Henry Kissinger: Mỹ "trên bờ vực" chiến tranh với Nga và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vị chính khách kỳ cựu cho rằng thiếu đi những nhà lãnh đạo có tầm nhìn đã dẫn tới tình trạng căng thẳng như hiện nay.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: AFP)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (Ảnh: AFP)

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói với tờ Wall Street Journal rằng Washington đã từ bỏ kiểu ngoại giao truyền thống, và do thiếu một nhà lãnh đạo vĩ đại, nên đã đẩy thế giới tới bờ vực của cuộc chiến ở Ukraine và Đài Loan.

Ông Kissinger trước đó đã làm dấy lên tranh cãi vì đề nghị Kiev từ bỏ một phần lãnh thổ của họ để chấm dứt cuộc xung đột với Nga.

“Chúng ta đang ở bờ vực của một cuộc chiến với Nga và Trung Quốc do những vấn đề mà một phần là do chúng ta tạo nên, không có khái niệm về cách để chấm dứt nó hoặc tình trạng này sẽ dẫn đến đâu,” ông Kissinger nói trong cuộc phỏng vấn.

Ông Kissinger, hiện ở tuổi 99, đã đề cập tới vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine trong một cuốn sách ra mắt mới đây, trong đó có nhắc tới nhiều nhà lãnh đạo thời kỳ hậu Thế chiến II. Ông mô tả quyết định của Nga gửi binh sĩ tới Ukraine vào tháng 2 năm nay là bắt nguồn từ mong muốn bảo vệ an ninh, bởi việc Ukraine gia nhập NATO sẽ khiến cho khối quân sự này đặt các hệ thống vũ khí của họ vào vị trí chỉ cách Moscow khoảng 480 km. Ngược lại, để cho Ukraine rời hoàn toàn vào tầm ảnh hưởng của Nga sẽ làm tăng “sự lo lắng lịch sử của châu Âu về sự thống trị của Nga.”

Các nhà ngoại giao ở Kiev và Washington đáng lẽ ra nên cân bằng những mối quan ngại này, ông viết, mô tả rằng cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine như “sản phẩm tự nhiên của cuộc đối thoại chiến lược thất bại.” Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal vào thời điểm một tháng sau khi cuốn sách được xuất bản, ông Kissinger khẳng định rằng phương Tây lẽ ra nên tiếp nhận những đề xuất an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin một cách nghiêm túc, và nêu rõ ràng rằng Ukraine sẽ không được chấp nhận trở thành nước thành viên của NATO.

Trước khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã nêu rõ ràng với Mỹ và NATO những mối quan ngại của họ bằng văn bản, nhưng rồi bị bác bỏ thẳng thừng.

Ông Kissinger nói rằng các nhà lãnh đạo hiện đại của Mỹ có xu hướng xem ngoại giao như “mối quan hệ cá nhân với đối thủ,” và như tờ Wall Street Joural đăng tải, là “có xu hướng xem các cuộc đối thoại như kiểu truyền giáo, thay vì vấn đề tâm lý, tìm cách cải đạo hoặc lên án người đối thoại với họ thay vì muốn tìm hiểu kỹ suy nghĩ của họ.”

Ông Kissinger cho rằng Mỹ nên tìm kiếm sự “thăng bằng” giữa họ, Nga và Trung Quốc.

Cụm từ này có nghĩa “một kiểu cân bằng về quân sự, sự chấp nhận tính hợp lệ của những giá trị đôi khi có phần đối lập,” ông Kissinger giải thích. “Bởi nếu anh tin rằng kết quả cuối cùng trong nỗ lực của mình phải là áp đặt các giá trị của anh, vậy thì tôi cho rằng sẽ không có sự cân bằng.”

Dưới thời Tổng thống Richard Nixon, ông Kissinger đã đứng ra tạo dựng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong những năm 1970, một động thái nhằm tách Bắc Kinh khỏi Moscow.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, Mỹ đã chứng kiến Trung Quốc và Nga tăng cường quan hệ thương mại và ngoại giao. Chính sách của Mỹ đối với vấn đề Đài Loan – trong đó ông Biden công khai tách khỏi chiến lược mơ hồ chiến lược có từ thời Kissinger đối với sự độc lập của hòn đảo này, và Chủ tịch Hạ viện Mỹ tới thăm đảo mới đây khiến Bắc Kinh tức giận – càng làm tổn hại mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, làm tăng các hoạt động quân sự trên eo biển Đài Loan.

Theo ông Kissinger, Mỹ không còn ở vị trí đứng cùng phía với Nga hoặc Trung Quốc để chống lại bên còn lại nữa. “Tất cả những gì bạn có thể làm là tăng thêm căng thẳng và tạo nên những lựa chọn, và cần phải có một số mục đích để làm vậy,” ông nói.

Ông Kissinger là một người ủng hộ chính sách thực dụng trong quan hệ quốc tế, tức đặt lợi ích thực dụng của một quốc gia lên trên quan điểm về tư tưởng hệ. Quan điểm của ông về các vấn đề ngoại giao đôi lúc được ngợi khen nhưng đôi lúc mang đến cho ông nhiều địch thủ.

Hồi đầu mùa Hè năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích ông Kissinger vì đề xuất Kiev nên chấp nhận đổi một phần lãnh thổ - ám chỉ việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền với Crimea và trao quyền tự trị cho các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk – để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, tránh Thế chiến III.

Theo RT