ không chỉ làm gián đoạn nguồn cung, mà còn thổi bùng tâm lý hoảng loạn trên thị trường tài chính quốc tế.

04.jpg
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra ước tính: Nếu giá dầu tăng gấp đôi, tức tăng 100%, GDP toàn cầu có thể giảm 1,5 đến 2%, còn lạm phát sẽ tăng thêm từ 3 đến 4 điểm phần trăm.

Trong lịch sử, các sự kiện địa chính trị tại vùng Vịnh luôn tạo ra những cú sốc lớn về giá dầu. Đơn cử như vào tháng 6/2019, chỉ một vụ tấn công nhằm vào hai tàu dầu ở vịnh Oman đã khiến giá dầu Brent bật tăng 14% chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nếu lần này xảy ra một phong tỏa toàn diện tại Hormuz, mức độ phản ứng sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Các chuyên gia năng lượng cảnh báo, trong kịch bản xấu, giá dầu có thể vượt mốc 150 USD/thùng, thậm chí chạm ngưỡng 200 USD nếu xung đột kéo dài và không có kênh vận chuyển thay thế hiệu quả.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra ước tính: Nếu giá dầu tăng gấp đôi, tức tăng 100%, GDP toàn cầu có thể giảm 1,5 đến 2%, còn lạm phát sẽ tăng thêm từ 3 đến 4 điểm phần trăm. Những con số này phản ánh mức độ dễ tổn thương của nền kinh tế thế giới trước các cú sốc năng lượng. Không chỉ những nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng, mà cả các nền kinh tế lớn như Mỹ, dù đã trở thành nước xuất khẩu ròng dầu, cũng sẽ chịu tác động mạnh do giá xăng, chi phí logistic và lạm phát gia tăng.

Tác động đầu tiên và rõ rệt nhất sẽ là áp lực lạm phát. Giá năng lượng tăng sẽ kéo theo chi phí vận chuyển, sản xuất và giá cả hàng hóa tiêu dùng leo thang. Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển, vốn có dư địa chính sách tiền tệ hạn chế và mức dự trữ ngoại tệ mỏng, sẽ bị tổn thương nặng nề. Hàng triệu hộ gia đình tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latin có thể rơi vào cảnh chi tiêu thắt lưng buộc bụng khi giá xăng, điện và thực phẩm tăng chóng mặt.

Để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng trung ương các nước nhiều khả năng sẽ buộc phải tăng lãi suất, dù điều này đồng nghĩa với việc làm chậm đà phục hồi kinh tế sau đại dịch và khủng hoảng chuỗi cung ứng. Lãi suất tăng kéo theo chi phí vay mượn cao hơn, làm giảm đầu tư tư nhân, tiêu dùng cá nhân và khiến rủi ro suy thoái kinh tế quay trở lại, đặc biệt tại các nước có nợ công cao.

Ngoài ra, sự gián đoạn tại Hormuz còn gây tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mặt hàng sử dụng nguyên liệu hóa dầu: từ phân bón, nhựa đến linh kiện điện tử, sẽ gặp khó khăn trong sản xuất và vận chuyển. Ngành vận tải hàng hải và hàng không, vốn phụ thuộc vào nhiên liệu, cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức... có thể phải điều chỉnh kế hoạch hoặc cắt giảm công suất nếu giá dầu neo cao trong thời gian dài.

Ngoài tác động thực, sự bất ổn tại Hormuz sẽ khuếch đại tâm lý bi quan trên thị trường tài chính. Các nhà đầu tư có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, đổ tiền vào các tài sản trú ẩn như vàng, USD, trái phiếu Mỹ - làm gia tăng áp lực tỷ giá, lãi suất và rủi ro khủng hoảng tài chính tại các nước thu nhập thấp.

Cú sốc dầu mỏ còn đặt ra thách thức lớn với tiến trình chuyển đổi năng lượng. Trong khi giá dầu cao có thể thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, thì trong ngắn hạn, nhiều nước sẽ quay lại sử dụng than hoặc nhiên liệu hóa thạch rẻ hơn để đối phó khủng hoảng năng lượng, làm chậm các mục tiêu giảm phát thải toàn cầu.

5.jpg
Nhân viên làm việc tại cơ sở khai thác dầu ở Wasit, Iraq. (Ảnh: THX/TTXVN).

Nếu không đi qua Hormuz, dầu sẽ vận chuyển bằng cách nào?

Như đã nói, Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải chiến lược bậc nhất thế giới, nơi trung bình mỗi ngày có khoảng 17–18 triệu thùng dầu thô được vận chuyển, chiếm gần 20% tổng tiêu thụ toàn cầu. Nếu tuyến đường huyết mạch này bị phong tỏa, dù chỉ tạm thời, ngành năng lượng thế giới sẽ buộc phải tìm kiếm các phương án thay thế. Tuy nhiên, những lựa chọn này đều tồn tại những giới hạn nghiêm trọng về công suất và chi phí.

Phương án khả thi nhất hiện nay là sử dụng hệ thống đường ống sẵn có để né Hormuz. Trong đó, đường ống East-West Pipeline (còn gọi là Petroline) của Saudi Arabia được xem là lựa chọn lớn nhất. Tuyến này dẫn dầu từ các mỏ phía Đông tới cảng Yanbu bên bờ Biển Đỏ, với công suất tối đa khoảng 5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, công suất vận hành thường thấp hơn do bảo trì hoặc nhu cầu nội địa.

Tiếp đến là đường ống Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), cho phép vận chuyển dầu từ mỏ Habshan ở nội địa ra cảng Fujairah, nằm ngoài eo biển Hormuz, với công suất vào khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tuyến đường ống Kirkuk- Ceyhan, nối từ miền Bắc Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, có công suất lý thuyết khoảng 1 triệu thùng/ngày, nhưng thường xuyên gián đoạn vì lý do kỹ thuật và an ninh.

Tổng cộng, ba tuyến đường ống lớn này chỉ có khả năng vận chuyển được khoảng 7,5 triệu thùng/ngày, tương đương 35–40% lượng dầu đi qua Hormuz, trong điều kiện hoạt động tối đa. Như vậy, phần lớn lượng dầu còn lại sẽ không có tuyến thay thế hiệu quả nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa.

Một lựa chọn khác, dù phi thực tế trong dài hạn, là vận chuyển dầu vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi) để tránh khu vực Trung Đông hoàn toàn. Tuy nhiên, phương án này làm tăng gấp 2–3 lần chi phí vận chuyển do quãng đường xa hơn và thời gian giao hàng kéo dài thêm 2–3 tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Ngoài ra, chi phí bảo hiểm cho tàu chở dầu, đặc biệt là phí rủi ro chiến tranh (war risk premium), sẽ tăng vọt trong bối cảnh căng thẳng leo thang, khiến giá dầu tăng cao hơn nữa.

Tóm lại, nếu Hormuz bị phong tỏa, thế giới không có lựa chọn dễ dàng nào để thay thế. Các đường ống hiện có chỉ bù đắp được một phần nhỏ, trong khi các tuyến vận chuyển đường biển thay thế lại tốn kém và chậm trễ. Điều này giải thích vì sao Hormuz được coi là “yết hầu” của thị trường dầu mỏ toàn cầu, nơi mọi biến động đều có thể gây chấn động tới giá cả và an ninh năng lượng toàn cầu.

03.jpg
Tàu tuần tra Iran trên eo biển Hormuz.

Việt Nam cần làm gì nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa?

Dù cách xa Trung Đông, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc nếu eo biển Hormuz, nơi trung chuyển gần 20% dầu thô toàn cầu, bị phong tỏa. Nguyên nhân là phần lớn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nguồn cung hơn 30% nhu cầu nội địa, đến từ Kuwait, và hơn 30% xăng dầu thành phẩm Việt Nam cũng được nhập từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông, qua tuyến hàng hải này.

Khi nguồn cung dầu thô bị gián đoạn, chi phí nhập khẩu sẽ tăng mạnh, đẩy giá xăng dầu trong nước lên cao, ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận tải, sản xuất. Vì xăng dầu là đầu vào quan trọng của hầu hết các ngành kinh tế, cú sốc giá này sẽ lan sang giá hàng hóa, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dẫn đến lạm phát chi phí đẩy. Người tiêu dùng bị ảnh hưởng, doanh nghiệp bị co hẹp biên lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi.

Ngoài ra, nhập siêu năng lượng tăng sẽ gây sức ép lên cán cân thương mại và tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng trước bài toán khó: nếu giữ ổn định tỷ giá để kiểm soát lạm phát, khả năng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và xuất khẩu sẽ suy giảm.

Nhiều nguyên liệu đầu vào quan trọng như hóa chất, phân bón, nhựa, phụ gia sản xuất… được nhập khẩu từ châu Á - Trung Đông hoặc quá cảnh qua tuyến vận tải liên quan Hormuz. Nếu vận chuyển bị trì hoãn và chi phí logistics tăng, các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, thủy sản, vốn có biên lợi nhuận thấp, sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như vậy, nếu những vấn đề như trên xảy ra thì giải pháp ứng phó và giảm thiểu rủi ro của Việt Nam sẽ là gì?

-Trước hết, Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung năng lượng: Việt Nam cần tìm kiếm đối tác cung cấp dầu thô, xăng dầu và LNG từ các khu vực không phụ thuộc eo Hormuz như châu Phi, Nga, Mỹ Latinh, Australia, Indonesia, Malaysia. Đồng thời, phát triển thêm tuyến vận tải thay thế và tăng đầu tư hạ tầng nhập khẩu.

-Hai là, tăng dự trữ chiến lược: Mức dự trữ hiện chỉ đủ cho 20–30 ngày tiêu dùng, thấp hơn mặt bằng ASEAN. Cần nâng lên 60–90 ngày, thúc đẩy xây dựng hệ thống kho dầu chiến lược, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp dự trữ thương mại cao hơn mức tối thiểu. Ban hành luật an ninh năng lượng sẽ giúp điều phối hiệu quả hơn trong khủng hoảng.

-Ba là, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và tiết kiệm nhiên liệu: Việt Nam cần đẩy mạnh năng lượng tái tạo, điện khí hóa giao thông, phát triển xe điện, điện mặt trời áp mái. Song song, chính sách thuế và trợ giá cần định hướng tiêu dùng tiết kiệm, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

-Bốn là, tăng cường điều hành vĩ mô linh hoạt: Nhà nước cần sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, công cụ thuế và chính sách tiền tệ – tỷ giá – tín dụng để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, không để cú sốc giá dầu lan rộng thành khủng hoảng.

-Năm là, đẩy mạnh hợp tác khu vực: Việt Nam nên chủ động đề xuất cơ chế chia sẻ dự trữ và hỗ trợ khẩn cấp trong ASEAN, đồng thời hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ để thiết lập hành lang năng lượng an toàn tại châu Á - Thái Bình Dương.

Như vậy, có thể nói Hormuz, eo biển nhỏ hẹp giữa biển Ả Rập, lại giữ trong tay sinh mệnh của nền kinh tế thế giới hiện đại. Nếu nó bị phong tỏa, thế giới không chỉ đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, mà còn là một phép thử với trật tự hàng hải quốc tế, năng lực ứng phó chính sách và sự đoàn kết của các quốc gia.

Hormuz là lời nhắc nhở rằng an ninh năng lượng không phải câu chuyện của riêng ai, và mọi quốc gia, dù nhỏ hay lớn, đều cần tầm nhìn chiến lược, chuẩn bị dài hạn và hành động kịp thời.