Hệ thống dây thép gai ở vùng Sumy phía bắc Ukraine, giáp với vùng Kursk của Nga. Các nhà phân tích cho biết việc mất đi một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất của Kiev sẽ khiến Nga dễ dàng tấn công các tuyến phòng thủ của Ukraine hơn. Ảnh NYTimes.
Hệ thống dây thép gai ở vùng Sumy phía bắc Ukraine, giáp với vùng Kursk của Nga. Các nhà phân tích cho biết việc mất đi một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất của Kiev sẽ khiến Nga dễ dàng tấn công các tuyến phòng thủ của Ukraine hơn. Ảnh NYTimes.

Quyết định dừng viện trợ Ukraine của ông Trump thay đổi cục diện trên chiến trường như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giới chức Mỹ nhận định, việc tạm ngừng cung cấp vũ khí và chia sẻ tình báo có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nếu Tổng thống Ukraine nhượng bộ trước những yêu cầu từ Nhà Trắng.

Trên chiến trường Ukraine và miền Tây nước Nga, cuộc chiến rơi vào thế giằng co, khi cả hai bên đều gánh chịu thương vong nặng nề. Quân đội Ukraine kiên cường kháng cự trước đà tiến công của Nga, trong khi lực lượng Moscow phải chật vật giành từng tấc đất.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump trong tuần này về việc tạm dừng hỗ trợ quân sự và chia sẻ tình báo có thể làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường. Nó có thể kéo theo hai kịch bản: hoặc buộc các bên phải đình chiến, hoặc tạo lợi thế quyết định cho Nga.

Với sự hỗ trợ từ châu Âu, cả về vũ khí lẫn tình báo, Ukraine có thể tiếp tục cuộc chiến đến mùa hè ngay cả khi không còn nhận viện trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mất đi một trong những đồng minh quan trọng nhất sẽ khiến Nga dễ dàng xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine hơn.

Seth G. Jones, Phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: "Bất chấp bất lợi về khí tài và quân số, Ukraine vẫn làm rất tốt trong việc ngăn chặn bước tiến lớn của Nga".

Áp lực tối đa lên Kiev

Giới chức chính quyền Trump ám chỉ rằng quyết định đóng băng viện trợ có thể chỉ là tạm thời nếu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chấp thuận các điều kiện của Nhà Trắng. Phát biểu trước Quốc hội hôm 4/3, ông Trump bày tỏ sự hoan nghênh khi ông Zelensky tuyên bố sẵn sàng "ngồi vào bàn đàm phán".

Hiện tại, chính quyền Trump đang gia tăng áp lực tối đa lên Ukraine, trong khi không đặt nhiều sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hay quân đội Nga – lực lượng vẫn tiếp tục nã đạn vào các thành phố Ukraine. Nếu Washington bị xem là một "trọng tài" thiếu công bằng, Kiev có thể tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ châu Âu để tiếp tục cuộc chiến.

Dù vậy, Nga vẫn chưa thể giành ưu thế trên không kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt cách đây 3 năm. Họ vẫn gặp khó khăn trong việc phối hợp tác chiến giữa các đơn vị quân đội.

Nhưng sau khi ông Trump đưa ra quyết định có lợi cho Moscow, tình thế có thể biến đổi.

Alexander Vindman, cựu sĩ quan quân đội Mỹ gốc Ukraine từng phục vụ tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định: "Tác động đầu tiên sẽ là tâm lý – điều này sẽ củng cố tinh thần lính Nga, đồng thời khiến quân Ukraine chùng xuống".

2.png
Một người lính đặc nhiệm Ukraine trong buổi huấn luyện ở khu vực Donbass vào tháng trước. Ảnh: NYTimes

Những hệ lụy nặng nề

Việc đình chỉ viện trợ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung vũ khí trị giá hàng tỷ USD đang trong quá trình vận chuyển hoặc đặt hàng. Nó không chỉ làm gián đoạn các đợt bàn giao vũ khí từ kho dự trữ Lầu Năm Góc, mà còn chặn nguồn ngân sách từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine – chương trình giúp Kiev mua khí tài trực tiếp từ các tập đoàn quốc phòng Mỹ.

Ukraine có nguy cơ mất đi nhiều hệ thống vũ khí tối tân, bao gồm tên lửa đạn đạo đất đối đất, pháo phản lực tầm xa, phụ tùng bảo dưỡng cùng các hỗ trợ kỹ thuật quan trọng.

Đáng lo ngại hơn, việc tạm ngừng viện trợ cũng sẽ trì hoãn các đợt giao tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống phòng không Patriot và NASAMS – những khí tài đã giúp bảo vệ các thành phố Ukraine khỏi mưa tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Bên cạnh đó, việc đình chỉ chia sẻ thông tin tình báo đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ mất đi nguồn dữ liệu quan trọng để nhắm mục tiêu vào lực lượng Nga.

Theo các quan chức chính quyền Trump, mục đích của động thái này là gây sức ép buộc ông Zelensky ký kết một thỏa thuận mở cửa ngành khai khoáng Ukraine cho các tập đoàn Mỹ. "Nếu Kiev đồng ý, tình báo sẽ được khôi phục, và các lô hàng vũ khí đã được chính quyền Biden phê duyệt trước đó sẽ tiếp tục được chuyển giao", một quan chức cấp cao tiết lộ.

Tuy nhiên, điều không rõ ràng là liệu ông Trump có chấp thuận cung cấp thêm viện trợ quân sự mới cho Ukraine hay không.

3.png
Một kíp pháo M777 đang bắn vào các mục tiêu của Nga gần tiền tuyến của khu vực Dnipro vào tháng trước. Ảnh: NYTimes.

Giai đoạn mới của cuộc chiến

Lực lượng Nga vẫn đang tìm cách giành lại phần lãnh thổ ở vùng Kursk, nơi Ukraine đã kiểm soát một phần vào năm ngoái, đồng thời chuẩn bị cho những trận chiến mới tại mặt trận Donbass.

Dara Massicot, chuyên gia quân sự Nga tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định: "Họ đang củng cố lực lượng tại chỗ và khắc phục những tổn thất từ chiến dịch mùa Thu năm ngoái. Tôi dự đoán Nga sẽ mở thêm đợt tấn công mới, có thể vào khoảng tháng 5".

Dù vậy, Ukraine không hoàn toàn bất lực. Quốc gia này đang tăng cường sản xuất vũ khí nội địa, và châu Âu vẫn có những nguồn lực riêng để tiếp sức cho Kiev.

Các nước như Pháp và Anh đang cung cấp hình ảnh vệ tinh giúp Ukraine xác định mục tiêu Nga. Tuy nhiên, các vệ tinh này chưa theo dõi sát sao các động thái quân sự của Moscow như hệ thống do thám của Mỹ. Các quan chức Ukraine cũng thừa nhận rằng, nếu tình trạng gián đoạn tình báo kéo dài, hậu quả sẽ là rất lớn.

Nếu việc ngừng cung cấp vũ khí tiếp diễn sau mùa hè, Ukraine có thể cạn kiệt một số loại khí tài tiên tiến, như hệ thống phòng không hiện đại, tên lửa đạn đạo đất đối đất, hệ thống định vị và pháo phản lực tầm xa.

Sự thiếu hụt này sẽ làm suy yếu khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa của Ukraine, đồng thời khiến binh sĩ và thành phố của nước này dễ bị tổn thương hơn trước các đợt không kích bằng tên lửa, rocket và UAV của Nga.

Chính quyền Trump đã gửi một số loại vũ khí mà chính quyền Biden từng cam kết cung cấp cho Ukraine, bao gồm “hàng trăm hệ thống phóng rocket dẫn đường đa nòng (GMLRS), vũ khí chống tăng và hàng nghìn quả đạn pháo,” Lầu Năm Góc cho biết hôm đầu tuần này.

Tuy nhiên, theo chỉ thị của ông Trump, việc chuyển giao vũ khí sẽ tạm dừng, ít nhất là cho đến khi Tổng thống xác định rằng Ukraine thể hiện thiện chí trong đàm phán hòa bình với Nga, một quan chức cấp cao trong chính quyền tiết lộ.

Dù vậy, “bản chất của các hệ thống vũ khí mà Ukraine đang sử dụng hiện nay khác với những loại họ từng phụ thuộc nhiều trong giai đoạn đầu của cuộc chiến”, George Barros, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), nhận định. “Nền công nghiệp quốc phòng của Ukraine đã phát triển đáng kể, và họ có thể tự sản xuất nhiều loại vũ khí cần thiết”.

Trên thực tế, trong những tuần gần đây, nhịp độ các đợt tấn công của Nga đã chững lại ở một số điểm nóng trên tiền tuyến, trong khi lực lượng Nga “đang chịu tổn thất trong các chiến dịch tiến công”, Đại tá Oleksii Khilchenko, chỉ huy một lữ đoàn Ukraine ở miền Đông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Theo quan sát, những đợt tấn công trước đây thường có sự tham gia của 10 đến 15 binh sĩ, nhưng hiện tại quy mô đã thu hẹp chỉ còn các nhóm nhỏ tối đa 5 người”, ông Khilchenko nói.

Ông Barros nhận định rằng phần lớn thương vong mà quân đội Ukraine gây ra cho Nga đến từ các thiết bị không người lái tự chế và các loại vũ khí do chính Ukraine sản xuất.

“Vì vậy, không thể nói rằng binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến sẽ ngay lập tức thiếu sót những công cụ chiến đấu cơ bản nhất”, ông nhấn mạnh.

4.png
Kostiantynivka, một thành phố miền Đông Ukraine, đã hủy hoại do chiến tranh. Việc thiếu hụt kéo dài một số vũ khí tiên tiến có thể khiến các thành phố của Ukraine dễ bị tấn công bằng tên lửa, rocket và máy bay không người lái hơn. Ảnh: NYTimes.

Hệ thống khiến Ukraine lo ngại nhất

Tuy nhiên, điều mà Ukraine có nguy cơ cạn kiệt, theo ông và nhiều chuyên gia khác, chính là các tên lửa đánh chặn dành cho hệ thống phòng không Patriot – một yếu tố quan trọng giúp bảo vệ không phận Ukraine.

Nhiều quốc gia châu Âu sở hữu các tên lửa đánh chặn Patriot, nhưng việc cung cấp cho Ukraine đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh một phần lá chắn phòng không của chính mình. Đây là một quyết định khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các đồng minh NATO không còn có thể mặc định rằng Mỹ sẽ hỗ trợ họ nếu bị tấn công.

Lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ nhóm họp tại Brussels trong hôm 6/3 để thảo luận hai vấn đề trọng tâm: cách duy trì hỗ trợ Ukraine và làm thế nào để củng cố năng lực quân sự của chính họ.

Hiện chưa rõ hệ thống Internet vệ tinh Starlink có bị ảnh hưởng bởi lệnh tạm dừng viện trợ của ông Trump hay không. Starlink, do SpaceX của Elon Musk vận hành, đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Ukraine kể từ những ngày đầu chiến sự, giúp binh sĩ liên lạc và chia sẻ thông tin mà không phải dựa vào tin nhắn trên mạng di động – vốn dễ bị đối phương ngăn chặn.

Trong một cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước, ông Trump nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng tình thế của Kiev không thuận lợi. “Ông không nắm lợi thế lúc này”, ông Trump nói.

Dẫu vậy, chưa ai có thể đoán định việc đình chỉ viện trợ quân sự và chia sẻ tình báo sẽ tác động đến cuộc chiến ra sao, theo giới chức quân sự.

“Tuyên bố rằng Ukraine ‘không nắm lợi thế’ cho thấy những người xung quanh Tổng thống Mỹ không thực sự hiểu về chiến tranh hay lý do khiến những người lính sẵn sàng chiến đấu, ngay cả khi họ bị áp đảo về quân số”, Trung tướng Frederick B. Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, nhận định.

Theo ông, Ukraine vẫn có thể giành thắng lợi, hoặc ít nhất là ở vị thế tốt hơn, nếu châu Âu cung cấp sự hỗ trợ “trong khả năng của họ”. Và nếu điều đó xảy ra mà không có sự tham gia của Mỹ, “Washington sẽ mất uy tín và ảnh hưởng”.

Theo New York Times