Ông Putin: Kỷ nguyên mới đang mở ra trong lịch sử thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phát biểu tại Diễn đàn “Ý tưởng mạnh mẽ cho thời đại mới” do Tổ chức sáng kiến chiến lược thúc đẩy các dự án mới đăng cai tổ chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định một kỷ nguyên mới đang đang được mở ra.

Kỷ nguyên của trật tự thế giới mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, hiện nay ở cấp độ quốc gia cũng như toàn cầu đang diễn ra các hoạt động xây dựng cơ sở nền tảng và các nguyên tắc của một trật tự thế giới hài hòa, công bằng hơn, an toàn hơn, nhằm mục tiêu đáp ứng các yêu cầu của xã hội và sẽ thay thế trật tự thế giới đơn cực đang tồn tại kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Xét về bản chất, trật tự thế giới đơn cực đã kìm hãm sự phát triển của nền văn minh nhân loại.

Theo ông, mô hình toàn trị của cái gọi là “tỉ phú vàng” thật không công bằng. Tại sao “tỉ phú vàng” này chỉ chiếm một phần nhỏ dân số thế giới mà lại thống trị tất cả những người còn lại và bắt họ phải thực thi các quy tắc dựa trên ảo tưởng về sự phân biệt đẳng cấp? Mô hình toàn trị của “tỉ phú vàng” phân chia thế giới thành loại người hạng nhất và loại người hạng hai.

Do đó, về bản chất, đó là sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Cơ sở nền tảng của mô hình toàn trị của “tỉ phú vàng” là tư tưởng toàn cầu mà họ gọi là “tư tưởng về thế giới tự do” đang ngày càng mang tính chất của chủ nghĩa toàn trị, kìm hãm nỗ lực tự do sáng tạo và sáng tạo lịch sử.

Theo ông Putin, không phải bỗng nhiên “tỉ phủ vàng” trở nên giàu có và đạt được khá nhiều thành tựu. Việc họ giành được vị thế như hiện nay không chỉ nhờ thực hiện thành công một số ý tưởng nhất định mà chủ yếu là bằng cách cướp bóc những quốc gia khác ở châu Á và châu Phi. Đó là điều đã xảy ra trong quá khứ. Chính vì thế, giới tinh hoa của “tỉ phú vàng” đang sợ hãi đến mức vô cùng bối rối trước các trung tâm phát triển toàn cầu khác có khả năng đưa ra các phương án phát triển thế giới của riêng họ.

Mặc cho phương Tây và giới tinh hoa xuyên quốc gia đang ra sức duy trì trật tự thế giới đơn cực hiện có, một kỷ nguyên mới và một giai đoạn mới trong lịch sử thế giới đang đến gần. Trong đó, chỉ có các quốc gia có chủ quyền thực sự mới có thể đảm bảo tạo ra sự phát triển năng động với tốc độ tăng trưởng cao và trở thành tấm gương cho những quốc gia khác về tiêu chuẩn sống và chất lượng cuộc sống, về việc bảo vệ các giá trị truyền thống và lý tưởng nhân văn cao cả, về mô hình phát triển mà trong đó con người không phải là phương tiện mà là mục tiêu cao cả nhất.

Thế giới nói gì về kỷ nguyên mới?

Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) được tổ chức trong tháng 1/2019 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc thế giới trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đưa ra nhận định rằng, chủ nghĩa tư bản thế giới đang bước vào kỷ nguyên của những chuyển dịch căn bản do tác động của cục diện kinh tế và chính trị-quân sự trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn chuyển tiếp từ cách mạng công nghiệp 3.0 tới cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đang diễn ra quá trình sắp xếp lại bức tranh kinh tế/chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế.

Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2020 đề xuất sáng kiến về “tái cấu trúc vĩ đại” (The Great Reset) chủ nghĩa tư bản thế giới. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đã đến lúc thế giới cần tiến hành công cuộc “tái cấu trúc vĩ đại” để hướng tới mục tiêu xây dựng các nền kinh tế và cộng đồng xã hội bình đẳng, toàn diện, bao trùm và có khả năng phát triển bền vững hơn khi phải đối mặt với các rủi ro như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và nhiều biến động toàn cầu khác như sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, nghèo đói, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế…

Chủ tịch Diễn dàn kinh tế thế giới Claus Schwab: “Đã đến lúc chủ nghĩa tư ban thế giới tiến hành cuộc tái cấu trúc vĩ đại” (Ảnh : WEF)

Chủ tịch Diễn dàn kinh tế thế giới Claus Schwab: “Đã đến lúc chủ nghĩa tư ban thế giới tiến hành cuộc tái cấu trúc vĩ đại”

(Ảnh : WEF)

Theo WEF 2020, những yếu tố dẫn tới sáng kiến “tái cấu trúc vĩ đại” chủ nghĩa tư bản bao gồm: Thứ nhất, Đại dịch COVID-19 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội độc nhất vô nhị và là cửa sổ mở ra các khả năng cho toàn nhân loại hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, đặt dấu mốc trong lịch sử phát triển thế giới để phân biệt kỷ nguyên trước va sau COVID-19.

Thứ hai, tương lai tốt đẹp của loài người là một thế giới mà trong đó sẽ không còn sự khác biệt giữa các quốc gia giàu và giữa người giàu và người nghèo, nhân phẩm của con người sẽ được tôn trọng, con người sẽ tôn trọng nhau hơn.

Thứ ba, thế giới sẽ phải chuyển sang sử dụng “năng lượng xanh” thay thế các nguồn năng lượng gây ô nhiễm môi trường và làm biến đổi khí hậu.

Thứ tư, sẽ áp dụng các tiêu chuẩn giới hạn mức độ sử dụng nước, điện và một số loại sản phẩm gây hại đối với môi trường.

Thứ năm, sẽ robot hóa các lĩnh vực của nền kinh tế- xã hội, hướng đến mục tiêu vào năm 2035 có tới 86% công việc trong các nhà hàng, 75% dịch vụ thương mại và 59% hoạt động giải trí sẽ do robot đảm nhiệm.

Thứ sáu, sẽ số hóa tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội để hình thành hệ thống hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới, trong đó mạng lưới giám sát kỹ thuật số trên toàn cầu sẽ được áp dụng để đối phó với các đại dịch tương tự như COVID-19.

Thứ bảy, sẽ phải áp dụng mô hình chăm sóc sức khỏe mới dựa trên công nghệ số.

Thứ tám, con người sẽ được phát triển toàn diện và trở thành công dân toàn cầu.

Để tái cấu trúc mô hình hiện tại của chủ nghĩa tư bản, nhóm chuyên gia kinh tế hàng đầu của Diễn đàn kinh tế thế giới đề xuất phát triển nền kinh tế bao trùm, hoặc nền kinh tế toàn diện với các thành tố: cùng tham gia, bình đẳng, tăng trưởng, khả năng phục hồi và ổn định.

“Cùng tham gia” có nghĩa là tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, được tham gia các quá trình kinh tế như tiếp cận thị trường, với tư cách là người lao động, người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp.

“Bình đẳng” là tạo cơ hội cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ, được tiếp cận hàng hóa, dịch vụ, cơ sở hạ tầng công cộng, giáo dục, y tế, được hưởng môi trường không khí trong lành và nước sạch. Các công ty phải có nghĩa vụ đáp ứng nhu cầu của những người sống dưới mức nghèo khổ.

“Tăng trưởng” có nghĩa là chuyển đổi nền kinh tế nhằm cải thiện điều kiện sống của tất cả mọi người, kể cả người nghèo. Đồng thời, thay thế việc sử dụng chỉ số tăng trưởng kinh tế theo mức tăng GDP bằng các chỉ số khác phản ánh mức độ hạnh phúc của người dân.

“Ổn định” có nghĩa là mọi người dân phải được bảo đảm về xã hội, còn các quyết sách của chính phủ có thể dự đoán được. “Bền vững” có nghĩa là phải tính đến các chi phí và lợi ích dài hạn khi sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội và con người. Trên thực tế, để phát triển nền kinh tế bao trùm có nghĩa là phải phá bỏ hệ thống kinh tế cũ của chủ nghĩa tư bản thế giới. Do đó, theo Giáo sư Klaus Schwab, chủ nghĩa tư bản thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, trong đó đã đến lúc phải đổi mới mô hình phát triển.

Francis Fukuyama - tác giả của học thuyết chính trị mang tên “Sự cáo chung lịch sử”, từng dự báo rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa tư bản dựa trên tư tưởng tự do sẽ chiến thắng trên phạm vi toàn cầu. Sau 30 năm kể từ khi công bố luận thuyết đó, trong bài viết với tựa đề “Cuộc chiến của Putin đối với trật tự tự do” đã phải công nhận rằng hệ tư tưởng của phương Tây đang lâm vào bế tắc.

Mark Leonard - Giám đốc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, trong bài viết đăng trên tờ Foreign Affairs (Mỹ) số ra ngày 13/6/2022 nhận định rằng trên thực tế, kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc.

Christopher Layne - Giám đốc tình báo và an ninh quốc gia tại George Bush School of Government, trong bài viết đăng ngày 26/4/2012 từng đưa ra nhận định: “Thế giới Châu Âu-Đại Tây Dương đã có một thời gian dài thống trị toàn cầu thì nay đang dần tới hồi kết.

Simon Tisdall- Biên tập viên về đối ngoại của báo Guardian (Anh) cho rằng, thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan kéo dài gần 20 năm đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực.